Khai thác nghệ thuật truyền thống

22/02/2012 08:58

(Baonghean)- Hiện trên địa bàn tỉnh ta có 24 lễ hội cấp tỉnh, cấp vùng kéo dài từ tháng Giêng cho đến tháng Mười Một. Mỗi vùng quê có một bản sắc riêng, nét văn hóa riêng góp phần tạo nên một không gian lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du khách, phục vụ nhân dân trong lễ hội đang là trăn trở của nhiều địa phương.


Là quê hương của các làn điệu dân ca phường vải, để bảo tồn và phát huy dân ca phường vải, năm 2006, Nam Đàn đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy hát phường vải. Trong đó, chủ trương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ hát phường vải, tổ chức các cuộc thi hát dân ca và ưu tiên chấm điểm cao hơn cho các tiết mục hát phường vải, phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo để đưa hát phường vải vào trường học.

Đặc biệt hàng năm, vào dịp Lễ hội làng Sen, Nam Đàn tổ chức Liên hoan Hát ví phường vải giữa các CLB dân ca trong toàn huyện tại Trung tâm VHTT huyện. Thế nhưng, một lễ hội quy mô cấp vùng được tổ chức vào Rằm tháng Giêng - đó là Lễ hội Vua Mai thì lại thiếu vắng hát ví phường vải.



Câu lạc bộ Ca trù huyện Diễn Châu. Ảnh: Cảnh Yên

Ông Trần Xuân Giáp - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nam Đàn cho biết: "Ý tưởng đưa hát ví phường vải vào phần hội của Lễ hội Vua Mai đã từng thực hiện một lần cách đây mấy năm nhưng không mấy thành công, do: Hát ví là những làn điệu cổ, tiết tấu đơn giản, tính hấp dẫn không cao, được hát theo kiểu đối đáp, không có nhạc đệm nên không hấp dẫn du khách.

Hiện trên địa bàn huyện có 5 CLB dân ca, hát ví, phường vải (trong đó có 3 CLB hoạt động hiệu quả là CLB Hát ví phường vải Kim Liên, CLB Dân ca, ví phường vải Thị trấn và CLB dân ca Xuân Hòa). Theo tôi, ở Lễ hội Vua Mai, nếu được thì không chỉ đưa riêng hát ví phường vải mà nên đưa cả dân ca, hò vào phục vụ du khách. Bởi hát dân ca, hò có nhịp điệu, âm nhạc cũng hấp dẫn hơn, đặc biệt những làn điệu lời mới của dân ca, của các điệu hò sông nước nghe thấm đẫm tình người. Thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, chúng tôi sẽ có đề xuất với UBND huyện xung quanh vấn đề này. Vì đây là một trong những hình thức quảng bá dân ca, hò, ví dặm đến với quần chúng, nhân dân, nhất là với du khách thập phương một cách tốt nhất".


Nếu như vùng đất Nam Đàn là nơi có những làn điệu phường vải chân chất, thì vùng đất cổ Hoan Châu xưa (Diễn Châu nay) lại là quê hương được ví là cái nôi của ca trù xứ Nghệ. Qua ông Trần Sỹ Hồng - Phó phòng VH - TT - DL huyệnđược biết, ca trù Diễn Châu có từ những thế kỷ trước nhưng thịnh hành nhất là vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ban đầu, từ gánh hát gia đình cụ Trần Mập ở Đình Cháy (Diễn Yên) - đây là gánh hát nổi tiếng một thời, nhiều lần được mời vào phục vụ ca xướng trong cung vua, phủ chúa và đã được vua Khải Định tặng sắc phong (hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ cụ Trần Mập). Do nhiều nguyên nhân khác nhau, ca trù Diễn Yên nói riêng, Diễn Châu nói chung dần bị mai một theo thời gian.

Tuy nhiên, tháng 8/2002, CLB Ca trù Diễn Châu chính thức thành lập dưới sự chỉ đạo của thầy giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên, thầy Trần Công Hợi ở Diễn Yên, nghệ nhân đàn đáy - cụ Trần Hải ở Diễn Liên và một nhóm hát đến từ hai xã Diễn Liên và Diễn Yên. Dần dần, CLB Ca trù Diễn Châu đã trưởng thành, phát triển và thu hút ngày càng đông các hội viên tham gia. Người nhiều tuổi nhất tham gia CLB là kép Trần Hải (CLB Ca trù Diễn Liên) 100 tuổi. Điều đáng mừng là những năm gần đây, về với Lễ hội đền Cuông vào dịp rằm tháng Hai âm lịch, du khách thập phương đã được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật ca trù của các hội viên CLB Ca trù Diễn Châu.


Về Lễ hội đền Cuông được thưởng thức ca trù, thì một số lễ hội khác như Lễ hội đền Đức Hoàng (Yên Thành) tổ chức giao lưu hát tuồng giữa các CLB, Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu) tổ chức hát nhuôn - một trong những làn điệu đặc sắc của đồng bào Thái Nghệ An... Tuy nhiên, việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào phục vụ nhân dân trong các lễ hội để tạo không gian văn hóa riêng nhằm thu hút khách du lịch về với lễ hội ngày càng đông hơn đang là trăn trở của các cấp chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành Du lịch tỉnh nhà cần có những định hướng cụ thể để khai thác tốt hơn tiềm năng này khi mà chính nó đang bị bỏ ngỏ!.


Thanh Thủy