Linh thiêng lễ hội

06/03/2012 15:23

(Baonghean) - Có từ thế kỷ 14, đền Chín Gian là nơi hội tụ linh thiêng của đồng bào Thái 3 huyện dọc đường 48: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, bởi Chín Mường đất cổ rộng lớn Phủ Quỳ xưa đều coi đây là miền đất tổ: Mường Tôn, nơi người Thái đã dựng đất lập mường từ thời huyền sử. Nơi đây thờ vua Trời - cầu cho mưa thuận gió hoà, thờ Tạo Ló Ỳ - người đã có công dựng đất mở mường, nơi lưu giữ, bảo tồn văn hoá tâm linh của đồng bào suốt nhiều thế hệ.


Ngược nguồn truyền thuyết


Trong kho tàng truyện cổ dân gian người Thái nơi đây vẫn còn lưu lại truyền thuyết lập bản dựng mường hết sức đẹp đẽ. Từ ngày xửa, ngày xưa, Tạo Mường ở Luông Phả Bàng (Cố đô Luôngphrabăng-Lào bây giờ) đã sinh được 2 người con trai, anh là Ló Ỳ, em là Ló Ai.

Tuy cả hai đều thông minh, khoẻ mạnh hơn người nhưng người em vốn tham lam và đố kỵ, thấy cha có ý định nhường ngôi cho anh nên đã giết chết anh rồi vứt xác xuống dòng sông Mã. Xác Ló ỳ cứ trôi theo dòng nước xuống hạ nguồn, kẹt lại ở một khúc sông hẹp. May nhờ có một con quạ thương tình tiếp cho một liều thuốc tiên, Ló Ỳ sống lại, tìm vào một vùng gần đó xin ăn. Nơi đây vốn không có người cai quản, lại thường xuyên loạn lạc, hơn nữa nhân dân thấy Ló Ỳ khoẻ mạnh, xuất thân dòng dõi cao quý nên đã tôn anh làm Tạo, nhờ đó đất xưa giờ trở nên phồn thịnh hơn.

Nhớ ơn con quạ đã cứu sống mình, dân ở đó đã đặt tên cho mường của mình là Mường Cả Giả (mường Quạ Cứu - nay là xã Hội Xuân, huyện Quan Hoá - Thanh Hoá). Được ít năm, vì quá thương cha mẹ già, Tạo Ló Ỳ đã trao quyền cho người khác để trở về quê cũ, nhưng không biết đường lại lạc sang một vùng đất khác, nơi này đất lành người Thái quần tụ cũng đã đông nhưng vẫn chưa có người cai quản nên chưa thành mường, thành bản.

Ló Ỳ đã ở lại giúp dân lập bản dựng mường và trở thành vị chúa đất đầu tiên nơi đây. Trải qua thời gian, Ló Ỳ liền đưa dân đi khai phá và lập thêm các mường mới. Vùng đất đầu tiên do Tạo Ló Ỳ cai quản được gọi là Mường Tôn (Mường chủ, Mường gốc) bao gồm các bản Piếng Chào, bản Đô, bản Giang (Châu Kim), bản Đỏn Cớn (Mường Nọc), bản Pỏi, bản Đỉn Đảnh (Châu Thôn), mường Chò Lè (Tri Lễ). Tiếp theo đó là 8 mường được lập sau là Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón, Mường Chòng thuộc 11 xã của 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp.


Dưới tài đức cai quản của Tạo Ló Ỳ cuộc sống đã khác xưa nhiều. Nhưng ông trời vẫn thường gây nên thiên tai lũ lụt, bởi vậy, dân các mường đã xin Tạo cho dựng một ngôi đền ở Mường Tôn, lấy chỗ cúng trâu cầu Trời xin mưa thuận, gió hoà, mùa màng no ấm. Tiếng địa phương gọi đền là Tến Xớ Quái (đền Hiến Trâu) nhưng vì có chín gian nên đổi thành Tến Cau Hong (đền Chín Gian).


Từ thế kỷ 18 trở về trước, đền Chín Gian được dựng trên đỉnh Pú Chò Nhàng (cao trên 350 m), phía Tây Bắc Mường Tôn (cách bản Khoẳng-Châu Kim) hơn 2 km.


Những năm đầu thế kỷ 20 lễ hội lớn được tổ chức hàng năm. Mỗi kỳ lễ hội là một dịp để nhân dân bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên nhưng cũng là dịp để đua tài qua những trò chơi dân gian đặc sắc: vui gì hơn có tập xạp, vít luống (nhảy sạp, ném còn). Tiếng trống, chiêng tế lễ, tiếng reo hò của đám hội kéo dài hàng mấy ngày liền. Đến năm 1972, do nhiều nguyên nhân đền bị xuống cấp trầm trọng, các hoạt động lễ hội vì thế cũng bị gián đoạn.


Trước nhu cầu hoạt động văn hoá tâm linh của nhân dân, cuối năm 2003, UBND huyện Quế Phong đã quyết định khởi công xây dựng tôn tạo đền Chín Gian. Tháng 6 năm 2006, lễ hội được nối lại sau 30 năm. Giờ đây trên nền ngôi đền cũ, một ngôi đền mới mang đậm dáng nét ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái đã dựng lên khang trang giữa đỉnh Pu Pỏm khoáng đạt. Toàn bộ cấu trúc đền với cầu thang lên xuống, hoa văn dọc các lan can đều gợi cho đồng bào cảm giác thân thuộc và gần gũi. Trước sân, hướng vào mặt chính đền là chín con trâu trắng (Quái Mè Hảo) đắp bằng xi măng nằm phủ phục. Nội thất đền đều làm bằng các vật liệu hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên cách bài trí chính của nhà sàn. Các bàn thờ, đồ tế khí giản đơn nhưng trang trọng. Trước mặt đền là cánh đồng của xã Châu Kim rộng mênh mông với dòng Nậm Giải uốn quanh từ chân đỉnh Pú Chờ Nhàng. Đền tựa lưng vào núi Tèn Cắng, sau nữa là dãy Sắn Nộc Yêng mênh mông, sừng sững xa mờ.


Lung linh lễ hội


Thường mỗi kỳ lễ hội, lễ vật không thể thiếu đó là con trâu mộng chưa dùng trong cày kéo, không có khiếm khuyết trên cơ thể. Ngoài ra, mỗi mường có thêm 9 con lợn con, 90 con gà nhỏ và 90 gắp cá sông nướng. Nay, để phù hợp, không nhất thiết phải đủ lễ vật như xưa, nhưng vẫn đảm bảo tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất phục vụ trong lễ hội.



Người dân về với Lễ hội Đền Chín Gian. Ảnh: Công Kiên


Đến ngày định trước, Tạo mường tập hợp các bô lão, chức dịch và trai tráng trong chín mường rước lễ, gồm cá, gà, lợn, rượu, trâu. Đoàn rước do Tạo mường dẫn đầu, đến các bô lão chức dịch, lễ vật, tiếp đó là ông ạp (ông tắm trâu), bà mo mường, các xảo lực mỏ (người con gái đẹp) và cuối cùng là đoàn người tham dự lễ hội của mường. Đoàn người nối nhau, uốn quanh qua các bản, các làng, qua khe, qua suối, tất thảy đều hướng về đền. Tới nơi, các mường chia nhau đưa lễ vật vào gian dành cho mường mình, ở đó đã có sΩn 9 mâm tre, 9 sạp nứa, 3 mâm gỗ (riêng Mường Tôn là 5 mâm gỗ). Các sạp được kê thành 4 tầng. Chính giữa mỗi gian đặt 1 chum rượu cần với 9 cần trúc cắm sẵn.


Quan niệm của đồng bào Thái cho rằng, đường về mường Phá (mường Trời) nơi ở của vua Trời và Tạo Ló Ỳ có nhiều cửa ải, qua mỗi cửa ải phải cúng một thứ lễ vật cho vị thần giữ cửa. Bởi vậy, ngày thứ nhất người ta chỉ cúng bằng cá, gà và lợn. Ngày thứ 2 mới làm lễ "Hắp Quái" (lễ nộp trâu) trước khi giết trâu.

Tại lễ này, bà mo chủ dẫn Tạo mường, ông ạp và các cụ già cầm đuốc đi quanh con trâu của mường 3 vòng tỏ ý đồng lòng dâng trâu. Tiếp đó, ông ạp đưa trâu xuống tắm tại bến sông Tà Tạo với 9 lần khoát nước tượng trưng và dắt trâu theo hướng khác lên đền. Sau khi trâu được buộc vào "lắc quái" (cây cột buộc trâu), trước mỗi cột này đều có một cây đa của mỗi mường, ông ạp vung dao chém vào cổ trâu tượng trưng. Thịt trâu khi xẻ xong được đặt lên bậc sạp cao nhất của nơi để lễ vật. Bà mo tiếp tục làm lễ "Hắp Quái" đến hết ngày thứ 3 mới xong. Lễ xong, thịt được đem chế biến tại chỗ và chia đều cho mọi người cùng thưởng thức. Thịt không ăn hết thì bỏ lại hoặc thả xuống suối, không ai được đem phần về nhà.


Phần lễ trang trọng kết thúc, bắt đầu cho những hoạt động náo nhiệt, vui tươi của phần hội. Cuộc thi bắn nỏ với mỗi mường 9 chàng trai đua tài. Các cuộc thi khác như kéo co, vật dân tộc, nhảy sạp, múa vòng, ném còn cũng thu hút đông đảo các chàng trai cô gái tham gia. Nhưng được chú ý hơn cả vẫn là những lời hát diễn xướng tình tứ qua các hình thức xuối, lăm, nhuôn. Những lời hát này ngoài chúc tạo mường sống lâu, chúc 9 bản mười mường yên vui, hạnh phúc còn là lời hát giao duyên, tìm bạn. Hoạt động này không chỉ quanh khu vực đền mà còn lan đến các bản lân cận và kéo dài đến tận khi núi rừng trở mình sang ngày mới.


Trần Hải