Tháng Giêng đi lễ Chùa Hương
(Baonghean.vn) – Chùa Hương Tích (thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vào chính hội từ ngày 8 đến 18 tháng 2 ÂL, thế nhưng ngay từ những ngày đầu Xuân du khách thập phương đã hành hương về đây rất đông. Người vãn cảnh Chùa, người đi du Xuân, người đi cầu lộc cầu duyên, tín đồ về nương cửa Phật…
Trúng Rằm tháng Giêng, PV theo dòng người hướng về dãy Hồng Lĩnh, nơi có 99 ngọn núi trùng điệp trải dài theo bờ biển bắc Miền Trung, tạo cho Xứ Nghệ một miền non nước vừa linh thiêng, hùng vĩ lại rất hữu tình.
Chùa Hương (ở Xứ Nghệ gọi là Chùa Hương Tích) toạ lạc trên đỉnh Thíu Lĩnh - một trong 99 đỉnh của dãy núi Hồng Lĩnh, cao gần 500m so mực nước biển, cách TP Hà Tĩnh 25 km, cách TP Vinh 35 km, cách QL 1A hơn 5 km về phía biển.
Với 5 nghìn đồng, thuyền sẽ đưa du khách từ bãi đỗ xe đến chân núi Khu vực Chùa.
Đường lên “tiên cảnh”
Tại nhà ga, tuy rất đông nhưng mọi người vẫn trật tự xếp hàng chờ đi cáp treo.
Tương truyền, thời Tam quốc ở đất nước Trung Hoa, Vua nước Sở là Trang Vương sinh được 3 người con gái, cô gái út Diệu Thiện bị Vua cha ép duyên nên đã bỏ trốn sang đất Việt Thường (nước Việt ta bây giờ), đến ngọn Thíu Lĩnh nàng ở lại dựng am tu hành. Nàng luôn làm việc thiện, cứu nhân độ thế, chẳng bao lâu nàng nổi tiếng là vị sư cô từ bi bác ái. Khi viên tịch, nàng được Đức Phật hoá thành Phật Bà Quan âm.
Chùa Hương Tích nổi tiếng linh thiêng khắp xứ Bắc đã từ rất lâu. Nhiều tín đồ phật tử từ các tỉnh vùng đồng bằng bắc bộ tuy đã đi lễ ở chùa Hương ngoài bắc (tỉnh Hà Tây cũ) nhưng hàng năm vẫn khăn gói hành hương vào chùa Hương Tích, leo lên tận am thờ Đức Phật Bà trên đỉnh núi để hành lễ, rồi ngủ lại trên đó, hôm sau mới xuống núi. Do địa hình hiểm trở, núi cao, dốc đứng, sương mù quanh năm lạnh buốt, đường đất vượt rừng lội suối rất khó đi nên người yếu sức mà không quyết tâm thì không lên được Chùa, do vậy lượng du khách các năm trước về đây không nhiều lắm.
Tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền huyện Can Lộc, xã Thiên Lộc đã cùng quyết tâm đầu tư vào di tích văn hoá tâm linh này thành điểm du lịch sinh thái – văn hoá tâm linh trọng điểm của tỉnh. Ngoài các hạng mục tu bổ, nâng cấp các miếu, am, điện thờ và xây bậc đá cho các đoạn đường đi bộ, khu Chùa còn được xây dựng thêm tuyến đi thuyền và đi xe điện ở cung đường dưới chân núi, và hệ thống cáp treo ở cung đường có độ dốc cao nhất (gần 40 độ) đưa du khách lên đến cổng khu Tam bảo và Điện Thánh Mẫu.
Cổng vào Điện Thánh Mẫu nườm nượp du khách.
Nhà sư Minh Chơn giúp du khách làm lễ thỉnh cầu trước Điện Thánh Mẫu.
Chọn mua kỷ vật trước khi xuống núi.
Hệ thống cáp treo gồm hai nhà ga nối Miếu Cô với khu Tam Bảo, cách nhau 1.000m, chênh độ cao 300m, hai đường cáp chạy song song với 25 cabin loại 8 chỗ, do Công ty CP Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh) đầu tư 150 tỷ đồng. Hiện Công ty đang trực tiếp quản lý và kinh doanh. Hệ thống đã đi vào hoạt động, đón khách từ ngày 01 tháng 10/2011, nhưng đến mồng 6 Tết Nhâm Thìn này mới chính thức khai trương để khai hội. Đây là điểm nhấn rõ nét nhất của khu du lịch Chùa Hương Tích này. Và cũng chính phương tiện này đã giúp Khu di tích có lượng khách tăng đột biến. Chỉ mới hai tuần sau Tết mỗi ngày đã có từ 4 đến 5 nghìn lượt khách, riêng ngày Rằm ước gần 1 vạn lượt người.
Tỉnh Hà Tĩnh đang chuẩn bị khởi công Dự án xây dựng Chùa nền Trang Vương tại khu di tích này với quy mô rất bề thế, xứng tầm là một Khu Di tích Văn hoá - Du lịch cấp Quốc gia.
Minh Thông