Những người làm nên sắc màu Lễ hội

12/02/2012 17:29

(Baonghean) - Người tiếp nối giai điệu xưa

- Ông Sầm Văn Dần, 65 tuổi, dân tộc Thái, là một trong những người tham gia thành lập Câu lạc bộ Bảo lưu Thái cổ Quỳ Châu. Ông Dần dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm bảo lưu các lời ca tiếng hát, điệu nhạc cũng như các nhạc cụ. Trong cộng đồng người Thái Quỳ Châu, ông là một trong những người biết nhiều nhất các điệu hát cổ.


Theo ông, âm nhạc người Thái cổ luôn gắn liền với những tập tục, phép tắc và gia phong những lễ dựng nhà, đám cưới, hội vui. Âm nhạc của người Thái hiện nay cũng có sự phát triển, mở rộng tương ứng theo xu thế chung, giai điệu cũng đã có biến đổi; ca từ có sáng tác mới nhiều, để thích hợp hơn trong việc ca ngợi cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Các nghệ nhân người Thái ở Quỳ Châu đều có lưu giữ ít nhiều giá trị âm nhạc xưa. Ông chơi nhạc cụ sở trường là khèn và pí với điệu lăm và Nhuôm. Điệu Thái cổ gồm 3 điệu là xuối,nhuôn, lăm; sau nay nhóm Man Thanh đến thì có thêm o­n ổi, pì...


Ông Dần rất vui mỗi lần Lễ hội Hang Bua tổ chức, bởi tất cả những giá trị đặc sắc của văn hóa người Thái đều được thể hiện ở lễ hội này. Hiện hàng ngày ông và nhiều nghệ nhân khác vẫn tập luyện cho các bạn trẻ khác những bài hát, giai điệu ngày xưa và hôm nay. Lễ hội lần này, nhiều học trò của ông tham gia biểu diễn...


Tươi màu thổ cẩm Hoa Tiến

Về bản Hoa Tiến những ngày này đến bất cứ nhà nào cũng nghe tiếng lách cách phát ra từ khung dệt, từ người già đến những bé gáiai cũng đều biết dệt, biết thêu. Chị Sầm Thị Bích luôn được nhắc tới mỗi khi nói về nghề dệt của bản, không bởi chị là chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm mà cònví chị và 2 con là người có tay nghề giỏi nhất làng. Chị Bích bộc bạch: Nghề thổ cẩm được khôi phục đã làm cho kinh tế hộ của đồng bào ở đây từng bước đỡ vất vả, khó khăn.


Thổ cẩm Hoa Tiến hiện có hàng trăm mẫu mã, các loại sản phẩm khác nhau từ thổ cẩm tấm, quần áo, ga trải giường, khăn trải bàn cho đến những chiếc cặp, chiếc ví, cà vạt, khăn quàng cổ, đội đầu với những nét hoa văn tinh tế và độc đáo. Đặc biệt, sản phẩm thổ cẩm của Hoa Tiến được nhuộm bằng các loại cây rừng nên có màu sắc tự nhiên, không giống với bất kỳ sản phẩm thổ cẩm của các vùng, miền khác. Hoa văn thổ cẩm Hoa Tiến tinh tế với những hình thù các con thú như hươu nai,voi hổ, hoa mặt trăng mặt trời, giã chiêng v.v...


Được truyền nghề dệt từ mẹ lúc mới 13 tuổi, chị lại truyền nghề cho con mình. Hai con gái của chị nhiều lần được giải cao về các sản phẩm thổ cẩm dự thi, cả hai nay đã có việc làm ổn định song cũng như nhiều người khác. Ngoài thời gian công việc, các con chị lại ngồi dệt, thêu. Gian hàng ở Lễ hội Hang Bua năm nay, chị Bích không tham gia được bởi còn bận đi dự một hội chợ khác ở Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức; song chị Bích an tâm bởi ở nhà cô con gái có tay nghề còn giỏi hơn mẹ, chăm lo việc giới thiệu thổ cẩm Hoa Tiến đến bè bạn gần xa.

Thành Chung

Người mê chữ Thái lai - tay
- Đến thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu), chúng tôi thật sự ấn tượng với biển hiệu sửa chữa xe đạp bằng chữ Thái cổ, phía trong quán treo đầy những tấm bảng, mảnh bìa chi chít chữ Thái lai - tay. Chủ quán là ông Dương Minh Thông, người miền xuôi, người Kinh "chính thống" nhưng trót yêu văn hóa Thái, say mê với chữ Thái lai - tay.

Sinh năm 1954 ở Hưng Phúc (Hưng Nguyên), 10 tuổi, ông theo gia đình lên Nông Trang (Yên Hợp, Quỳ Hợp) xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1972,ông cùng gia đình di cư lên thị trấn Tân Lạc sinh sống. Và mảnh đất Quỳ Châu trở thành quê hương thứ ba của ông.


Là người Kinh nhưng cuộc đời ông lại gắn bó với vùng đất Phủ Quỳ, sống, sinh hoạt cùng người dân Thái nên văn hóa Thái đã ngấm vào máu thịt, tâm hồn ông. Khi Trung tâm Văn hóa huyện mở lớp dạy chữ Thái lai - tay ở bản Đồng Minh, xã Châu Hạnh, ông viết đơn xin theo học. Trong 40 học viên của lớp chữ Thái cổ, chỉ duy nhất ông là người Kinh. Ông viết chữ Thái cổ nhanh, đẹp, đúng nét. Những bài thơ, những câu tục ngữ, những bài hát Thái được ông phiên âm sang chữ Thái cổ. Đều đặn hàng tháng, ông tích cực tham gia sinh hoạt CLB văn hóa Thái xã Châu Hạnh.


Hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, ông lại tìm đến Trung tâm Văn hóa huyện, vào các bản Thái cổ để sưu tầm ca dao, tục ngữ của người Thái; mượn đọc các tác phẩm viết bằng chữ Thái. Những cuốn sổ tay của ông ngày càng dày thêm bởi những chữ Thái cổ. Ông chia sẻ: "Mảnh đất Quỳ Châu đã trở thành quê hương của tôi, đồng bào Thái thành những người thân yêu, gắn bó với tôi. Tôi yêu văn hóa Thái, yêu chữ Thái cổ như yêu chính quê hương, yêu những người thân của mình.

Bằng tấm bìa cát tông của những thùng bánh, kẹo được ông tỷ mẩn cắt, dán thành những cuốn lịch treo tường bằng chữ Thái ghi đủ ngày, tháng, năm; những câu tục ngữ, ca dao Thái được ghi trang trọng ở phía dưới. Ông đem tặng cuốn lịch này cho mọi người với mong muốn mọi người hãy trân trọng, gìn giữ chữ Thái cổ, giữ gìn văn hóa Thái.

Duy Nam