Phòng trị bệnh nghẹt rễ lúa
(Baonghean) - Qua một mùa đông ít nắng, đất ruộng không được phơi ải và ít tiếp xúc không khí, trong đất lại tồn dư nhiều chất hóa học độc hại và vi khuẩn yếm khí có hại phát triển nhanh, vì vậy làm tăng nguy cơ gây ngộ độc cho rễ lúa vụ xuân. Xin giới thiệu với bà con kỹ thuật phòng trị bệnh nghẹt rễ cho lúa xuân:
Cách nhận biết: Khi bệnh mới phát sinh, ngọn lá lúa biến vàng hoặc có màu đỏ đồng đoạn dài khoảng 1- 2 cm, nếu nhổ thăm sẽ thấy rễ màu vàng, ít rễ trắng. Nếu bệnh nặng, nhiều lá phía trên sẽ bị đỏ đồng 30- 50% phiến lá, đầu lá táp khô, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít, bộ rễ màu đen, có mùi tanh hôi, không có rễ trắng.
Lúa cấy xong, bà con cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời các hiện tượng mắc bệnh để có biện pháp xử lý phù hợp. Khi lúa chớm bị bệnh, cần tháo cạn nước, bón vôi bột (25 - 30kg/sào) hoặc lân (15 - 20kg), làm cỏ sục bùn, để khô 7 - 10 ngày cho nứt chân chim. Đồng thời phun phân bón qua lá bằng các loại: Bio- plant, K - Humate, K-H701/702,ET..., từ 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 -5 ngày. Chú ý tuyệt đối không được bón đạm khi lúa đang bị nghẹt rễ.
Khi nào lá lúa xanh trở lại, ra thêm lá mới, rễ trắng mới sẽ bón thúc đạm. Chú ý: Cần phân biệt vàng lá nghẹt rễ với vàng lá do bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn gây ra để có biện pháp xử lý thích hợp.
Phú Hương (st)