Bảo đảm thông tin ở Trường Sa

29/01/2012 18:29

(Baonghean.vn) - Trong chuyến công tác đầu năm 2012 trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của các Đoàn công tác Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa), một trong những nội dung rất được chú trọng là công tác bảo đảm thông tin liên lạc ở các điểm đảo.


Đến bất cứ đảo chìm hay đảo nổi nào, chúng tôi đều nhận thấy cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc Trường Sa đều ở đúng vị trí công tác, tiến hành thu phát các bức điện chính xác, kịp thời, an toàn. Thiếu tá Nguyễn Duy Quyền - Đảo trưởng đảo Núi Le, cho biết: Công tác thông tin liên lạc luôn được các cấp quan tâm, đây chính là "mạch máu" quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì thế, chúng tôi luôn chú trọng công tác huấn luyện, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho chiến sĩ, nhân viên thông tin trên đảo.




Huấn luyện thông tin ký, tín, ám hiệu ở Trường Sa


Thiếu úy Lê Văn Hậu (nhân viên thông tin của đảo Núi Le, đã công tác ở đây đã được 8 tháng), tâm sự: Điều kiện làm việc ở đảo rất khó khăn, đòi hỏi chiến sĩ thông tin phải kiên trì, chấp hành nghiêm các quy định, chế độ thông tin, đồng thời phải nắm chắc kỹ thuật, kịp thời khắc phục các sự cố.

Những năm vừa qua, ở các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được lắp đặt các máy móc, trang thiết bị thông tin liên lạc quân sự khá hiện đại và hiệu quả. Bên cạnh đó, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel cũng đã lắp đặt nhiều trạm BTS phát sóng điện thoại di động, góp phần xây dựng mạng thông tin Trường Sa bảo đảm nhiều kênh, nhiều hướng và vững chắc. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Trường Sa, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đó rất dễ hư hỏng, xuống cấp, nếu không được bảo quản, bảo dưỡng tốt. Theo Trung tá Vũ Tuấn Điệp, cán bộ Phòng Tham mưu, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân, đặc thù đó đặt ra yêu cầu là nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực của đội ngũ nhân viên, chiến sĩ thông tin trên các đảo. Trước khi ra đảo làm nhiệm vụ, đội ngũ này đã được quán triệt nhiệm vụ và được phổ biến các quy định, đồng thời được tập huấn, huấn luyện bổ sung trên các trang thiết bị kỹ thuật mới đạt kết quả tốt. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi có vấn đề, gặp sự cố kỹ thuật tại các đảo chưa khắc phục được, cán bộ, chuyên gia thông tin ở đất liền hướng dẫn qua điện thoại, tìm mọi cách khắc phục nhanh sự cố để bảo đảm liên lạc thông suốt.




Kiểm tra hệ thống kỹ thuật thông tin trên đảo chìm Tốc Tan


Theo các chuyến tàu từ đất liền ra Trường Sa là các nhân viên kỹ thuật làm nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống máy móc, trang thiết bị thông tin liên lạc. Ở các đảo chìm, thời gian cơ động lên đảo rất ngắn, các nhân viên kỹ thuật phải tranh thủ từng phút để kiểm tra, sửa chữa hệ thống máy móc kỹ thuật; đồng thời hướng dẫn cho nhân viên thông tin ở đảo cách bảo dưỡng, khắc phục những sự cố tương tự.

Tại đảo chìm Len Đao, chúng tôi nhận thấy Trung tá Vũ Tuấn Điệp sau khi kiểm tra kết quả công tác thông tin của đơn vị, đã tổ chức tập huấn tại chỗ kỹ thuật thu, phát ký-tín-ám hiệu thông tin cho các chiến sĩ mới ra đảo. Dù đã được trang bị hệ thống thông tin khá hiện đại, song ở Trường Sa thông tin phải bảo đảm "nhiều tầng, nhiều lớp", kết hợp cả thông tin truyền thống và thông tin hiện đại mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Trước đây, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa theo định kỳ được gọi điện qua thiết bị Vinasat về gia đình theo quy định, thời gian mỗi cuộc gọi rất hạn chế. Từ khi Tập đoàn Viễn thông quân đội lắp đặt và phủ sóng điện thoại di động, thông tin giữa Trường Sa và đất liền được mở rộng, đáp ứng nhu cầu rất lớn trong cuộc sống cũng như trong thực hiện nhiệm vụ của quân, dân Trường Sa. Tại các vị trí có sóng Viettel đều có thể truy cập internet không dây với công nghệ Edge 2,75G, nhờ đó, bộ đội Trường Sa còn có thể đọc báo điện tử, cập nhật thông tin từ đất liền một cách nhanh nhất. Các trạm phát sóng ở Trường Sa được thiết kế theo mẫu riêng để phù hợp với điều kiện thời thời tiết ở Trường Sa. Sóng điện thoại di động của Viettel đã góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ các đảo chìm, đảo nổi không ngại khó khăn, vất vả, đảm nhiệm thêm nhiệm vụ vận hành, bảo vệ hệ thống máy móc, thiết bị của Viettel để góp phần duy trì một kênh thông tin quan trọng của Trường Sa.

Thiếu úy Nguyễn Thế Thủy, nhân viên báo vụ ở đảo chìm Tiên Nữ được tặng danh hiệu "Chiến sĩ tiên tiến" năm 2011, tâm sự với chúng tôi rằng: Đảo Tiên Nữ được coi là điểm cực Đông của Tổ quốc, mỗi bức điện chúng tôi gửi về đất liền là "xa" nhất, đi một quãng đường "dài" nhất. Và mỗi lần đến phiên trực, lên máy hoàn thành thu phát một bức điện, tôi lại thấy đất liền như gần hơn.


Trần Hoài