Bộ Giao thông mong nhận được góp ý về thu phí

11/01/2012 11:50

Hôm qua, tại buổi giao ban báo chí do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết như vậy về kiến nghị thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm.

Theo ông Hùng, đề xuất này đã trình Chính phủ và để thực hiện thì phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc bổ sung danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh số 38 năm 2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết hai loại phí nói trên và Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn thực hiện.

"Bộ Giao thông vận tải thông cáo và mong nhận được sự ủng hộ, góp ý thêm của các cơ quan thông tấn, báo chí" - ông Hùng nói.

Tăng phí giúp giảm ùn tắc? (ảnh: S.Đào)

Giải thích cho cơ sở để kiến nghị đề xuất thu phí, ông Hùng cho rằng, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã báo cáo về các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông, trong đó có sự gia tăng quá nhanh về số lượng phương tiện làm tăng mật và vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Đồng thời đã kiến nghị hàng loạt giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí theo hướng bổ sung nội dung thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí giao thông vào trung tâm TP vào danh mục Phí và lệ phí nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giải thích của Bộ Giao thông cũng nêu rõ, Nghị quyết số 21 của Quốc hội năm 2011 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tán thành chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn giao thông. Đồng thời Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành sớm nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, phí ô tô vào trung tâm TP giờ cao điểm.

Dựa vào các cơ sở này, Bộ Giao thông có tờ trình số 8868 gửi Thủ tướng đề nghị Chính phủ giao cơ quan chức năng hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh số 38.

Áp dụng cụ thể do địa phương quyết định

Trong khi đó, trả lời báo chí bên lề phiên họp Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được phương án của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cũng như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về vấn đề này.

Cũng theo ông Lưu, Nghị quyết của Quốc hội trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần thứ hai vừa qua có nói đến trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương phải giảm được tai nạn giao thông xuống từ 5-10% trong năm 2012.

Tuy nhiên, Quốc hội chưa bàn cụ thể phí và lệ phí mà chỉ nói ý chung là phải thay đổi chế độ phí và lệ phí để tạo ra động lực mới, thu hút vốn của các nhà đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước. Phí và lệ phí cũng chưa hợp lý nên chưa thu hút được các hình thức đầu tư BOT, PPP….

"Cái lý của Bộ Giao thông vận tải trong việc thu phí lưu hành phương tiện là nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời có thêm nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng đường xá. Tuy nhiên, mức phí bao nhiêu, đối với những loại phương tiện nào phải xem xét kỹ" - ông Lưu nói.

Được biết, theo quy định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành danh mục thu phí còn thu phí bao nhiêu do Chính phủ hoặc uỷ quyền cho Bộ Tài chính quy định.

Trong trường hợp này, theo ông Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét cụ thể đề án mới có thể nói đồng tình hay không đồng tình được.

Còn theo ông Lê Mạnh Hùng, đề xuất này khi được Ủy ban thông qua, việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân có thể triển khai sớm. Ông cũng nhấn mạnh, cần có thời gian nhất định để xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn.

"Riêng thời điểm cụ thể để áp dụng việc thu phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở nghị quyết của HĐND cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của địa phương" - ông Hùng nói.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, việc thu phí thực hiện tại khu vực nội ô 5 TP Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Mức thu với phí lưu hành xe ô tô từ 20 triệu - 50 triệu/năm; Với xe máy sẽ thu phí từ 500.000- 1 triệu đồng/xe/năm.

Mức phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm dự kiến 30.000 đồng/lượt đối với ôtô chở người đến bảy chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ôtô còn lại (xe tải, xe chở người hơn bảy chỗ ngồi...). Miễn thu phí đối với các loại xe công và xe buýt. Thời gian thu phí là giờ cao điểm, buổi sáng từ 6g-8g30, buổi chiều từ 16g-19g hằng ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ).

Với mức thu đề xuất này, Bộ ước tính riêng ô tô, sẽ thu được 15.239 tỉ đồng/năm./.


Theo Toquoc.gov.vn