Trường Sa mùa giông gió

08/04/2012 17:58

Quần đảo Trường Sa đã được gán cho cái tên chẳng mấy êm đềm là Quần đảo bão tố. Gần như mọi cơn bão đổ vào Việt Nam đều bắt nguồn từ khu vực này.


Trong mọi thời tiết, mọi hoàn cảnh những người lính hải quân luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền dân tộc

Tôi đọc sách cổ biết rằng: Vào khoảng tháng 10 năm 1714, ba tàu buồm lạ sau khi vượt qua địa phận Trường Sa, chớm vào lãnh hải Hoàng Sa thì gặp bão, tàu va vào đá san hô ngầm bị đắm. Họ may mắn thoát chết vì được ngư dân và thuỷ quân Chúa Nguyễn đang đi tuần tra vớt và đưa vào đất liền. Chúa Nguyễn lệnh cấp cho họ cơm ăn nước uống, họ không biết gắp thức ăn bằng đũa tre mà toàn dùng tay bốc, ăn xong không biết dùng tăm xỉa răng mà lại lấy ngón tay kì cọ trong miệng. Cấp áo dài thâm, khăn xếp, họ toàn cởi trần vắt vai vì hẹp quá không mặc được; cấp cho guốc đẽo bằng gốc tre thì xách trên tay và đi chân không. Ngô ngố quá, ai nhìn thấy cũng cười. Về sau mới biết họ là dân xứ Hà Lan, nơi trước đó một trăm năm mươi năm giai cấp tư sản đã nổi dậy làm cuộc cách mạng Nêđeclan và có nghề đi biển chỉ sau Anh Quốc, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Hoá ra, thuỷ quân Chúa Nguyễn thật thà, hồn nhiên không đâu bằng. Chuyện xưa nhắc lại, tôi chỉ muốn thêm một lần nữa nói rằng: Ngày xa xưa ấy, ông cha ta đã thực hiện chủ quyền ở hai quần đảo của nước nhà rồi.

Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục làm cái công việc giữ biển đảo nơi rốn bão này. Ngày xưa, thuỷ quân chỉ đi lượm hoá vật, hải sản và tuần tra, nếu có đồn trú thì thời gian cũng không lâu. Còn bây giờ, lính đảo của chúng ta phải thường xuyên năm này qua năm khác. Bao nhiêu lần xua đuổi tàu đánh cá nước ngoài đến xâm phạm vùng biển và thềm lục địa. Bao nhiêu lần cứu hộ cứu nạn, cấp nước ngọt cho ngư dân trong và ngoài nước. Nắng nóng. Xa nhà. Nhớ gia đình... Không kể hết. Nhiều người ở Trường Sa Đông, Đá Lát rồi đến Tốc Tan, An Bang... năm, sáu năm thậm trí chín, mười năm, cứ hết đảo này lại sang đảo khác công tác mà chẳng hề kêu ca. Chắc chắn lính đảo bây giờ ở biển nhiều hơn thuỷ quân của ông cha thuở trước.

Điều không phải ai cũng biết là các đảo, bãi san hô và bãi ngầm ở Trường Sa được cấu tạo bởi các miệng núi lửa. Đỉnh các miệng núi lửa này nhô lên gần mặt biển, có dạng hình vành khăn hoặc ê líp, phía trong là các vùng nước nông. Mặt đảo, chủ yếu do các mảnh san hô vụn kết hợp với các sinh vật, phân chim, cây cối thoái hoá tạo thành chất mùn xốp. Điều lạ kỳ nhất ở Trường Sa là hình thù một số đảo luôn luôn thay đổi bởi cát vun lên rồi cát chuyển chỗ khác. Ví như: Đảo Trường Sa lớn có một bãi cát trắng nhìn nhức mắt, lớn hàng ngàn m2, lúc chúng tôi đến đảo vào tháng 4 bãi cát đang ở phía Tây Nam đảo, mấy anh lính ở đây nói rằng nó đang chuyển dịch dần đến tháng 10 thì sang phía Đông Nam đảo, rồi lại bắt đầu dịch chuyển trở lại. Đảo Sơn Ca có hình bầu dục, hẹp ngang nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, ở rìa đảo là cát trắng thường bị bồi lở thất thường, khi cát trắng chuyển về phía đông, lúc lại chuyển về phía Tây. Dễ nhận thấy nhất là hai doi cát lớn, dài khoảng 60m rộng 50 m thường biến dạng theo mùa. Đảo Sinh Tồn có hai doi cát phía Đông và phía Tây dài khoảng 140 m rộng khoảng 45 m, cả hai doi cát này cũng luôn di chuyển theo mùa sóng gió. Đảo Đá Tây ở bãi San hô phía Đông có một doi cát nổi lên, chỗ cao nhất khoảng 0,7m cũng biến ảo vô cùng... Đảo An Bang giống hình cái chìa khoá khổng lồ, mũi chìa khoá là một doi cát. Tháng 4 đến tháng 7 hàng năm doi cát từ bờ Tây chuyển dịch sang bờ Nam. Đến tháng 8 bờ cát này chuyển dịch sang bờ Đông của đảo, khoảng tháng 12 trở đi nó lại dịch chuyển dần về vị trí cũ. Tất cả mọi sự thay đổi đó đều bắt đầu từ gió bão. Bão gió to, biển quang đãng không có gì che chắn, nó thoả sức tung hoành nên gió bão thổi tốc tác, có khi cuốn cát trắng mù mịt, thậm chí như bốc cát, xúc cát từ nơi này quẳng quật đến nơi kia. Lại còn thuỷ triều lên xuống, dòng nước chảy tác động nữa, vì vậy, hình dáng các đảo luôn bị thay đổi theo mùa cũng là điều dễ hiểu.

Ai cũng biết vất vả, gian khổ nhất vẫn là những người lính ở đảo chìm và nhà giàn DK1(còn gọi là Trạm KHKT và dịch vụ thềm lục địa phía Nam). Gọi là đảo chìm vì lúc nào cũng ngập dưới nước, chỉ khi thuỷ triều xuống các bãi đá san hô mới nhô lên, người ta cho xây nhà lâu bền, dự trữ vũ khí, đạn dược, và lương thực thực phẩm đủ dùng cho 3-6 tháng. Các đảo Cô Lin, Tiên Nữ, Núi Le, Đá Đông... đều đã được xây nhà kiên cố, lâu bền, nhưng xung quanh tứ bề là nước với bão gió. Nhà lâu bền ở đây cao như toà nhà 3 tầng, vậy mà khi gió bão sóng đánh vọt lên cả tầng cao nhất. Trừ bộ phận trực chiến ngày đêm, còn lại đều chui vào phòng đóng chặt cửa để bão gió khỏi cuốn xuống biển. Anh em lính đảo kể rằng: nước biển chảy qua khe cửa vào phòng ngủ, sáng ra đóng thành váng muối, lấy tay vun lại được hàng vốc.

Ở đảo chìm khó khăn lắm, vất vả nhiều, nhưng ở nhà dàn DK1 còn gian khổ hơn. Chân các nhà dàn DK1 là 4 cái cọc sắt đường kính khoảng 40cm giằng với nhau bằng các thanh sắt chữ L, cắm xuống đáy biển có độ sâu 10 - 20m. Sống ở đây thì cũng trên là trời, dưới là nước. Sàn nhà cách mặt biển hơn 10 m, độ cao này vẫn bị sóng lớn đánh vọt lên tận nơi. Tôi đã có mặt ở nhà dàn DK1-20, DK1-21 khu Ba Kè vào một buổi sáng đầu hè. Anh em ở đây rất yên tâm công tác. Họ có kể cho tôi nghe câu chuyện thương tâm trước đây: một đêm không trăng sao, trời tối đen như mực. Chập tối gió nổi lên. Nửa đêm gió giật mạnh. Gần sáng sóng lừng lững hết đợt này đến đợt khác xô vào nhà dàn DK1- 6 khu Phúc Nguyên. Khoảng 4 giờ sáng thì nó không chịu đựng nổi cơn sóng khổng lồ và bị đổ ụp xuống biển. 9 anh em cùng rơi theo xuống nước, 6 người kịp bám vào phao. Mưa chan. Bão giật. Sóng dồn. Bíu díu dìu nhau, không nghĩ là sống nổi. Một ngày đói, khát, mệt lả tưởng sắp chết thì đúng 6 giờ tối gặp tàu đi tìm kiếm vớt được; chỉ tiếc ba người đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi.

Bây giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này, đầu tôi vẫn phảng phất cơn say sóng ngày đi biển; vẫn hình dung ra người lính đảo hiên ngang giữa mùa bão tố phong ba. Và rất nhiều điều kỳ lạ, lý thú của đất nước, biển trời và con người quần đảo Trường Sa còn vang vọng mãi trong lòng tôi.


Theo Daidoanket