Đu tiên ngày xuân

15/01/2012 15:36

(Baonghean.vn) - Lễ hội vùng quê Nghệ An, các làng tổ chức thật náo nức với nhiều trò chơi dân gian gắn liền với nghi lễ nông nghiệp. Trò chơi đu tiên cũng diễn ra nhiều nơi. Trong quá trình đi điền dã gặp gỡ các cụ lão nông trên 80 tuổi, các cụ cho biết, trò chơi đu tiên có ở lễ hội các đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, đình Giáp Đông, đình Đức Nậm (Nam Đàn), đình Sàng (Yên Thành); đình Cháy, đình Trung Phường (Diễn Châu), đình Phú Nhuận (Đô Lương), đình Sen (Tân Kỳ)…

Khi tiếp cận đình Hoành Sơn, H.L Breton, học giả người Pháp đã nhận xét: “Qua tất cả các chuyến đi ở đất nước An Nam, tôi chưa hề thấy một ngôi đình nào đẹp như ngôi đình này.” Ông cho rằng, tục chơi đu tiên gợi lại một hình thức cúng tế mang tính chất tôn giáo của người ChămPa mượn từ Ấn Độ.



Đu xuân tại Lễ hội Đền Vua Mai - Nam Đàn - Ảnh: Sỹ Minh

Trò chơi đu tiên được các cụ phụ lão tổ chức trước ngôi đình làng hay bãi nương mạ đã nhổ hết gốc ở ven sông. Người xưa đóng 2 dóng gỗ cao hơn 4m, có một cái đà ngang đặt 2 bánh xe lớn, trên đó có 6 bậc cho người ngồi. Trên 2 cột gỗ, có tạo các hoa văn hoa lá cách điệu. Trên vành đu, các cụ phụ lão buộc các giải lụa màu hồng. Khi khách lên chơi đu, người trùm phường cho đu quay. Thường thì đu tiên có 4 hay 6 người ngồi. Nam mặc quần trắng áo dài thâm, nữ mặc yếm đỏ, áo tứ thân. Cũng có nơi đu tiên dành cho các cô gái. Cái đẹp là ở chỗ với áo quần ngày hội, cả sáu cô gái ngồi đu như sáu nàng tiên, khi lên cao, khi xuống thấp trông rất đẹp mắt!

Riêng tại đình Phú Nhuận (Đô Lương), nhân dân cũng tổ chức trò chơi đu tiên, nhưng đu tiên ở đây khác với Nam Đàn. Ngày Tết, ngày lễ, làng đẽo hai dóng gỗ cao 1,8m, phía trên mỗi tấm ván dày dài 2m, ở giữa có trụ quay. Hai đầu đà ngang này dựng 2 cột gỗ cao 0,6m làm tay cầm cho 2 người chơi đu. Người trùm phường ở dưới đất xoay vòng đu quay. Trên các thanh gỗ, người xưa cũng chạm các hình hoa lá, sóng nước cách điệu và buộc những giải lụa xanh đỏ. Thanh niên nam, nữ ăn mặc đẹp, hát những câu chúc mừng trong tiếng vỗ tay hân hoan của dân làng…

Ngày nay, nhiều lễ hội ở các đình làng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, nhưng các cấp chính quyền và ngành Văn hóa đã cải tiến, bổ sung những trò chơi mới như thi đấu bóng chuyền, thi thả diều, thi người đẹp thời trang, thi cắm hoa ngày lễ... Người viết bài này mong rằng, mùa Xuân tới, tỉnh nhà nên làm sống lại trò chơi đu tiên đã có từ thời xa xưa, góp phần bảo tồn di sản văn hóa vùng đất xứ Nghệ.


Phan Xuân Thành