Xây dựng chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ cơ sở

10/02/2012 14:13

(Baonghean) Trong Báo cáo số 56 - BC/TU của Tỉnh ủy Nghệ An sơ kết Nghị quyết số 22-NQ/TƯ của BCH Trung ương (khoá X) đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là do phần lớn cán bộ làm công tác xây dựng Đảng ở cơ sở đều kiêm nhiệm, các chế độ, chính sách chưa tương xứng để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực tế tìm hiểu ở cơ sở, cũng có không ít ý kiến kiến nghị, đề xuất về vấn đề này. Theo ông Phan Đình Du - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Khai (Thanh Chương) thì chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập, (ví dụ trong chi ủy có 3 người thì chỉ có một mình bí thư chi bộ có phụ cấp còn phó bí thư chi bộ và chi ủy viên chỉ làm không công) chính là một trong những lý do ảnh hưởng đến sự nhiệt tình, trách nhiệm đối với công việc của đội ngũ cấp ủy ở các chi bộ nông thôn. Điều này cũng là băn khoăn của ông Đinh Bạt Tráng - Bí thư Chi bộ xóm 5, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) và nhiều đảng viên đang trực tiếp làm công tác đảng ở cơ sở, nhất là các chi bộ thôn, xóm vùng nông thôn, vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có chế độ phụ cấp, trợ cấp, động viên, thăm hỏi những cán bộ, đảng viên cốt cán. Điển hình như Huyện ủy Nghi Lộc, ngoài phần hỗ trợ của tỉnh còn có thêm chế độ phụ cấp cho đảng viên vùng giáo 100.000 đồng/tháng, hỗ trợ tiền phục vụ sinh hoạt 500.000 đồng/chi bộ/năm; huyện Quế Phong trích phần đảng phí hỗ trợ máy vi tính, bàn ghế, tủ đựng hồ sơ cho đảng uỷ các xã... Hầu hết các huyện có đông giáo dân và đồng bào dân tộc thiểu số đều có chế độ thăm hỏi, trợ cấp cho già làng, trưởng bản, đảng viên cốt cán, trung kiên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ ở thôn xóm mà ngay đối với cán bộ ở cơ sở xã, phường, thị trấn cũng có sự bất hợp lý giữa chế độ tiền lương giữa cán bộ chuyên trách và công chức ở cơ sở so với cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên; hay ngay cả sự chênh lệch giữa cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách trong cùng một xã.

Do vậy, một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra thuộc về trách nhiệm của Đảng và chính quyền cấp trên, đó là cần có chính sách, chế độ tốt hơn, hợp lý hơn trong công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ ở cơ sở tại vùng sâu vùng xa, vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, hải đảo.

Bởi thực tế cho thấy: Chính sách, chế độ công bằng, hợp lý là một trong những động lực khơi dậy lòng nhiệt thành, sức cống hiến và sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ; khuyến khích sự suy nghĩ sáng tạo, phát huy trách nhiệm và quyền hạn cá nhân, tạo điều kiện cho cán bộ trở thành người lãnh đạo và quản lý giỏi... Từ đó nâng cao năng lực, sức chiến đấu của TCCSĐ, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị một cách toàn diện.


K.L