Công tác phòng chống cháy nổ: Còn nhiều bất cập
(Baonghean) Thời gian qua, các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) thường xuyên được các cấp ban hành. tuy nhiên, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh ta vẫn diễn biến phức tạp, việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác PCCC còn nhiều bất cập.
Nghệ An có gần 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, nhưng có gần 2.000 cơ sở thuộc diện có nguy cơ về cháy nổ: 7 khu công nghiệp, 354 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, 17 nhà cao trên 10 tầng, gần 500 khách sạn, sân bay, nhà ga, bến cảng...
Đến thời điểm này, các khu công nghiệp tỉnh ta đã có 148 dự án đi vào hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau. Quá trình sản xuất tại các khu công nghiệp luôn chứa một lượng lớn chất dễ cháy và dễ phát sinh nguồn nhiệt. Vệ sinh công nghiệp kém dẫn đến dễ cháy lan, cháy lớn, vì vậy, khi xẩy ra cháy thường gây hậu quả khó lường. Cụ thể trong năm 2010, Khu kinh tế Đông
Vụ cháy Siêu thị điện máy CK Plaza (TP Vinh, ngày 2/9/2011) thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
Những nơi dễ xảy ra cháy nổ nữa là khu vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện tỉnh ta có 354 chợ lớn nhỏ, trung tâm thương mại và siêu thị, nhiều chợ được xây dựng từ lâu nên mặt bằng chật hẹp, hoạt động trong tình trạng quá tải, tình trạng sử dụng các nguồn nhiệt, ngọn lửa trần dưới nhiều hình thức như: bếp gas, bếp than, thắp hương, hút thuốc... tại các chợ còn phổ biến!
Trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thường tập trung số lượng lớn chất dễ cháy, nhiều hộ kinh doanh tự ý câu móc điện, tự ý cơi nới thêm quầy, sạp, sắp xếp hàng hoá để các vật dụng lấn chiếm lối đi,nên hầu hết các chợ đều được liệt vào "danh sách đen" có nguy cơ "bà hoả" rình rập! Ngoài ra, nhiều gia đình sống ở mặt tiền các đường phố thường tận dụng mặt bằng vừa là nơi buôn bán, vừa là nơi ăn ở sinh hoạt của gia đình nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao, dẫn đến cháy lan theo chiều dài của phố và cháy trên diện rộng.
Và thực tế là thời gian qua đã xảy ra một số vụ cháy như: ngày 20/6/2011 cháy chợ Vinh, thiệt hại 3,6 tỷ đồng; ngày 2/9/2011 cháy Siêu thị điện máy CK Plaza (TP Vinh), thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng; ngày 19/9/2011 cháy chợ Mường Xén (Kỳ Sơn), thiệt hại hàng chục tỷ đồng; ngày 9/1/2012, cháy Cửa hàng bán đồ gia dụng Sáng Hương (TP Vinh)... Nguyên nhân các vụ cháy thường do chập điện chiếm tỷ lệ cao và tiếp theo là do vi phạm quy định trong việc sử dụng lửa.
Số vụ cháy nổ và mức độ thiệt hại ở Nghệ An thời gian qua ở mức cao (năm 2011 xảy ra 25 vụ cháy, làm 2 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng). Thế nhưng, một bộ phận người đứng đầu cơ sở, quần chúng nhân dân chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC, dẫn đến các hành vi vi phạm quy định về PCCC vẫn còn phổ biến. Năm 2011, lực lượng cảnh sát PCCC đã lập 572 biên bản vi phạm hành chính, tạm đình chỉ hoạt động 4 trường hợp, phạt tiền 568 trường hợp (tăng 57 trường hợp so với năm 2010).
Điều đáng lo ngại là, tại các khu công nghiệp - nơi tập trung lớn số lượng công nhân và tài sản, nguy cơ cháy nổ cao nhưng nhiều dự án xây dựng không thông qua thẩm duyệt về PCCC, nếu có thì phương tiện về PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nguồn nước chữa cháy tại các khu công nghiệp hầu như không có (hiện mới chỉ có duy nhất Khu công nghiệp Bắc Vinh có 6 trụ nước chữa cháy nhưng các trụ đều không hoạt động được!). Lực lượng PCCC tại chỗ cũng chưa xứng tầm quy mô sản xuất, công tác huấn luyện, thực tập phương án chữa cháy còn mang tính hình thức. Các khu công nghiệp ở tỉnh ta lại nằm cách xa phòng Cảnh sát PCCC, nếu xảy ra cháy lớn, cháy lan vào các giờ cao điểm, sẽ rất khó khăn cho việc triển khai công tác PCCC.
Ở các chợ, trang thiết bị PCCC còn ít, không đảm bảo chất lượng, nguồn nước phục vụ chữa cháy cũng không đảm bảo yêu cầu (hiện toàn tỉnh mới chỉ có 18/113 chợ được trang bị máy bơm chữa cháy chuyên dùng), lực lượng PCCC tại chỗ còn quá mỏng. Các siêu thị tuy xây dựng khang trang và hiện đại nhưng khi kiểm tra thì hầu hết đều vi phạm về an toàn PCCC. Nhiều siêu thị còn sử dụng nguồn điện không đảm bảo, các lối thoát hiểm trong siêu thị chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hoá. Đơn cử tại Siêu thị Big C (TP Vinh) có 4 tầng, mỗi tầng có diện tích 4.000m2, hàng hoá nhiều, nhưng vừa qua, khi lực lượng PCCC kiểm tra thì phát hiện ra các lỗi như: thiết bị chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn chưa hoàn chỉnh, thiếu các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC...
Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Hoàng Văn Tấn - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết: "Trong công tác PCCC, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giữ vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định đối với công tác PCCC tại các cơ sở. Tuy nhiên, một bộ phận lãnh đạo các cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa nắm chắc và chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ PCCC, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và duy trì phong trào PCCC tại cơ sở, đầu tư cho hoạt động PCCC và kiểm tra khắc phục những thiếu sót về PCCC. Công tác tự tổ chức kiểm tra về an toàn PCCC chưa thường xuyên, kịp thời. Những hành vi vi phạm về an toàn PCCC chưa được xử lý nghiêm, đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công tác PCCC".
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy nổ, cần phải có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong công tác PCCC cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người có trách nhiệm quản lý các chợ, trung tâm thương mại, chủ doanh nghiệp... Mỗi người dân phải xem việc PCCC là để bảo vệ tài sản và tính mạng cho chính bản thân mình và mọi người.
Đức Dũng