Bài 1: Chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt...

26/03/2012 18:07

(Baonghean) - Từ ngày 15/3/2012, 25 phường, xã trên địa bàn Thành phố Vinh đã đồng loạt ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông nhằm thiết lập lại kỷ cương trật tự đô thị trên địa bàn TP. Vinh. Thế nhưng, xung quanh chiến dịch " đường thông, hè thoáng" này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau 10 ngày ra quân, dọc các tuyến phố chính Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Minh Khai, Lê Lợi..., những mái che, biển hiệu vi phạm hành lang ATGT đã được tháo dỡ trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè, lòng đường. Nhưng sự gọn gàng, sạch đẹp cũng chỉ được vài ngày đầu. Hiện nay ở một số tuyến phố, người dân lại bày bán hàng hoá lấn ra vỉa hè, tình trạng dừng đậu xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường vẫn còn khá phổ biến. Nhiều tuyến phố trở nên trơ trụi, nhếch nhác bởi sự tạm bợ của các hàng quán, ki ốt đã lộ ra sau khi dỡ bỏ lớp "son phấn" là các biển hiệu, mái che. Có những khu vực như vỉa hè trước Bệnh viện đa khoa tỉnh, sau khi dẹp bỏ các hàng quán, xe bán hàng rong được vài bữa thì người dân lại tiếp tục bày bán đồ ăn thức uống với quy mô nhỏ hơn để tránh sự xử phạt của lực lượng chức năng nên lại mất mỹ quan hơn.



"Xe dù" vẫn tồn tại trên tuyến đường Lê Lợi.

Hay ở "phố cơm bụi" Lê Hồng Phong, mặc dù không còn cảnh chăng bạt chắn cả vỉa hè như trước đây, nhưng các hộ kinh doanh đã bắt đầu đặt bàn, xếp ghế, bày bán theo kiểu "thăm dò" thái độ của các lực lượng chức năng. Một số tuyến đường như Lê Duẩn, Lê Viết Thuật, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Phong Sắc, Trần Hưng Đạo..., một số hộ dân tự nguyện tháo dỡ các mái che, nhưng phần xây dựng vẫn chưa được dỡ bỏ vì người dân cho rằng thành phố chưa đền bù dứt điểm. Riêng tuyến đường Đặng Thái Thân vẫn còn tình trạng hộ kinh doanh bày quần áo ra vỉa hè, lòng đường... mỗi khi vắng bóng các cơ quan chức năng.


Bên cạnh đó, không ít người dân tỏ ra vẫn bất bình trước việc các lực lượng chức năng ra quân tháo dỡ các hàng quán lấn chiếm vỉa hè của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ một cách quyết liệt nhưng tại một số tuyến đường chính ở Trần Phú, Đại lộ Lênin... vẫn còn những điểm đậu xe của các nhà hàng, siêu thị... chật kín cả vỉa hè và xếp thành từng hàng dài dưới lòng đường. Có những khu phố trong quy hoạch là nhà ở, khu đô thị nhưng vẫn mọc lên những điểm rửa ô tô, xe máy gây mất ATGT và mất mỹ quan đô thị lại không thấy ai nhắc nhở! Rồi khu vực cổng chợ cầu Kênh Bắc (phường Hà Huy Tập) vẫn còn tình trạng tụ tập buôn bán tràn ra cả lòng đường; tình trạng "bến cóc, xe dù" ở đoạn đường Lê Lợi - Nguyễn Trãi vẫn chưa có chuyển biến gì. Phải chăng là trong đợt giải toả hành lang ATGT này, có nơi thì quyết liệt còn có nơi lực lượng chức năng và chính quyền địa phương lại "bỏ qua"?!


Đem những băn khoăn này trao đổi với ông Phan Thanh Sơn - Chánh Thanh tra đô thị TP. Vinh được biết: "Lực lượng chức năng của thành phố không thể lúc nào cũng túc trực 24/24 giờ để canh giữ hết tất cả các tuyến phố đã được giải toả. Sau khi các lực lượng chức năng ra quân giải toả hành lang ATGT, các phường, xã phải phối hợp với các tổ dân cư để quản lý trật tự các khu vực vỉa hè, lòng đường ở địa phương mình, nếu không sẽ khó giải quyết dứt điểm vòng luẩn quẩn "dẹp bỏ-tái lấn"! Bởi nhu cầu kinh doanh, mua bán nhỏ lẻ, rồi ý thức của người dân đang còn nhiều chuyện phải bàn. Bây giờ nếu dẹp bỏ tất cả hàng rong, quán xá, cấm dừng đậu xe trên vỉa hè, lòng đường thì sẽ xảy ra tình trạng nhiều hàng quán sẽ phải đóng cửa, nhiều hộ dân sẽ không có việc làm nên họ sẽ tìm cách "tái lấn chiếm" để mưu sinh".


Một số hộ có ki-ốt, nhà hàng kinh doanh bám mặt đường cho biết, với khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng như ở TP. Vinh thì việc tháo dỡ hết mái che sẽ rất bất lợi cho việc kinh doanh và sinh sống.

Vì vậy, thành phố nên cho người dân dùng loại mái che mềm di động và quy định trong khoảng 1-2 mét và ở độ cao nhất định nào đó để đảm bảo mỹ quan và không mất ATGT. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xem xét quy hoạch các nơi dừng đỗ xe ở các vỉa hè lòng đường một cách rõ ràng, nơi nào không được dừng đỗ xe thì phải có biển cấm và xử phạt thật nặng nếu vi phạm, nơi nào được dừng đỗ thì phải quy định cụ thể trong khoảng cách bao nhiêu.

Mặt khác, cần căn cứ vào đặc thù của từng tuyến đường để phân rõ chỉ giới hành lang an toàn giao thông, bởi đối với những tuyến đường có vỉa hè chật hẹp, cũng không thể bắt người dân và các hộ kinh doanh tuyệt đối chấp hành qui định không lấn chiếm sử dụng vỉa hè. Chỉ đơn cử như việc để xe, thực tế nhiều hộ (kể cả hộ gia đình không kinh doanh) nếu không để xe vỉa hè thì họ chẳng biết để đâu khi mà thềm nhà sát ngay mặt đường.


Với những bất cập nảy sinh sau 10 ngày ra quân, xem ra vấn đề giải toả hành lang ATGT ở TP. Vinh không phải là việc làm ngày một, ngày hai, mà từ thành phố tới các phường, xã, khu dân cư cần phải có kế hoạch một cách cụ thể, đồng bộ, đề ra trong từng giai đoạn sẽ giải quyết dứt điểm những phần việc nào, những tuyến đường, khu phố nào và xác định những khu vực nào trọng điểm... Không thể làm một cách tràn lan như "một cơn bão quét ngang qua" để rồi sau đó mọi thứ đâu lại vào đấy, gây tốn kém và bất bình trong nhân dân!