Hoàng Sa, Trường Sa giữa Sài Gòn

19/01/2012 18:59

Đã có hai con đường mang tên Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc, TP.HCM. Nhưng chỉ với hai tấm biển ghi tên đường thôi có phí phạm không gian 15km bờ kênh, và nhất là tấm lòng của người Sài Gòn với hai vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc?



Kênh Nhiêu Lộc nhìn từ trên cao - Ảnh: T.T.D.

Chung một câu hỏi và nỗi trăn trở ấy, bốn người đàn ông tuổi đời rất chênh nhau: Phúc Tiến - doanh nhân (50 tuổi), Việt Dũng (55 tuổi) - họa sĩ thiết kế và Thanh Tùng, Hiếu Minh - hai bạn trẻ tuổi mới ngoài 20 theo ngành kiến trúc đã gặp nhau. Họ phác thảo dự án một bảo tàng sống về Hoàng Sa, Trường Sa trên chính con đường mang tên hai quần đảo này ở TP.HCM.

Bảo tàng sống

Chỉ riêng cụm từ “bảo tàng sống” đã đủ gợi nên một không gian mở và khoáng đạt trong ý tưởng. Nhưng anh Việt Dũng, người phác thảo những chi tiết cụ thể của bảo tàng sống Hoàng Sa, Trường Sa, nói rằng từ “sống” ở đây còn có nghĩa là bảo tàng về Hoàng Sa, Trường Sa sẽ không bao giờ hoàn chỉnh, dừng lại mà sẽ thay đổi, sẽ biến chuyển từ chính sự tham quan và tham gia góp sức của từng người dân.

Dọc 15km hai bên bờ kênh này có sẵn bồn hoa, tiểu cảnh, vỉa hè, những đoạn tường của trường học, công sở, thậm chí cả chiếc cầu đường sắt cũ kỹ sẽ là những điểm nhấn, điểm trưng bày của bào tàng.

Ở đó mỗi khách tham quan - những người dân TP cũng chính là những người tôn tạo và tiếp nối ý tưởng bằng cách trực tiếp tham gia làm phong phú thêm bảo tàng. Trên những khối công trình sẵn có ấy, có thể đặt những mô hình bia chủ quyền, sa hình các hòn đảo, tượng và tiểu sử của những người lính, dân binh đã ra đi giữ đảo. Hay nhiều hơn nữa là những bức phù điêu liên hoàn, bích họa kể lại cuộc hành trình chinh phục và xác lập chủ quyền của cha ông người Việt với hai quần đảo này.

Và những người đắp, vẽ nên những phù điêu, bích họa ấy không cần là họa sĩ, kiến trúc sư mà có thể là các em học sinh ở những ngôi trường ven bờ kênh (giống như cách người lớn và trẻ em từng tạo nên con đường gốm sứ ở Hà Nội) trên bức tường của trường mình. Không gian trưng bày có thể được tận dụng từ những khu nhà xưởng của ga tàu, chùa chiền, bến nước... “Đó là những công trình mà chỉ cần có người khởi xướng, còn người dân sẽ thực hiện và bảo dưỡng vì khi đó tất cả đã trở thành tài sản, thứ tài sản hình thành từ tấm lòng của họ với Hoàng Sa, Trường Sa” - anh Phúc Tiến chia sẻ.

Anh Thanh Tùng, một trong hai người trẻ nhất trong nhóm, mới 23 tuổi, là KTS của Công ty Tư vấn kiến trúc - xây dựng TP.HCM, cho rằng trục không gian của kênh Nhiêu Lộc có thể chia ra nhiều đoạn để thể hiện những điểm nhấn riêng về lịch sử của Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó có không ít điểm nhấn được hình thành từ chính những “bất lợi” của không gian. Chẳng hạn như toàn tuyến kênh có tới 15 cây cầu, tưởng sẽ “xé” không gian của bảo tàng. Nhưng mỗi chiếc cầu ấy lại có thể biến thành một không gian kể câu chuyện về một hòn đảo. Rồi chiếc cầu đường sắt cũ kỹ, mỗi ngày chở hàng ngàn hành khách xuyên đất nước, sẽ trở thành điểm nhấn thú vị khi một cột bia chủ quyền sẽ được dựng lên ngay đầu cầu. “Và như thế có nghĩa là Hoàng Sa và Trường Sa đã gắn liền với hành trình của đất nước” - anh Tùng chia sẻ.

Yêu nước theo cách của mình

Những ấp ủ về Hoàng Sa và Trường Sa đã có trong mỗi người từ rất lâu: anh Việt Dũng đang thiết kế phần bảo tàng ở đảo Nam Yết; anh Phúc Tiến không ít lần gửi những bài viết đến Tuổi Trẻ về cách biểu thị lòng yêu nước với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa... Nhưng câu chuyện để tượng hình nên một bảo tàng sống về Hoàng Sa, Trường Sa chỉ bùng lên và cùng gặp nhau vào những ngày cuối năm 2011 từ một dòng tin trên báo về dự án cải tạo đường Hoàng Sa, Trường Sa đã hoàn thành giai đoạn một.

Dòng tin nhỏ nhưng đã thôi thúc anh Phúc Tiến gửi đến Tuổi Trẻ bài viết “Để Hoàng Sa, Trường Sa sống mãi trên từng cây số”. Một nỗi xúc động mà anh Tiến nói: “Không cách nào có thể lãng quên được khi hai “bảo vật” của VN đã và đang ở ngay trong lòng Sài Gòn, đã và đang ở ngay trong lòng dân cả nước”.

Cảm xúc ấy trong mỗi người dường như không thể dừng lại cả trước những công việc bộn bề cuối năm. Những cú điện thoại, email được anh Dũng, anh Tiến chia sẻ với Thanh Tùng và Hiếu Minh (đang du học ngành kiến trúc ở London, Anh) càng làm dòng suy nghĩ về bảo tàng sống Trường Sa, Hoàng Sa chảy mạnh thêm. Vậy là họ gặp nhau, chỉ ngay sau bài báo của anh Phúc Tiến đăng tải (26-12-2011) vài ngày để bắt tay xây dựng ý tưởng.

Chưa đầy hai tuần, cả nhóm đã mang đến chia sẻ với Tuổi Trẻ một bản phác thảo dự án về bảo tàng sống Hoàng Sa, Trường Sa. Cả ba người: anh Dũng, anh Tiến và Thanh Tùng chia nhau đi khảo sát, chụp ảnh từng đoạn đường, từng cây cầu, bức tường, khoảng không gian ven bờ kênh Nhiêu Lộc mà theo anh Dũng: “Phải chia nhau ra đi để đừng trùng lắp ý tưởng”. Anh Phúc Tiến còn tranh thủ chuyến công tác Singapore để lấy những hình ảnh thực tế từ dòng sông Singapore - nơi cũng có một bảo tàng sống về lịch sử đất nước Singapore, để thêm tin rằng dòng kênh Nhiêu Lộc có thể trở thành một bảo tàng tương tự. Còn Hiếu Minh, từ London, không trực tiếp khảo sát nhưng thường xuyên email phản biện để có bản dự án phác thảo vào những ngày cận tết.

Cả bốn người có cùng một ước mong nhỏ bé và bình thường, như anh Phúc Tiến sẻ chia: “Chúng tôi yêu Hoàng Sa, Trường Sa theo cách của chúng tôi. Và mong mỗi người VN ai cũng có thể thể hiện tình yêu nước ấy theo cách của mình”.


Theo Tuoi Tre