Phòng chống cháy nổ trong dịp Tết
(Baonghean.vn) - Trong năm vừa qua, tình hình cháy nổ ở Nghệ An diễn biến rất phức tạp. Đáng chú ý là nơi xảy ra cháy nhiều thường là các khu vực chợ, trung tâm thương mại, các hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ nằm xen kẽ trong khu dân cư, đe doạ tính mạng của nhiều người và gây thiệt hại lớn về tài sản.
Điển hình như các vụ cháy chợ Vinh ngày 20/6/2011, thiêu rụi hơn 100 kiốt, ngày 2/9/2011 cháy toà nhà trung tâm thương mại điện máy CK Plaza, ngày 25/9/2011 cháy tại Ngân hàng nông nghiệp huyện
Mặc dù có biển hướng dẫn PCCC ngay bên cạnh, nhưng lối vào đình chính chợ Hưng Dũng (TP. Vinh) vẫn bị bịt kín bởi hàng hóa, xe cộ.
Vào những ngày giáp Tết này, nguy cơ cháy nổ càng tăng cao và mức thiệt hại về tài sản và người nếu xảy ra các vụ cháy cũng khó khôn lường vì tại các chợ, trung tâm thương mại đều tập trung đông người và khối lượng hàng hoá tích trữ cũng rất lớn. Nếu xảy ra hoả hoạn, việc chữa cháy cũng sẽ khó khăn hơn gấp bội lần. Tại các khu nơi buôn bán như chợ Vinh, chợ Ga, chợ Hưng Dũng, Bến Thuỷ (TP. Vinh), chợ Phủ Diễn (Diễn Châu), chợ thị trấn Đô Lương, Thái Hoà... rất nhiều loại hàng hoá phục vụ dịp Tết như vàng mã, quần áo, đồ nhựa gia dụng... là những vật liệu dễ cháy được các hộ kinh doanh chất kín gian hàng và tràn ra cả các lối đi.
Để cầu mua may bán đắt, nhiều chủ hàng còn đốt hương, vàng mã trong khu vực kinh doanh của mình. Còn tại các nhà hàng, trung tâm ăn uống từ TP. Vinh cho đến thị trấn, thị tứ các huyện, đa số đều dùng bình gas mini nhỏ (loại sang chiết trái phép) một cách phổ biến. Đó là chưa kể đến các cửa hàng kinh doanh gas nhỏ lẻ trong các khu vực dân cư, hầu như nơi nào cũng tổ chức sang chiết gas trái phép một cách lén lút vào các bình gas mini để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân khi Tết đến.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Tấn -Phó trưởng phòng cảnh sát PCCC tỉnh, thì việc sang chiết gas trái phép và dùng bình gas mini cũ là rất nguy hiểm. Các cửa hàng kinh doanh gas nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều đã từng bị phạt về những sai phạm trong công tác PCCC, riêng năm 2011 xử phạt 80 trường hợp vi phạm an toàn PCCC! Trong năm 2011 trên địa TP Vinh đã xảy ra 4 vụ cháy liên quan đến việc sử dụng gas trong sinh hoạt, làm chết 1 người, bị thương một người.
Tại các chung cư cao tầng ở TP. Vinh, việc dùng các hố xả rác một cách thiếu kiểm soát trong các toà nhà cũng là một mối nguy hiểm thường trực. Dịp gần Tết, do sắm sanh nhiều vật dụng mới, người dân có thể vứt các thứ vật liệu dễ cháy như thùng xốp, bìa các tông, giấy... làm tắc nghẽn ống thu rác, rồi than tổ ong đang cháy dở cũng vứt vào hố rác.
Ở Hà Nội từng có nhiều trường hợp cháy nhà cao tầng xuất phát từ hố thu rác này và ở TP. Vinh cũng đã xảy ra 1 lần, nhưng ít ai để ý đến tình trạng xả rác này. Việc thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết tại các gia đình, cửa hàng, thậm chí cả nơi công sở cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ cháy, nổ. Bên cạnh đó, dịp sát Tết, liên tục các vụ vận chuyển pháo lậu nhỏ lẻ được các lực lượng chức năng phát hiện trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TP. Vinh... điều này cho thấy nguy cơ cháy nổ từ pháo lậu cũng đang rình rập hàng ngày trên các chuyến xe khách, các khu vực lén lút buôn bán pháo lậu. Việc đốt pháo lậu và thả đèn trời dịp Tết luôn tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ cao khôn lường...
Làm thế nào để làm tốt công tác phòng chống cháy nổ trước và trong dịp Tết Nguyên đán, Đại tá Lê Quốc Báo - Trưởng phòng cảnh sát PCCC Công an Nghệ An trao đổi: Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC, tăng cường kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở trọng điểm ở các khu công nghiệp, các siêu thị, các nơi tập trung đông người, các khu dân cư có nguy cơ cháy cao; mở đợt kiểm tra chuyên đề các cơ sở kinh doanh gas trên toàn tỉnh.
Trước, trong và sau Tết, tại các điểm có nguy cơ cháy nổ cao và một số điểm xa các đơn vị cảnh sát PCCC đều có bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để có thể điều động, xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Riêng tại khu vực chợ Vinh luôn có một tổ PCCC thường trực. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là ý thức và trách nhiệm của người dân về PCCC, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chủ hộ gia đình.
Vấn đề là, vẫn còn một bộ phận người đứng đầu của các đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm PCCC theo Luật Phòng cháy chữa cháy quy định; chưa thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những thiếu sót hoặc xử lý các hành vi vi phạm về PCCC. Việc trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy, nội quy biển báo PCCC nhiều nơi chưa đầy đủ theo quy định; tình trạng sử dụng nhiều thiết bị điện quá tải, không đảm bảo an toàn PCCC và ảnh hưởng đến công tác thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra còn diễn ra nhiều nơi. Bên cạnh đó, trong sinh hoạt và buôn bán làm ăn, người dân cũng ít để tâm đến việc PCCC để bảo vệ tài sản và tính mạng cho chính bản thân mình và mọi người.
Một số khuyến cáo đáng chú ý để hạn chế cháy, nổ trong dịp Tết, là: Tại các khu vực buôn bán, trung tâm thương mại nên bố trí hàng hoá thông thoáng, không lấn đường đi, lối thoát nạn, không thắp hương, đốt vàng mã trong chợ. Các hộ gia đình khi thắp hương phải có người trông coi. Khi đốt vàng mã xong phải dùng nước để dập tắt. Không dùng bình gas mini cũ. Không nên đun nấu trên bếp khi ra khỏi nhà. Những ngày nghỉ Tết các cơ quan công sở phải tắt hết các thiết bị dùng điện, chỉ để điện chiếu sáng bảo vệ ban đêm; thực hiện nghiêm chỉ thị về cấm đốt pháo nổ và thả đèn trời trong dịp Tết.
Đức Chuyên