Chóng mặt với dịch vụ du lịch Tết

10/01/2012 16:03

Theo dự đoán của các công ty lữ hành, khách du lịch sẽ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán vì kỳ nghỉ năm nay kéo dài 9 ngày từ 21 đến ngày 29-1. Mừng vì lượng khách du lịch tăng cao nhưng nhiều đơn vị lữ hành lại lo lắng làm sao có thể "hóa giải” tình trạng "đến hẹn lại tăng giá” của các doanh nghiệp dịch vụ khách sạn, điểm tham quan.


Không chỉ tăng giá phòng, giá ăn uống...
mà nhiều mặt hàng lưu niệm cũng tăng giá


Tính đến thời điểm này, nhu cầu khách sạn từ 2, 3 sao chiếm tỷ lệ khá lớn và bị tăng giá chóng mặt từ 50 – 100% mà không hề có sự can thiệp của cơ quan chức năng. Đặc biệt, sau mỗi sự kiện du lịch lại treo một bảng giá mới. Nhận định về giá tour trong dịp Tết hầu hết các hãng lữ hành cho biết, giá tour năm nay tăng 15-20%. Tour máy bay đi Hà Nội năm 2010 có giá 4.088.000 ngàn đồng nhưng năm nay 4.900.000 ngàn đồng. Tương tự, đi Đà Nẵng từ 2.687.000 ngàn đồng lên 3.340.000 ngàn đồng, tour đi Phú Quốc từ 1.976.000 ngàn đồng lên 2.497.000 ngàn đồng... Được biết, nguyên nhân của việc tăng giá trên là do khâu dịch vụ, giá xe, ăn nghỉ cùng tăng. Đặc biệt là giá khách sạn đã tăng vọt so với cùng kỳ. Đơn cử như, tại Đà Lạt, giá phòng trung bình vào ngày thường là 150.000 đồng/phòng/đêm thì đến dịp Lễ, Tết lên đến 500.000 – 600.000 đồng/phòng/đêm. Riêng mặt hàng ăn uống giá cũng tăng 20%. Trước bảng báo giá dịch vụ du lịch của một số địa điểm tham quan, nhiều công ty lữ hành choáng váng với giá cao ngất ngưởng đó là chưa kể đến tình trạng đầu nậu đang thâu tóm các phòng khách sạn, vé máy bay để đẩy giá lên cao hơn nhiều so với thực tế.

Mới đây, thông tin từ một số đơn vị lữ hành cho thấy, các điểm tham quan như SaPa, Vịnh Hạ Long, Chùa Hương... cũng thông báo sẽ tăng giá vào dịp Tết Nguyên đán. Đại diện Vietravel cho rằng, việc tăng giá này nằm ngoài tầm kiểm soát của các doanh nghiệp và Tổng cục Du lịch.

Theo nhận định của các hãng lữ hành, do là nền kinh tế thị trường nên việc tăng giá các tour du lịch là bình thường và doanh nghiệp có quyền tự quyết định. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đang tồn tại một nghịch lý khi tour nội đắt hơn tour ngoại vì hiện giá vé máy bay nội địa tăng gần 50% khiến các đơn vị lữ hành bị động trong việc thiết kế tour. Trước tình hình này, nhiều đơn vị lữ hành dự báo xu hướng đi du lịch bằng đường bộ sẽ được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên điều này lại gây khó khăn cho doanh nghiệp vì tour xa sẽ tốn nhiều thời gian và không an toàn trong quá trình đi lại. Còn tour gần thì không mang lại lợi nhuận nhiều cho doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Mão, Chánh văn phòng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng dự báo lượng khách du lịch về Đà Lạt trong dịp Tết Âm lịch này sẽ tăng đột biến. Hiện nay đơn vị đang tích cực phối hợp với các ban ngành của tỉnh và TP.Đà Lạt tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ khác. Đặc biệt là kiểm soát giá cả ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi... nhằm tránh tình trạng du khách bị chặt chém do cung vượt quá cầu.


Theo Đại đoàn kết