Lễ hội Đền Chín Gian - Góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Quế Phong

06/03/2012 12:05

(Baonghean) - Đồng chí Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong trao đổi với PV Báo Nghệ An về Lễ hội Đền Chín Gian.


Hàng năm, cứ vào dịp đầu Xuân, Lễ hội Đền Chín Gian được huyện Quế Phong tổ chức nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao Tạo Ló - người đã có công sáng lập bản mường. Dịp này, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong về lễ hội mang đậm bản sắc miền Tây xứ Nghệ.

Phóng viên: Xin ông cho biết ý nghĩa của Lễ hội Đền Chín Gian?


Ông Lữ Đình Thi: Với mỗi người Thái nơi vùng cao Tây Bắc xứ Nghệ, mảnh đất Mường Tôn vùng Quế Phong và một phần của huyện Quỳ Châu, đền Chín Gian và Lễ hội Đền Chín Gian là một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng linh thiêng. Do nhiều biến cố lịch sử, trong một thời gian dài, đền Chín Gian bị mai một, xuống cấp và trở thành phế tích, lễ hội cũng bị gián đoạn.



Lễ hội Đền Chín Gian .Ảnh:Xuân Thống

Năm 2004, UBND huyện Quế Phong đã quyết định khởi công phục dựng đền Chín Gian, nhằm bảo tồn kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái vùng Tây Bắc Nghệ An. Từ năm 2006, Lễ hội Đền Chín Gian với quy mô hoành tráng được tổ chức trở lại. Lễ hội diễn ra vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm. Và năm 2012 này là năm thứ 7 lễ hội liên tục được tổ chức.


Việc tổ chức Lễ hội Đền Chín Gian làm sống lại những truyền thống, sản vật văn hoá đặc sắc của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ, là dịp để người dân 9 mường xưa cùng hành hương về, gặp gỡ, giao lưu, nối vòng tay bè bạn, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em; đồng thời cũng là dịp để 9 mường trưng bày và giới thiệu những nét đẹp văn hóa đến các sản phẩm thủ công truyền thống, hàng mỹ nghệ của địa phương. Qua đó, mở lối cho việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà.


Phóng viên: Vậy lễ hội năm nay có điểm nào mới so với các năm trước?


Ông Lữ Đình Thi: Lễ hội Đền Chín Gian năm nay diễn ra từ ngày 6/3- 8/3/2012 (tức ngày 14/2 -16/2 âm lịch), với nhiều hoạt động được tổ chức. Phần lễ gồm có lễ khai quang, lễ Yết cáo (lễ Khẩy quan), lễ tắm trâu và lễ rước (ạp Quái và ton Đăm-ton Thẻn), lễ chém trâu (lễ phắn Quái), lễ đại tế (lễ xớ Thẻ, xớ Đăm), lễ khai mạc và lễ tạ (lễ chả ơn - Thào quan). Phần hội là các hoạt động thi hội trại với bản sắc nhà sàn Thái cổ; Các trò chơi dân gian như nhảy sạp, ném còn; hội thi gói bánh chưng, thổi cơm lam, thi mâm ẩm thực của các xã, thị trấn; hoạt động văn nghệ gồm thi đánh trống, cồng, chiêng, khắc luống và hát xuối, nhuôn đối đáp, thi văn nghệ, thi người đẹp; bên cạnh đó là các môn thể thao dân tộc như chọi gà, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, cờ thẻ, đi cà kheo...


Điểm mới của lễ hội năm nay là các hoạt động sẽ diễn ra sâu rộng, phổ biến hơn với nhiều nội dung để đông đảo bà con đều có thể tham gia khi đến với lễ hội. Lễ rước được chuẩn bị kỹ càng chu đáo để mọi người đều cảm nhận sâu sắc hơn về những nét văn hóa tâm linh. Về khâu tổ chức, Ban tổ chức sẽ cấm hẳn các loại xe lên núi, đến đền, các loại phương tiện này đều được bố trí sắp xếp ở các bãi gửi vòng ngoài tránh tình trạng mất trật tự không để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách...


Phóng viên: Việc tổ chức thành công Lễ hội Đền Chín Gian có tác dụng như thế nào trong việc quảng bá du lịch Quế Phong?


Ông Lữ Đình Thi: Về với Lễ hội Đền Chín Gian, không những du khách, bè bạn gần xa biết đến mảnh đất, con người Quế Phong có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, bản sắc văn hóa đậm đà mà còn biết đến Quế Phong với những thắng cảnh hùng vĩ như: dãy Huồi Ho, Con Cặm nối sang dãy Pù Canh Quái có đỉnh Phả Cà Tủn cao gần 2.500 mét, bốn mùa mây phủ; con sông Nậm Quàng mang vẻ đẹp thơ mộng, dòng nước trong xanh; những hang động đá vôi có vẻ đẹp nổi tiếng như Thẳm Mẹ Mọn, Thẩm Binh, Thẩm Nậm, Thẳm Chàng ở vùng Quang Phong, Cắm Muộn; Bốn con thác lớn là thác Tả Pấng, thác 9 tầng, thác Sao Va (Hạnh Dịch) và thác Hữu Văn (Hưu Văn); các khu rừng nguyên sinh thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống... Bên cạnh đó là phong phú các đặc sản, ẩm thực như cá mát, cá lăng, cá chình, nhím, lợn ri, mang, vịt bầu Cắm Muộn,thịt gà đen Tri Lễ, lợn nít, cơm lam, rượu cần làm bằng nếp cẩm... Lễ hội là dịp để Quế Phong quảng bá tiềm năng du lịch hấp dẫn này.


Tại lễ hội, có nhiều gian hàng sản phẩm thủ công truyền thống đẹp được giới thiệu, trưng bày. Qua sự thẩm định, đánh giá của du khách, huyện mong muốn khai thác thêm thị trường để tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm. Đồng thời, huyện sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các đại lý xuất khẩu lao động tổ chức giới thiệu việc làm, giúp người lao động và các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu.


PV: Xin cảm ơn ông!

Chương trình Lễ hội đền Chín Gian năm 2012

1. Ngày 4/3/2012 (tức 12/2 âm lịch): Lễ khai quang từ 7h30 tại đền

2. Ngày 6/3 2012 (tức 14/2 âm lịch): Từ 8h, khai mạc các môn thể thao dân tộc, thi hát dân ca của đồng bào miền núi, thi trống, cồng chiêng, khắc luống của 14 xã, thị trấn (tại sân khấu lễ hội và tại đền chính). Trong buổi chiều tiếp tục thi thổi cơm lam, gói bánh chưng tại sân trại các đơn vị.

17h chiều tổ chức làm Lễ Yết cáo (Lễ Khẩy quan), 19h30, thi văn nghệ của 14 xã, thị trấn.

3. Ngày 7/3/2012 (tức 15/2 âm lịch); 7h đến 8h: Lễ tắm trâu và Lễ rước tại bến Tà Tạo lên đền

Từ 8h: Bắt đầu làm Lễ Chém trâu (Lễ Phắn quái) tại sân đền

Từ 9h: Bắt đầu khai mạc lễ hội

9h-10h: Chấm thi ẩm thực các đơn vị

Từ 10h: Lễ đại tế (Lễ Xớ thẻn, xớ Đăm)

19h30: Công diễn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc và thi người đẹp lễ hội

4. Ngày 8/3/2012 (tức 16/2 âm lịch) : Từ 7h30: Tiếp tục các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian, chấm trại các đơn vị

16h: Tổng kết lễ hội

17h: Lễ Tạ ơn (Lễ trả ơn, Thào quan)


Thành chung (Thực hiện)