Phần lớn người dân bức xúc về thu phí giao thông

17/01/2012 10:57

“Người dân mua ôtô hay xe máy đều đã đóng quá nhiều loại thuế và phí như thuế NK, phí trước bạ... Bộ GTVT nói rằng các nước cũng thu những loại phí này thì câu hỏi đặt ra là: Các nước có thu thuế NK và phí trước bạ nhiều như nước ta không?

Cùng một loại xe, ở các nước giá 10.000USD thì về VN để chạy được thì phải mất gần 30.000USD - tức là gấp gần 3 lần. Đây thực chất đã là những khoản đóng góp lớn cho Nhà nước rồi” - bạn đọc LeAnh viết.

Cũng chung bức xúc này, bạn LeHung có phản biện về vấn đề “cào bằng” khi đề xuất thu phí. Cụ thể là nếu cứ theo đầu xe thì kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa mua được chiếc xe máy giá rẻ (cỡ 10 triệu đồng hoặc thấp hơn) lại cũng phải đóng phí như người giàu có đi chiếc xe máy đắt tiền cỡ vài trăm triệu đồng như PS, SH... Thử hỏi những nông dân này lấy đâu ra tiền để đóng phí? Hơn thế, họ đâu có cơ hội được sử dụng đường tốt. Thậm chí có những người dân vùng cao mua xe máy chỉ để thồ hàng ở trong làng, trong bản. Vậy tại sao họ cũng phải nộp phí khi không hề được sử dụng “dịch vụ đường”?



Giá xe ôtô ở Việt Nam đắt gắp ba lần ở nước khác (ảnh minh hoạ)

Số đông ý kiến cho rằng hiện nay các nước tiên tiến đã thu phí nhưng theo kiểu “ai dùng người ấy trả tiền”. Ví dụ khi đi vào vành đai 3 - 2 - 1 thì phải trả bao nhiêu tiền. Công nghệ hiện nay hoàn toàn đáp ứng được việc đo kiểm xe nào đi vào nội đô và phải trả tiền.

Những ý kiến này khẳng định Bộ GTVT đang muốn đẩy khó cho dân, muốn “thu tiền một cục” một cách dễ dàng nhưng lại đầy bất cập. “Tôi mua được chiếc xe Matiz chỉ 120 triệu đồng. Tôi hầu như ít đi xe mà chỉ để cuối tuần về quê thăm bố mẹ và đưa con cái đi chơi. Liệu có công bằng không khi tôi phải đóng khoản tiền phí như đại gia đi xe cả chục tỉ đồng? Có công bằng không khi tôi chỉ đi làm từ nhà đến cơ quan, rồi từ cơ quan về nhà nhưng lại mất phí như những người đi hàng trăm kilômét/ngày để kinh doanh, giao dịch?” - Kutin@... viết.

Còn anh Đức Trung thì bức xúc: “Đâu phải cứ có ôtô là giàu, còn bao nhiêu người sống bằng nghề lái xe, chở khách, xe chở hàng... Họ oằn mình kiếm tiền lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Giờ nộp phí thêm khoản 20-50 triệu đồng/năm thì họ còn gì để sống đây?".

Trên thực tế thì cũng không ít ý kiến đồng thuận với việc thu phí để tăng nguồn thu cho Nhà nước để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng cho rằng đây chỉ là một trong những biện pháp mang tính... tình thế chứ chưa phải là biện pháp căn cơ và văn minh. Nhưng các ý kiến này cũng cho rằng nên thu theo kiểu “ai đi nhiều trả nhiều, ai đi ít thì trả ít. Cả tháng không sử dụng ôtô, xe máy thì tháng đó không nên thu”.

Một bạn đọc cũng đưa ra tính toán giật mình: Hiện nay cả nước có khoảng 36,7 triệu xe máy và 2 triệu xe ôtô đang lưu hành. Nếu lấy số này nhân với mức thu phí tối thiểu cho hai loại xe trên thì sẽ ra con số khoảng 60.000 tỉ đồng - một gánh nặng lớn lên toàn xã hội.


Theo Lao động