Tăng cường công tác phòng, chống dịch lợn tai xanh

13/04/2012 15:49

(Công điện số 16/CĐ-UBND, ngày 11/4/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An)


Theo thông báo của Cục Thú y, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch lợn tai xanh đã xảy ra trên địa bàn 43 xã, phường thuộc 10 huyện, thị của 3 tỉnh là: Lào Cai, Điện Biên và Yên Bái làm hơn 8,3 nghìn con lợn mắc bệnh, số lợn đã tiêu huỷ là 5.165 con.


Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các năm 2010 và 2011, dịch tai xanh đã xẩy ra ở diện rộng, dịch dây dưa kéo dài, làm hàng chục nghìn con lợn bị ốm, chết và buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.


Nguyên nhân chính để xảy ra dịch và lây lan rộng là do công tác giám sát, phát hiện và báo cáo dịch chậm, các địa phương không phát hiện, khai báo dịch kịp thời, có địa phương đã giấu dịch, lợn mắc bệnh không được tiêu hủy ngay, có nơi bán chạy, vận chuyển lợn bệnh đi nơi khác.


Để chủ động phòng, chống và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch lây lan, hạn chế thiệt hại do dịch tai xanh gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện; giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:


1. UBND cấp huyện:


- Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức về sự nguy hại của bệnh; vận động thực hiện: không giấu dịch, không mua bán lợn bệnh và sản phẩm của lợn bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không vận chuyển lợn bị bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác lợn bệnh chết bừa bãi. Vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.


- Họp BCĐ phòng chống dịch gia súc, gia cầm cấp huyện. Phân công các thành viên trong BCĐ phòng, chống dịch gia súc, gia cầm huyện phụ trách từng cụm xã để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng và chống dịch.


- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm ổ dịch. Chủ tịch UBND cấp huyện giao chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các bí thư, trưởng khối, xóm, thôn, bản, thú y cơ sở và các tổ chức đoàn thể tại cơ sở tăng cường công tác giám sát và phát hiện dịch bệnh.


Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo dịch hàng ngày từ UBND các xã lên huyện (qua trạm thú y), lên Sở NN&PTNT (qua Chi cục Thú y) để xử lý kịp thời khi dịch đang trong diện hẹp.


- Tập trung tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn của địa phương mình quản lý. Tuyệt đối không cho nhập lợn và sản phẩm của lợn từ các địa phương đang có dịch vào địa bàn. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp luật.


- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương hoàn thành tiêm phòng gia súc vụ xuân, tiêm phòng các loại vắc xin như: bệnh tụ huyết trùng, bệnh dịch tả, bệnh phó thương hàn; đặc biệt, tổ chức tiêm phòng vác xin dịch tả lợn được hỗ trợ theo Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.


Rà soát những đơn vị tiêm đạt tỷ lệ thấp để có biện pháp chỉ đạo nâng cao tỷ lệ tiêm phòng nhằm tăng sức đề kháng và giảm khả năng nhiễm trùng kế phát. Đồng thời tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn ngay sau khi kết thúc tiêm phòng vụ xuân năm 2012.


- Khi có ổ dịch xảy ra, áp dụng các biện pháp quyết liệt theo Quyết định số 80/2008/BNN-TY ngày 15/7/2008 của Bộ NN&PTNT ban hành Quy định phòng, chống hội chứng rối loại sinh sản và hô hấp ở lợn - bệnh tai xanh như: tiêu huỷ ngay lợn chết, lợn bệnh đối với ổ dịch đầu tiên bằng cách chôn, công bố dịch, thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, tạm thời dừng vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra ngoài nơi có dịch, sử dụng vắc xin tai xanh tiêm phòng bao vây ổ dịch, không để dịch lan rộng và lây lan sang các địa phương khác.


2. Sở Nông nghiệp & PTNT


- Phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tai xanh trên địa bàn tỉnh.


- Chỉ đạo Chi cục Thú y:


+ Tăng cường công tác phòng, chống dịch, kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào, ra địa bàn tỉnh. Xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển theo quy định của pháp luật.


+ Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hoá chất, vắc xin... để chủ động phòng chống dịch khi có dịch xảy ra.


3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh, Báo Nghệ An


Phối hợp chặt chẽ với ngành NN& PTNT tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tình hình dịch tai xanh và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động khai báo và hợp tác phòng, chống dịch.


4. Sở Tài chính


Phối hợp với Sở NN&PTNT chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ do dịch tai xanh theo đúng quy định hiện hành.


5. Các thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch gia súc, gia cầm các cấp


Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng dịch, kiên quyết không để dịch tai xanh lây lan ra diện rộng.


6. Công an tỉnh


- Phối hợp với các cơ quan: Thú y, Quản lý thị trường tăng cường lực lượng bổ sung cho các trạm kiểm dịch động vật, kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn từ vùng đang có dịch ra khỏi địa bàn tỉnh.


- Chỉ đạo công an huyện phối hợp với UBND các huyện nhằm ngăn chặn vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn từ vùng dịch tới các địa phương chưa có dịch.


Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các đơn vị cấp huyện, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.


Nếu huyện nào phát hiện và báo cáo dịch chậm, để dịch lây lan ra diện rộng, đồng chí chủ tịch UBND huyện đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.


Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, khó khăn, báo cáo về Sở NN& PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh giải quyết kịp thời.


KT. Chủ tịch

Phó Chủ tịch

Đinh Viết Hồng