Cần phục dựng các hoạt động đậm bản sắc trong Lễ hội Đền Cờn xưa
(Baonghean) - Theo các cụ cao niên ở BQL di tích đền Cờn cho hay, Hội đền Cờn xưa kéo dài từ Rằm tháng Chạp năm trước đến ngày 21 tháng Giêng năm sau mà luôn tưng bừng, náo nhiệt; đó là chưa kể tới Lễ cầu yên, cầu phúc vào Rằm tháng Ba âm lịch cũng rất sôi động, làm cho dư âm Hội đền Cờn như kéo dài cả mùa xuân. Nay Lễ hội Đền Cờn được phục hồi rút lại còn 2 - 3 ngày (từ 19 - 21 tháng Giêng ÂL).
Theo tìm hiểu được biết, trước đây, từ đêm giao thừa đã có tục rước lễ từ đền trong ra đền ngoài. Sáng mồng Một Tết có tục "dong thuyền ngự du xuân". Từ mồng 4 tết bắt đầu là lễ động mõ.
Trước đó, ngày mồng 5 tết có tục "nghiềm trâu", thực chất như hội thi trâu. Tiếp đến mồng 7 tết, hạ cây nêu là lễ tế bánh. Từ Rằm tháng Giêng đến 21 tháng Giêng ÂL được xem là chính hội đền Cờn. Lần lượt có các lễ như: ngày 15 tháng Giêng là lễ nghiệm quân. Sang ngày 16 làm lễ rước Thánh lên chùa bởi tích xưa có nương nhờ cửa Phật. Tiếp đến từ 17 - 19 rước Thánh ra đình Chợ (vi hành xuất ngoại). Ngày 19 là lễ đại tế ở đình Chợ do đội tế nữ quan đảm nhiệm hoàn toàn (do Tứ Vị Thánh Nương là nữ nên đại tế là nữ quan). Ngày 20 làm lễ rước Thánh hồi cung để sang ngày 21 làm lễ đại tế ở đền và chuẩn bị lễ rước sôi động nhất, gọi là tục chạy ói, được xem là độc đáo nhất của Hội đền Cờn.
Tục chạy ói xưa có 2 đoàn rước, đoàn rước trước xuống tận đền Quy Lĩnh (hòn Ói) nghênh tiếp thần rồi quay lên Vụng Ngâm dừng lại chờ đoàn rước sau từ đền Trong ra đền Ngoài cùng đến đây lồng ngai vào kiệu, gọi là "chồng đám", cùng bày mâm cỗ tại Vụng Ngâm để cả 2 đoàn ăn uống no say, chiều mới rước Thánh hồi cung và tối làm lễ yên vị tại đền.
Như vậy, trong Lễ hội Đền Cờn xưa, mọi hoạt động đều mang tính linh thiêng, gắn với các sự tích, thần tích rất phong phú, được tổ chức hết sức chặt chẽ, thu hút rất đông người tham gia, tạo được sức cố kết cộng đồng cao, kể cả các làng xã khác.
Vậy, hướng phục hồi Lễ hội đền Cờn hiện nay ra sao? Phải thống nhất rằng, để phục hồi toàn bộ và kéo dài thời gian như xưa là không thể được, bởi cơ sở KT-XH nay đã khác, nhưng cần nghiên cứu phục hồi từng phần, một số tục lệ là cần thiết. Theo chúng tôi, có 3 tục lệ nên và có thể phục hồi: Đó là đoàn phụng sai trước kỳ lễ hội.
Thứ hai là phục hồi hội đua thuyền, trước kia có tới 5 giải trong tháng Chạp, nay có thể rút xuống 2-3 giải, nhưng điều quan trọng là nên làm 4 thuyền tam bản bằng gỗ dạ hương chuyên đua trong lễ hội như xưa. Thứ ba là phục hồi tục chạy ói. Theo ông Nguyễn Minh Nghĩa - Trưởng Ban QL di tích đền Cờn thì nên mở rộng không gian lễ hội trong tục chạy ói và có chấm giải cho các hoạt động hội như hề kiệu, đội nữ quan, bơi thuyền, các trò chơi khác. Ngoài ra cũng cần sớm phục hồi tục hát chầu văn, ca trù.
Mong rằng nay điều kiện KT - XH đã nâng cao, việc phục hồi Lễ hội Đền Cờn cũng như các lễ hội truyền thống khác cần được các cấp và ngành Văn hóa quan tâm thiết thực hơn, có cơ chế chính sách cụ thểđể lễ hội thật sự tạo được không gian thiêng như trước.
Mai Hồ Minh