Những lời ngợi ca đẹp nhất về nhà cách mạng yêu nước Phan Đăng Lưu

03/05/2012 18:59


(Baonghean.vn)- Đã có hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài viết về đồng chí Phan Đăng Lưu, một trong những lãnh tụ cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng ta, nhà báo cộng sản có uy tín nửa đầu thế kỷ XX. Xin giới thiệu một số ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta viết về đồng chí Phan Đăng Lưu.


Đồng chí Lê Duẩn, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, là người sớm gắn bó với đồng chí Phan Đăng Lưu từ năm 1928 ở Huế, đặc biệt là từ sau khi Phan Đăng Lưu được ra tù trở về Huế cùng hoạt động trong Xứ uỷ Trung kỳ, cùng dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6 họp tại Hóc Môn – Bà Điểm tháng 11/1939… đã hai lần viết về đồng chí Phan Đăng Lưu.

Lần thứ nhất, vào năm 1959, nhân dịp thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, khi đến gian trưng bày hiện vật và hình ảnh Phan Đăng Lưu, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu” (Báo Nhân dân số ra ngày 3/2/1957). Lần thứ 2, trong tác phẩm “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, đồng chí Lê Duẩn viết: “Gương hy sinh quên mình, dũng cảm, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho lý tưởng cộng sản của các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai và biết bao đồng chí khác, là những bài học cho chúng ta trong việc tu dưỡng đạo đức cách mạng”.


Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng trong hội nghị tại Viện nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương ngày 21/12/1986, bàn về xuất bản cuốn “Đồng chí Phan Đăng Lưu” , đã phát biểu:
“Đồng chí Phan Đăng Lưu là người đã có những đóng góp quan trọng về việc xây dựng đường lối, xây dựng phong trào cách mạng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cách mạng và nêu gương chiến đấu hy sinh bất khuất ở vào một giai đoạn đấu tranh sôi nổi, quyết liệt của cách mạng Việt Nam” (Dẫn theo biên bản của đồng chí Nguyễn Văn Phùng, nguyên phó ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương cung cấp).


Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong phát biểu nhân dịp xây dựng bộ phim tư liệu chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu, năm 2002 đã phát biểu: “Phan Đăng Lưu là người anh, người thầy của chúng tôi. Phan Đăng Lưu là người cộng sản mẫu mực, nhân hậu, kiên cường, là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau”. (Dẫn theo băng ghi hình của đoàn làm phim và báo Nghệ An số 5881 ngày 5/5/2002, số đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phan Đăng Lưu).


Đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người được Phan Đăng Lưu dạy những bài học đầu tiên về chính trị, trong tác phẩm “Nguyễn Chí Thanh của chúng ta”, NXB Thuận Hoá, Huế, 1981, trang 40 viết: “Năm 1936, Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) và người bạn là Phạm Danh đến gặp đồng chí Phan Đăng Lưu ở nhà cụ Phan Bội Châu. Đồng chí giải thích cho hai người rõ về tình hình chính trị nước Pháp, về thành phần mặt trận nhân dân ở Pháp, về đường lối chính trị của Đảng cộng sản Pháp. Đồng chí còn nói rõ thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Anh nói về tình hình Đông Dương và chủ trương của những người cộng sản Đông Dương. Anh nói tôn chỉ mục đích của những người cộng sản Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến giành độc lập dân tộc, dân chủ, xây dựng một xã hội không có giai cấp bóc lột ở Đông Dương, đưa Đông Dương lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nhưng trước mắt, nhân dân ta phải đoàn kết chống phát xít, chống chiến tranh, chống phản động thuộc địa để đòi hỏi hoà bình, tự do, cơm áo… Những lời giảng giải của Phan Đăng Lưu giúp cho Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) sáng tỏ nhiều điều. Vịnh vui mừng phấn khởi vì đã tìm được con đường đi đúng đắn”.


Nhà thơ Tố Hữu là người đã viết về Phan Đăng Lưu, cả văn và thơ. Ông xem Phan Đăng Lưu là người thầy về chính trị, cả về thơ văn. Trong bài “Nhớ lại một thời”, Tố Hữu viết: “Tôi biết anh là người cách mạng đi tù Ban Mê Thuật về. Hơn nữa thấy anh học rộng, trầm tĩnh, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Hoa, càng kính nể. Về chủ nghĩa Mác Lênin, anh đã nghiên cứu sâu các sách kinh điển như Tư bản luận, Chống Đuy rinh. Về lịch sử, anh đã thống nhất với Trần Huy Liệu viết một cuốn sử Việt Nam theo quan điểm mới. Về thơ ca, đặc biệt là thơ ca yêu nước, anh là một kho nhớ vô tận và đã biên soạn Thơ văn các chí sỹ Việt Nam lấy tên là Phi Bằng” (Báo Văn nghệ số ra ngày 22/7/2000).


Ở một đoạn khác, Tố Hữu viết: “Người giảng dạy chính trị nhiều nhất cho tôi qua sách là anh Phan Đăng Lưu. Lần đầu gặp anh tôi cầm cuốn Tư bản nói với anh: Anh ơi, tôi thấy khó hiểu quá. Anh nói: cậu nên tìm cuốn dễ đọc trước. Rồi anh hướng dẫn cho tôi đọc từ thấp đến cao. Từ những cuốn sách mỏng loại ABC về chủ nghĩa Mác của các nhà xuất bản xã hội Pháp, đến Tuyên ngôn cộng sản và các tác phẩm kinh điển khác… Một hôm anh hỏi tôi: Cậu biết làm thơ không? Tôi đáp: Niêm luật Đường thi, ca dao lục bát thì thôi nắm được nhưng không biết thơ có hay không. Vậy thì tốt rồi. Anh Lưu nói: Báo ta (tức Báo Dân) hơi khô. Cậu biết là thơ hãy làm những bài thơ về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà do đế quốc phong kiến bóc lột và do sưu cao thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi… có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được một số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó mà dân ta thích đọc báo ta hơn, nhưng phải chú ý: dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng. Tôi nói: Nếu viết những cái đó thì tôi viết được. Như vậy, anh Phan Đăng Lưu chính là người thầy đầu tiên hướng tôi vào dòng thơ cách mạng”.


Trong bài “Máu và hoa”, Tố Hữu viết: “Ba điều mà anh Lưu nói với tôi: Đời sống nhân dân – chớ viết khó quá và đừng dài quá. Đó là những điều căn dặn đầu tiên mà một thi si mới nhú mầm nhận được ở anh Phan Đăng Lưu” (Tác phẩm
mới, số 57 ra tháng 1/1976).


Đặc biệt, trong bài thơ “Quê mẹ”, khi viết về quê hương, về người mẹ, về Đảng, Tố Hữu nhắc đến Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu với tình cảm sâu nặng:

“Con lớn lên con tìm cách mạng

Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi

Mẹ không còn nữa con còn Đảng

Dìu dắt khi con chửa biết gì”.


Chẳng những các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu đã gắn bó với những năm tháng hoạt động sôi nổi của Phan Đăng Lưu và có những nhận định đánh giá về ông mà các bạn chiến đấu, các học trò, những trí thức cách mạng,các cán bộ lão thành như Bùi San, Tôn Quang Phiệt, Dương Quang Đông, Hồng Chương, Lưu Quý Kỳ, Trịnh Quang Xuân… đều giành những tình cảm trân trọng viết về Phan Đăng Lưu.


Ngô Đức Tiến