Bài 1: Đổi thay ở Giáo họ Đồng Trấm

22/03/2012 18:09

(Baonghean) - Xuôi bến đò Rồng về với xã Hùng Sơn, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước những khởi sắc của một vùng quê tả ngạn sông Lam vốn nghèo khó nhất nhì huyện Anh Sơn. Những triền chè xanh, những đồi keo uốn lượn trải dài đang tạo ra một vùng du lịch sinh thái đầy sức sống, đường giao thông nội đồng thông thoáng, trên các vùng đồng bãi đã được dồn thành ô thửa lớn, cây lương thực phát triển xanh tốt màu mỡ. Cuộc sống mới đang rộng mở chính bởi sự đồng lòng, ủng hộ, đoàn kết, hòa hợp "đạo và đời" của người dân lương - giáo nơi đây trước cách nghĩ, cách làm mới của Đảng ủy - Chính quyền....

Cuộc cách mạng dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...


Giáo họ Đồng Trấm (Giáo xứ Quan Lãng) nằm bên Tả ngạn dòng sông Lam đoạn qua xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn. Đò giang cách trở khiến Hùng Sơn như một "ốc đảo". Về mùa mưa lũ, hầu như cả xã bị chia cắt với bên hữu sông Lam. Đại bộ phận nhân dân Hùng Sơn sống dựa vào nghề nông, thế nhưng ruộng đồng ít, diện tích đất lúa chỉ được 70ha. Vì vậy, cuộc sống của người dân cực kỳ khó khăn, xã thì thuộc diện nghèo nhất huyện.


Để diễn tả về một thời kỳ nghèo khó của quê hương, Chủ tịch xã Võ Văn Hiền nói vui, trước đây đi đâu cũng không dám nhận mình là dân Hùng Sơn vì nghèo quá! Trước năm 1994, cả xã không có học sinh nào học lên được cấp ba. Nhưng bây giờ, đời sống của bà con Hùng Sơn cả lương và giáo đang thay da đổi thịt từng ngày, kinh tế khấm khá, các hoạt động tinh thần, tôn giáo theo đó cũng khởi sắc. Xã Hùng Sơn hiện có có 850 hộ với 3.900 khẩu, trong đó bà con giáo dân thuộc Giáo họ Đồng Trấm là 214 hộ với 1.270 nhân khẩu, phân bố ở 6/9 xóm, trong đó tập trung nhiều ở các xóm 7,8,9.


Theo chân anh Lê Văn Trí, giáo dân họ Đồng Trấm, chúng tôi tìm về xóm 9 - nơi có số bà con giáo dân chiếm 90% dân số, cũng là nơi mà bà con giáo dân đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc thực hiện dồn điền đổi thửa với mô hình ruộng một thửa. Giáo dân Nguyễn Xuân Vinh - Phó Ban hành giáo Giáo họ Đồng Trấm làm xóm trưởng hơn chục năm nay cho biết: Cả xóm có 118 hộ với 575 nhân khẩu, 90% là bà con giáo dân. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, thay đổi cơ cấu cây trồng nên đời sống của bà con thay đổi nhiều lắm! Cả xóm chỉ còn 6 hộ nghèo.




Những ngôi nhà mới đang được bà con giáo dân xây dựng tại xóm 9 xã Hùng Sơn.

Trưởng thôn Vinh là người đi đầu trong việc phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng từ sức lao động. Hiện nay, gia đình anh có 7 sào chè đã vào tuổi thu hoạch, 1 ha song mây, 1 ha keo. Thu nhập từ chè trung bình mỗi năm đạt gần 50 triệu đồng giúp gia đình anh có cuộc sống khá giả, các con cũng có điều kiện học hành. Vậy nhưng, ngồi nói chuyện làng chuyện xã mới hay thôn của anh còn có nhiều hộ giáo dân làm ăn giỏi hơn nữa, tổng thu nhập cả năm vào khoảng vài trăm triệu đồng. Đó là mô hình trang trại tổng hợp của gia đình các anh: Đậu Đình Tám, Lê Xuân Long, Đậu Văn Sáng...


Bằng tư duy làm ăn mới, những bãi bồi ven sông Lam giờ đây đã là những cánh đồng mía xanh mướt mắt, những quả đồi thuộc vành đai 20 km bao quanh xã từ hoang vu, trơ trọi nay đã "vươn mình" trở thành những vườn chè, rừng keo mang lại giá trị kinh tế cao. Dồn điền đổi thửa, phát triển chè công nghiệp, chăn nuôi lợn, trâu bò hàng hóa và các loại cây nguyên liệu (keo, mây...) song song với tích cực thực hiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ứng dụng KHKT trong phát triển cây lương thực thực sự là một hướng đi đúng đắn, là một cuộc cách mạng tạo nên sức bật mạnh mẽ cho người dân Hùng Sơn.


Gia đình giáo dân Trần Thị Hợp, có 9 người con, chồng lại là thương binh nặng (mất sức 81%), cả nhà phụ thuộc vào mấy sào ruộng, đất bãi bồi khó canh tác nên cái nghèo, cái khó cứ bám đuổi tưởng chừng không dứt. Vậy nhưng, từ khi nhận đất đồi khai hoang trồng 0,5 ha chè, trồng song mây, chăn nuôi lợn, gà..., cuộc sống của gia đình chị bắt đầu khởi sắc. "Thu nhập trung bình của gia đình cũng được gần 50 triệu một năm, có điều kiện xây mới lại nhà cửa khang trang hơn. Trước đây, 8 đứa con đầu học hành phải đứt gánh giữa đường do nghèo quá, chừ còn một cháu đang học lớp 8, cả gia đình hạ quyết tâm cho nó học hành đến nơi đến chốn", chị Hợp chia sẻ.


Sức bật từ lòng dân


Về Hùng Sơn, chúng tôi không chỉ được cán bộ xã hay bà con nhân dân hồ hởi kể cho nghe về cuộc "cách mạng" phát triển kinh tế, mà còn ăm ắp bao câu chuyện hiến đất làm đường liên thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng thôn xóm, gây dựng tình đoàn kết lương- giáo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Không phải chỉ một hay một vài hộ dân điển hình mà ở mảnh đất này, hàng trăm hộ dân đều có chung một tinh thần nhiệt thành và tích cực như thế. Đi đầu trong phong trào hiến đất vẫn là xóm 9 với 100% hộ dân trong xóm tham gia hiến đất. Như gia đình giáo dân Nguyễn Xuân Sơn, vừa mới tích cóp xây dựng được tường rào bao quanh nhà khang trang kiên cố, nhưng vẫn sΩn sàng tháo dỡ lùi vào để hiến hàng trăm m2 đất để làm đường liên thôn, liên xã, phục vụ cho quy hoạch nông thôn mới.


Dạo quanh những con đường rợp bóng cây ở Hùng Sơn, Chủ tịch xã Võ Văn Hiền không giấu được niềm tự hào vì thành tích giải phóng mặt bằng mà theo ông là "không đâu ở nước ta nhanh bằng": "Đường Tả ngạn sông Lam đi qua xã chúng tôi dài 7km nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng, chỉ trong 1 ngày là xong và bàn giao cho đơn vị thi công. Điều đáng quý nhất là bà con cả lương và giáo đều vui vẻ chấp hành mặc dù chưa nhận được tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đó là chưa kể 99% hộ dân ở các xóm đều tình nguyện hiến trung bình từ 50-60m2 đất, hộ nhiều lên tới 700 m2 đất để làm đường liên thôn, liên xã".


Sự khởi sắc trong phát triển kinh tế đã kéo theo các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội ở Hùng Sơn đi lên. Giờ đây, người Hùng Sơn đã có đủ điều kiện để đầu tư cho chuyện học hành của con em mình. Vì vậy, chuyện cả xã không có học sinh học cấp 3 ở Hùng Sơn đã trở thành quá vãng. Trưởng thôn Nguyễn Xuân Vinh dí dỏm kể cho chúng tôi một câu chuyện vui, hàm ý tự hào không giấu nổi trong ánh mắt: "Trung thu năm ngoái, xóm quyết định trao thưởng cho những cháu nào có giấy khen. Không ngờ các cháu mang giấy khen đến nhiều quá, trong khi Quỹ Khuyến học chỉ có 1,7 triệu đồng. Chúng tôi đành phải gác lại... Hiện tại, cả xã đã có 25 em giáo dân học đại học, cao đẳng. Cao điểm nhất là năm 2008, riêng xóm 9 có 7 em đỗ đại học. Không những thế, các chi hội, đoàn thể (chi hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội người cao tuổi, tổ tự quản...) hoạt động mạnh, thu hút 100% hội viên tham gia. Riêng chi bộ đảng 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được huyện và tỉnh tặng bằng khen. Trong xóm không có người vi phạm tệ nạn xã hội....".


Ông Trần Đức Châu- Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn cũng cho hay: Điều đáng ghi nhận là bà con giáo dân đã ý thức thực hiện song hành giữa việc đạo và việc đời. Từ việc giữ gìn tình đoàn kết giáo lương, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động đoàn thể, đóng góp đầy đủ các loại quỹ phí đến việc chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương. Đơn cử như ở xóm 9, cùng với việc đóng góp xây dựng nhà thờ giáo họ, công trình hội quán xóm - huy động toàn bộ từ sức dân trị giá 175 triệu đồng cũng được khởi công xây dựng. Trong đó mỗi hộ đóng góp trên 700 ngàn đồng, chưa kể ngày công, nguyên vật liệu cát sỏi...

Đến nay, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ sinh hoạt cộng đồng trước sự vui mừng của bà con giáo dân... Hiện nay, toàn xã có trên 20 cán bộ cốt cán là giáo dân tham gia hệ thống chính trị từ xóm, xã đến huyện. Điển hình như đảng viên giáo dân Lê Văn Trí- ban đầu chỉ là trưởng thôn của một xóm giáo, sau đó làm trưởng ban nông nghiệp xã, nhưng anh đã vươn lên trở thành Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh 3 khóa liên tiếp. Về Hùng Sơn lần này, chúng tôi cũng may mắn có cuộc trò chuyện thú vị với giáo dân Lê Văn Xuân, sinh năm 1920, gia đình nhiều năm đạt gia đình văn hóa, có 10 người con thì 5 người là điển hình kinh tế giỏi của huyện, của xã. Cụ thẳng thắn cho biết: Không kể chính quyền hay linh mục và ban hành giáo xứ, cái gì triển khai mà có lợi cho dân, cho nước thì giáo dân Giáo họ Đồng Trấm sΩn sàng nghe theo.

Ngược lại, cái gì không đúng, không phải thì bà con cũng thẳng thắn phê bình, góp ý trên tinh thần xây dựng. Và thực tế, những góp ý của bà con giáo dân đều được chính quyền cũng như cụ linh mục phụ trách và ban hành giáo lắng nghe, sửa đổi... tạo sự hòa hợp giữa đạo và đời...". Không chỉ riêng cụ Xuân, qua tiếp xúc, trò chuyện, nhiều bà con giáo dân ở Giáo họ Đồng Trấm cũng chân tình bày tỏ: "Góp sức cùng chính quyền xây dựng cuộc sống mới, đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân, đồng thời là cách để đồng bào giáo dân thực hiện ý Chúa cũng như tôn chỉ, mục đích tốt đẹp của Giáo hội Công giáo là làm cho "nước vinh, đạo sáng".


Câu chuyện thoát nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới theo đường hướng "tốt đời đẹp đạo", "phúc âm trong lòng dân tộc" ở Giáo họ Đồng Trấm (Giáo xứ Quan Lãng) của đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Hùng Sơn thực sự là gương sáng tiêu biểu trong cộng đồng công giáo; là mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.


(Còn nữa)


Thành Duy- Khánh Ly