Trang phục trong văn hóa lễ hội

10/03/2012 16:12

(Baonghean) Cùng với cờ, biển, trống hội thì lễ phục được coi là một phần không thể thiếu làm nên lễ hội. Nó giúp người ta phân biệt một đám đông náo nhiệt với lễ hội vốn diễn ra ở những chốn tôn nghiêm, mang màu sắc tâm linh.

Lễ phục thường thấy ngày nay ở các lễ hội vốn là trang phục truyền thống của những cộng đồng dân tộc khác nhau. Người Việt đi hội mặc áo the khăn xếp, nữ mặc áo dài, phụ nữ Thái đi hội mặc váy Thái, đội khăn piêu... Những trang phục hiện tại không hợp với cuộc sống thường ngày nữa, lâu lâu người ta đem mặc cho đỡ nhớ hay chỉ mặc khi có hội và thế là thành lễ phục.

Văn hóa lễ phục đi vào cuộc sống như một nhu cầu cần đến sự trang trọng trong ngày lễ. Từ đó, nó ăn sâu trong đời sống, tín ngưỡng. Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay với những cơ chế mới mẻ và thông thoáng trong rất nhiều lĩnh vực, kể cả việc người ta ăn mặc khi đi hội cũng “thoáng” hơn. Nhiều người đến với lễ hội chỉ để “cưỡi ngựa xem hoa”, việc ăn mặc trong ngày hội cũng đầy “ngẫu hứng”. Tại các lễ hội, chúng ta có thể bắt gặp tất cả các kiểu ăn mặc từ truyền thống đến những “mốt” tân thời. Chỉ có những người tham gia các lễ tế, lễ rước mới thấy xúng xính, thậm chí là ngượng ngùng trong sắc phục vốn đã xa xôi với cuộc sống ngày thường của họ!.


Đến với lễ hội là phải có thú vui. Khám phá những trò chơi dân gian, xưa nay vốn không thể thiếu trong các dịp lễ hội như đánh đu, đấu vật, múa sạp, ném còn... Những ai đã từng quen thuộc với những hình ảnh truyền thống các đô vật đóng khố lên xới vật trong tranh Đông Hồ, hay hiện thực hơn là cảnh thi đấu tại những hội vật truyền thống sẽ không khỏi cảm thấy “phản cảm” khi các “đô” diện quần đùi, quần bò, áo phông lên sới vật nhau ngã “phơi áo” trong một lễ hội ở tỉnh ta vừa mới kết thúc gần đây?! Cũng tại lễ hội này, người ta còn thấy những hình ảnh được ống kính phóng viên ghi lại hẳn hoi cảnh đôi trai gái diện quần bò chơi đánh đu... Những hình ảnh kiểu này phải nói là khá phổ biến trong các dịp lễ hội. Bởi người chơi hội luôn sẵn tâm lí vui là chính, không quan tâm nhiều đến trang phục trong những cuộc vui này...


Sự “lôm côm” trong trang phục lễ hội cũng như cách đi lễ hiện nay đang “có vấn đề”. Theo một nhà nghiên cứu cổ sử, nó nằm trong vòng quay của cái bánh xe lịch sử, ý rằng sẽ đến một thời điểm tình trạng này sẽ chấm dứt. Nghe điều này ai cũng biết đó là cách trấn an của những người quan tâm đến văn hóa lễ hội với nhau. Ừ, thì mai sau lễ hội sẽ đỡ phần phản cảm hơn. Nhưng mai sau là đến bao giờ?!


Hữu Vi