Gửi tình trong điệu ca trù

19/03/2012 16:19

(Baonghean) - Bầu bạn với thơ ca - văn chương, ông thường trải lòng mình lên những trang viết với ngòi bút sắc sảo, tinh tế. Không phải một nhà thơ hay nhà văn chuyên nghiêp, ông là cán bộ của ngành Lâm sản - lâm nghiệp, nhưng lại mang trong mình tình yêu sâu sắc với nghệ thuật, đặc biệt là ca trù...

Sinh năm 1948 tại Diễn Hoa (Diễn Châu) - mảnh đất được coi là cái nôi của nghệ thuật ca trù xứ Nghệ, từ thửa bé, thơ ca cùng những làn điệu cổ, tiếng phách, điệu đàn sâu lắng, thanh tao của ca trù đã chứa chan trong tâm hồn tuổi thơ cậu bé Cao Xuân Thưởng.


Vốn yêu thơ, thích văn, lớn lên dù không chọn cho mình con đường đi theo nghệ thuật, nhưng suốt quãng thời gian làm trong ngành Lâm nghiệp, ông Thưởng vẫn say sưa sáng tác và kết bạn với nhiều văn nghệ sỹ. Mọi người còn biết đến ông là một con người đa tài, có thể chơi được các loại nhạc cụ: nhị, sáo, đàn đáy và sáng tác tuồng, chèo, ca trù...




Ông Thưởng say sưa bên cây đàn đáy

Được xem là một loại ca nhạc thính phòng và bác học của người Việt, ca trù là sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ và giọng hát hoà cùng các nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu... Được hô hào "phục hưng", nhưng trong thực tế, ca trù còn thiếu một đội ngũ sáng tác hay và sáng tạo. Hầu như trong các hội thơ, ca trù được hát đi hát lại một số làn điệu quen thuộc của các văn nhân nổi tiếng ngày xưa... Với suy nghĩ cần có những bài ca trù mới, năm 2002, ông Thưởng bắt đầu sáng tác ca trù. Theo ông, sáng tác ca trù không khó, nhưng người viết phải có tình yêu chân thành với nó. "Sáng tác ca trù cũng có luật, nhưng không quá khắt khe như thơ Đường. Chỉ có điều, ca trù mang trong mình tính chất lãng mạn và phong tình. Do đó đòi hỏi người sáng tạo phải có một tâm hồn thật lãng mạn" - ông Thưởng cho biết.


Tại Ngày Thơ Việt Nam tổ chức ở Thành phố Vinh vào tháng Giêng năm 2012, ông Thưởng đã đem bài thơ "Cảo thơm lần giở" đến giới thiệu và ngâm cho các bạn thơ cùng thưởng thức. Bài thơ đã để lại ấn tượng trong lòng người nghe:


...Đây Lam Giang sóng vỗ nỗi li quê

Kìa Hồng Lĩnh mây bay tình viễn xứ

Ngoài muôn dặm câu thơ còn đẫm lệ

Mấy trăm năm không hổ nghiệp bút nghiên

Đâu khoa danh, đâu cầm sắt, đâu nước mắt, đâu cung đàn

Đâu chánh sứ, tham tri, không không...sắc sắc...


Sắp tới, ông dự định sẽ cho ra một tập thơ ca trù dành tặng những người yêu thơ và ca trù. "Tôi sáng tác là để chơi, để làm đẹp cho chính tâm hồn mình chứ không phải để cố gắng trở thành một nhà thơ hay nhà văn chuyên nghiệp", ông cười hiền.


Trong không gian yên tĩnh của làng quê Diễn Hoa, ông Thưởng đàn cho chúng tôi nghe một đoạn ca trù bằng cây đàn đáy đã cũ. Tay ông nhịp nhàng, uyển chuyển trên phím đàn, tiếng nhạc phát ra từ cây đàn một khoảng không tĩnh lặng. Ông say mê trong tiếng nhạc, ngâm nga một khúc ca trù... trong sâu thẳm tâm hồn ông vẫn cháy âm ỉ một ngọn lửa tình yêu âm nhạc quê hương.


Linh Phương