Bài học từ Nam Anh

11/11/2011 16:36

(Baonghean) - Nam Anh là một trong 3 xã được huyện Nam Đàn chọn làm điểm về Xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011- 2015. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã được chú trọng, nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, nhân dân trong xã. Và trong quá trình xây dựng NTM, công tác vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của làm đường giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương nội đồng... đang được sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, xuất phát từ thực hiện tốt công tác quy chế dân chủ ở cơ sở.

Ông Hồ Viết Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Anh, cho biết: Xã hiện có 1.739 hộ, 7.596 khẩu được phân bố thành 9 xóm. Toàn xã có 15km đường liên thôn và hơn 7 km đường liên xã, các tuyến đường liên thôn cơ bản đã được cứng hoá từ trước năm 2004, nhưng do phát triển chưa đồng bộ, chưa đảm bảo chiều rộng mặt đường theo tiêu chí NTM; một số tuyến đường liên thôn, liên xã qua nhiều năm sử dụng không được tu sửa nên ngày càng xấu, ảnh hưởng đến việc đi lại. Xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là "cú hích" để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, tạo diện mạo NTM, xã luôn tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia nâng cấp, mở rộng và kiên cố đường GTNT theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Ngay từ đầu năm 2011, xã đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai đến tất cả các xóm; thành lập ban vận động, ban xây dựng và ban giám sát công trình, trong đó thành viên các ban là đảng viên và quần chúng có uy tín. Và mỗi việc làm đều được ban thường vụ bàn bạc, đưa ra ban chấp hành họp uỷ ban mở rộng, họp đảng bộ thông qua dự toán, công khai nguồn vốn. Khi đảng bộ nhất trí mới tiến hành họp hội đồng, sau đó cử cán bộ xã đi khảo sát, nắm bắt tình hình để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, tổ chức họp dân để bà con được bàn bạc, đưa ra ý kiến đi đến thống nhất mức đóng góp kinh phí để thực hiện.



Tuyến đường liên xã từ chợ Chùa đi cầu con Gát ở xã Nam Anh (Nam Đàn) đang được gấp rút thi công.

Có mặt tại xã Nam Anh đúng vào thời điểm anh em công nhân đang khẩn trương thi công tuyến đường liên xã từ chợ Chùa đi cầu con Gát. Ông Hồ Viết Cảnh, Bí thư kiêm xóm trưởng xóm 4 phấn khởi, cho hay: "Đây là tuyến đường nhựa đầu tiên của Nam Anh chạy qua 4 xóm (gồm xóm 1, 2, 3, 4), nhưng do đã xuống cấp lâu ngày nên việc đi lại rất khó khăn. Sau khi bàn bạc, các hộ đi đến thống nhất đường mở rộng vào nhà nào thì nhà đó phải tự giải phóng mặt bằng. Vì vậy, trên tuyến đường này có 34 hộ nằm 2 bên đường thì đã có đến hơn 10 hộ tự nguyện hiến đất, phá bỏ bờ rào để làm đường giao thông. Và trong quá trình thi công, ngoài trách nhiệm giám sát của huyện, mỗi xóm đều cử ra tổ giám sát công trình...”. Anh Đinh Xuân Kỳ (ở xóm 3) cũng cho biết thêm: “Qua phát động công trình, mặc dù đã có đến 3 cuộc họp cho người dân của 4 xóm, nhưng ban đầu không phải ai cũng đồng tình theo phương án đưa ra. Riêng ở xóm 1, nhiều hộ dân cho rằng họ ít đi qua tuyến đường này vì đã có đường tắt qua xóm núi, nên mức đóng góp phải ít hơn; một số hộ khác lại có ý kiến mức thu phí như vậy là quá cao (350.000 đồng/khẩu), vì lý do năm nay mưa lụt triền miên nên mùa màng thất bát. Nhưng khi Đảng uỷ, UBND xã, Ban Mặt trận chi uỷ xóm kiên trì vận động và tranh thủ sự hỗ trợ của các cán bộ về hưu, những người có uy tín đến thuyết phục làm đường giao thông nông thôn là cho dân - vì dân, đường có đi lại thuận lợi thì bà con mới có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời danh mục thu chi rõ ràng, để bà con nắm bắt, thì người dân chúng tôi đồng tình hưởng ứng.

Giải pháp chính mà Nam Anh thực hiện để khơi dậy tình đoàn kết, tạo sức mạnh toàn dân là thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Từ đầu năm 2011 đến nay, xã đã hoàn thành xây dựng 1.250m đường bê tông ở xóm 5, đổ cơ đường ở xóm 9 với tổng số tiền là 680 triệu đồng do người dân đóng góp 100%. Ở xóm 5, mỗi khẩu đóng góp 540.000 đồng, ở xóm 9 là 310.000 đồng. Xã đang thi công nâng cấp tuyến đường liên xã từ chợ Chùa đi cầu con Gát với tổng kinh phí 2 tỷ 829 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 670 triệu đồng, huyện hỗ trợ 189 triệu đồng, còn lại là do nhân dân đóng góp bằng tiền mặt theo mức mỗi khẩu 350.000 đồng, được thu trong 2 năm (miễn giảm cho người tàn tật, con em đang theo học đại học, cao đẳng, trẻ em dưới 12 tháng tuổi và người già trên 70 tuổi). Đây là đường cấp 4 đồng bằng theo Chương trình Quốc gia xây dựng NTM, đường rộng 9m, trong đó nền đường rộng 7,5m, chiều rộng mặt đường nhựa 4,5m và 2 bên có mương thoát nước rộng 50cm. Dự kiến đến tháng 12 tuyến đường này sẽ hoàn thành.

Công tác giải phóng mặt bằng dường như luôn là vấn đề nan giải, khó khăn và vướng mắc với một số địa phương, song đối với Nam Anh lại khá thuận lợi do có sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân... Ông Nguyễn Bá Dương ở xóm 2 - một người dân đi đầu trong việc tình nguyện hiến đất để nâng cấp tuyến đường giao thông liên xã, cho hay: "Khi được cán bộ xã, xóm tuyên truyền về phong trào làm đường GTNT theo tiêu chí xây dựng NTM, gia đình tôi đã phá bỏ bờ rào, dời chuồng bò lùi vào gần 2 m để nhường đất mở rộng đường với tổng diện tích đất vườn là hơn 20m2”. Không chỉ có gia đình ông Dương, nhiều hộ dân khác trong xã như ông Nguyễn Đình Lục (ở xóm 7), ông Hồ Viết Sơn, ông Hồ Viết Ngũ, ông Nguyễn Vinh Tám (ở xóm 4)... cũng tự nguyện hiến đất, tháo dỡ những công trình sinh hoạt, chặt cây dọn vườn trên phần đất phải giải toả để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công, kịp thời đảm bảo tiến độ cho các dự án.

Xây dựng NTM, trước tiên đó là trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của mỗi người dân. Thực tế ở xã Nam Anh cho thấy, trong quá trình xây dựng NTM, những tiêu chí khó và đòi hỏi nhiều vốn vẫn có thể sớm đạt được nếu biết phát huy sức mạnh của nhân dân. Việc thực hiện tốt công tác dân chủ cơ sở theo đúng phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ" là mấu chốt thành công khi thực hiện chủ trương lớn này.


Ngọc Anh