Vô lý phí lưu hành giao thông

05/01/2012 17:41

Cuộc gặp mặt báo chí cuối năm vào chiều muộn ngày 3-1 vừa qua của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, lại trở lên "nóng” hơn khi các phóng viên báo chí liên tục "quay” về đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Để hạn chế ùn tắc cần có những biện pháp đồng bộ và hợp lý. Ảnh: QUỐC ANH


Theo đó quy định mức phí cao nhất đối với ô tô là 50 triệu đồng và mô tô là 1 triệu đồng. Bộ trưởng nói: "Xe cứ lăn bánh trên đường thì phải nộp phí. Việc thu phí lưu hành nhằm nhiều mục tiêu như: hạn chế xe cá nhân, đầu tư nâng cấp và cải tạo hạ tầng giao thông, chi để thực hiện các giải pháp chống ùn tắc... Phải nộp phí mới được đi xe”.

Ngay sáng ngày hôm sau (4-1), chương trình "Theo dòng thời sự” phát trên hệ VOV1 của Đài TNVN đã nhận được không ít ý kiến phản hồi của người dân đại ý rằng có quá nhiều điều bất hợp lý ở đề án thu phí này của Bộ GTVT. Có người nói: "Đất nước còn nghèo, phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy, vậy mà lại thu phí đi lại của cả xe máy.

Thật không thể chấp nhận được. Điều kiện giao thông công cộng của Việt Nam thì nghèo nàn, lạc hậu, làm sao đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Lúc nào cũng chủ trương khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân. Mà xe bus chỉ có ở thành thị, những vùng nông thôn không có xe bus người ta không vào thành phố bằng xe máy thì đi bằng gì. Đánh vào kinh tế người dân thì hiệu quả quá rồi còn gì. Muốn hạn chế xe cá nhân thì phải phát triển hệ thống giao thông công cộng, đằng này lại cấm đoán như thế thì khác nào kìm hãm sự phát triển... Đề nghị ngành giao thông vận tải quan tâm xem xét, đề ra những điều tạo thuận lợi cho người dân...”; Hoặc: "Chuyện thu phí xe để hạn chế xe cá nhân? Tôi thấy nêu lý do này thật không phù hợp và không đủ sức thuyết phục. Hệ thống giao thông công cộng không đáp ứng, lương thì ít, giờ lại nộp phí lưu hành, phí chồng lên phí ...”

Trở lại cuộc "đối chất”, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm được căn cứ vào các Nghị quyết, Nghị định của Quốc hội, của Chính phủ về những giải pháp đồng bộ nhằm chống ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông, trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân bằng các giải pháp kinh tế đã có từ lâu, bây giờ chỉ là đề xuất của Bộ GTVT để đưa vào triển khai cụ thể. Hàng năm, ngành giao thông có nhiều giải pháp giảm tai nạn, hạn chế ùn tắc, nhưng tai nạn vẫn nhiều, ùn tắc vẫn phổ biến, nên phải có biện pháp mạnh mẽ, bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ, trong đó có đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân.

Cần nhấn mạnh rằng, để có một phương tiện giao thông lăn bánh ra đường, người dân đã phải đóng không ít các khoản phí và lệ phí. Cụ thể là phí Quỹ bảo trì đường bộ, phí trước bạ, phí môi trường, giờ lại thu thêm phí lưu hành. Đã đành về vấn đề sử dụng phí lưu hành, lãnh đạo Bộ cho biết số tiền thu phí sẽ nộp ngân sách nhà nước và chi cho các dự án được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhưng rõ ràng người nghèo (như đối tượng làm nghề xe ôm chẳng hạn), mua mãi mới được chiếc xe máy vài ba triệu đồng để kiếm miếng cơm manh áo giờ lại phải nộp 500 ngàn đồng/năm để hành nghề, thì có phải là vô lý và khó khả thi?

Thông điệp của ngành giao thông năm 2012 là hành động, hành động và hành động nên không thể nói các giải pháp mà không hành động được. Quan điểm của Bộ GTVT là khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả. Đó là những tín hiệu rất tích cực nhằm giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại của lĩnh vực giao thông. Nhưng, một điều nữa cần nhắc lại là trước đây, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Đề xuất này ngay sau đó đã "vấp” phải những ý kiến phản hồi đa phần là không đồng tình của người dân và giới chuyên môn trong lĩnh vực giao thông.

Nay, Bộ GTVT lại tiếp tục "đeo đuổi” giải pháp này, liệu đại đa số người dân có đồng tình, chấp thuận?


Theo Đại Đoàn Kết