Bài cuối: Cần đi kèm với những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội
(Baonghean) - Không thể phủ nhận những cố gắng của các cơ quan chức năng đặc biệt là UBND Thành phố Vinh trong nỗ lực chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại thời gian qua. Nhưng cho đến thời điểm này, hiệu quả đạt được chưa cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do việc thiết lập kỷ cương trật tự đô thị chưa đi kèm với những giải pháp thiết thực mang tính đồng bộ, lâu dài nhằm đảm bảo an sinh xã hội...
Sau hơn 10 ngày ra quân giải toả hành lang ATGT, có cảm giác như cách làm của thành phố đang thiếu tính căn cơ và bền vững. Bởi đây đó, vẫn còn những tiếng kêu ca, phàn nàn, thậm chí là phản đối quyết liệt của người dân về cách làm của lực lượng chức năng, khi chưa tuyên truyền đến nơi đến chốn đã ồ ạt ra quân thực hiện, khiến người dân "trở tay không kịp". Nhiều nơi, chính quyền vẫn nặng về mệnh lệnh hành chính, chỉ tập trung giải tỏa lấn chiếm càng nhanh càng tốt để kịp tiến độ thành phố giao, chứ chưa tính đến việc bố trí, quy hoạch lại chỗ kinh doanh mới để đảm bảo việc làm và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Vậy nên ở nhiều tuyến đường, khu chợ, cái vòng luẩn quẩn "dỡ bỏ - tái lấn" vẫn tiếp tục tái diễn.
Do chưa đền bù dứt điểm nên một số hộ dân ở tuyến đường Nguyễn Viết Xuân (Hưng Dũng-TP Vinh) vẫn tiến hành xây dựng các kiốt ngay trên vỉa hè!
Điển hình như đường Nguyễn Sinh Sắc - thuộc phường Cửa Nam, chỉ tính riêng đoạn từ Chùa Cần Linh đến trước Bệnh viện đa khoa Thái An có khoảng gần 40 hộ kinh doanh, buôn bán chủ yếu là bánh mì vỉa hè.
Đây là tuyến đường đã bị phản ánh nhiều lần về tình trạng lấn chiếm gây mất an toàn giao thông và thực tế các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần vào cuộc quyết liệt. Nhưng cứ hôm nay đẩy đuổi, mai lại trở lại như cũ, thậm chí đợt ra quân vừa rồi còn xảy ra xô xát giữa người dân với lực lượng chức năng.
Chị Nguyễn Thị Lan ở khối 10, phường Cửa
Chị Lan cho hay: "Chúng tôi cũng bất đắc dĩ chứ chẳng hay ho gì mà buôn bán ở lòng đường, vỉa hè vừa bụi bặm, vừa nguy hiểm, nhưng đối với người nghèo, cuộc sống hàng ngày chỉ trông chờ vào mấy đồng bạc lẻ thu nhập từ vài chục bó mía hay vài trăm cái bánh mì không bán ở đây thì biết lấy gì mà sinh sống, cho con cái học hành? Giá mà thành phố quy hoạch cho chúng tôi được chỗ kinh doanh buôn bán phù hợp thì tốt biết mấy". Thực trạng "dẹp bỏ, tái lấn" ở khu vực chợ Đội Cung cũng đang là bài toán khó giải cho chính quyền nơi đây, bởi lí do người dân đưa ra là "hiện tại chợ đang bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng".
Hơn nữa, diện tích chợ chỉ khoảng 600m2 không đủ chỗ cho gần 100 hộ kinh doanh buôn bán, chưa kể các hộ kinh doanh tự do". Ông Trần Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cung cho biết: "Hàng năm nguồn thu từ chợ nộp vào ngân sách phường chẳng đáng là bao, chỉ trong vòng có 6 - 6,5 triệu đồng nhưng phường vẫn cố gắng duy trì hoạt động vì đa số người dân kinh doanh ở chợ là người nghèo, gia đình chính sách, buôn bán nhỏ.
Thực tế UBND phường cũng đã biết về vấn đề xuống cấp, hư hỏng của chợ nhưng hiện tại cũng đang "bí" về giải pháp bởi đây là chợ loại 3, loại 4 không có kinh phí hỗ trợ để sửa sang, nâng cấp. Hơn nữa chợ nằm trong quy hoạch khu công viên thành cổ nên rất khó khăn trong cải tạo hay xây mới. Bởi vậy, việc giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh buôn bán là rất khó.
Thực tế cho thấy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông và ý thức chấp hành của người dân thành phố thì việc đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài, đặc biệt là quy hoạch các điểm kinh doanh buôn bán cho những người bán hàng rong, vỉa hè để đảm bảo an sinh xã hội là rất cần thiết trong quá trình thiết lập kỷ cương, trật tự đô thị Thành phố Vinh. Nhìn sang các tỉnh bạn, không phải ngẫu nhiên mà Thành phố Hải Phòng lại chọn triển khai chủ đề "Đô thị và An sinh xã hội" trước khi thực hiện chủ đề "Đô thị và An toàn giao thông".
Trước khi thực hiện ra quân giải tỏa hành lang, vỉa hè, chỉnh trang đô thị, Thành phố Hải Phòng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời, có hiệu quả, từ việc quy hoạch lại các điểm kinh doanh, buôn bán nhỏ, trợ cấp xã hội cho các đối tượng nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có thu nhập thấp, đời sống khó khăn đến việc đầu tư, xây dựng các tuyến đường đô thị kiểu mẫu, nâng cấp hạ tầng đô thị bao gồm hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường, xây dựng các khu vệ sinh công cộng...
Còn theo lãnh đạo Thành phố Đà NΩng, để tiến tới một thành phố văn minh, hiện đại, cái khó nhất không phải là việc chỉnh trang đô thị, dù đó là công việc khổng lồ, mà khó nhất chính là việc thiết lập trật tự, kỷ cương phải đi kèm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người dân, chia sẻ với người nghèo, hướng đến xóa nghèo bền vững. Nhờ vậy mới "được lòng dân", nhận được sự ủng hộ của nhân dân từ đó hình thành được nếp sống văn minh.
Thực tế thời gian qua, lãnh đạo chính quyền Thành phố Vinh cũng đã đi tham quan, học hỏi mô hình thành phố văn minh, hiện đại ở nhiều nơi kể cả nước ngoài. Chẳng hạn như sang Philippine để học tập mô hình "Tiết kiệm sinh thái" của Thành phố
Quay trở lại vấn đề "thiết lập kỷ cương trật tự đô thị" Thành phố Vinh, để giải quyết được vòng luẩn quẩn "dẹp bỏ tái lấn", hướng tới thành phố văn minh hiện đại không phải là việc có thể làm trong ngày một, ngày hai mà đòi hỏi chính quyền Thành phố Vinh phải có một quyết tâm mạnh mẽ, thực hiện các giải pháp đồng bộ và có lộ trình cụ thể, trong đó cần chú trọng tới vấn đề an sinh xã hội. Như kiến nghị của nhiều hộ kinh doanh trên trục đường Lê Hồng Phong, Trần Phú, Đặng Thái Thân thì: "Việc trả lại vỉa hè theo như thành phố tuyên truyền là một chủ trương đúng, nhưng nếu làm quyết liệt thì chúng tôi chỉ được buôn bán phần phía trong ốt vốn rất chật hẹp, ngay cả chỗ để xe cũng không có nên khách hàng giảm hẳn, ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu. Sẽ thiết thực hơn nếu thành phố sẽ tìm giúp chúng tôi một giải pháp cụ thể để vừa đảm bảo trật tự, kỷ cương vừa đảm bảo nhu cầu kinh doanh buôn bán của người dân....".
Một số ý kiến còn cho rằng thành phố không nên triển khai ào ào, đồng loạt mà nên xây dựng thí điểm thành công một vài tuyến đường đô thị xanh, sạch, đẹp, đường thông, hè thoáng kiểu mẫu, từ đó nhân rộng dần dần ra toàn thành phố để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững... Nên chăng lãnh đạo chính quyền thành phố trực tiếp đối thoại, trả lời những kiến nghị của người dân trên tinh thần phát huy dân chủ vì mục tiêu chung là xây dựng Thành phố Vinh trở thành đô thị hiện đại, văn minh, xứng tầm đô thị loại 1?