Nhạc sỹ Quang Thuận "Mỗi ca khúc là một nỗi lòng"

03/04/2012 14:45

(Baonghean) - Trong căn phòng nhỏ tràn ngập âm thanh của buổi chiều cuối Xuân, chúng tôi đã được nghe anh hát ca khúc đầu tay "Gửi mùa thu" da diết, nồng nàn, được sáng tác lúc anh đang là sinh viên Nhạc viện Hà Nội...


Năm 1970, cậu học trò 12 tuổi Quang Thuận một mình ra Thủ đô học hệ sơ cấp tại Nhạc viện Hà Nội. Thường trực trong anh lúc đó là nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, trường lớp cũ ở Vinh. Có những buổi học, anh ngồi thẫn thờ, không có một chữ nào vào đầu...




Nhưng rồi, niềm đam mê được viết nhạc để được trải lòng mình với âm nhạc đã nâng đỡ, chắp cánh cho Quang Thuận đi hết hệ sơ cấp, trung cấp, lên đến đại học Khoa biểu diễn giao hưởng Nhạc viện Hà Nội.


16 tuổi, Quang Thuận được chọn tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Lúc đó, anh đã là một cây kèn Cor chững chạc. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu, trong một chương trình lớn ở một khán phòng hoành tráng, cảm giác sung sướng, vinh dự xen lẫn hồi hộp, lo âu... Anh những tưởng mình không thể cầm nổi cây kèn lên để thổi. Nhưng khi người chỉ huy dàn nhạc ra hiệu, anh đã lấy lại bình tĩnh, cầm nhẹ nhàng cây kèn Cor - cây kèn đã gắn bó với anh suốt thời gian sinh viên, để say mê hòa cùng dàn nhạc.


Trong thời gian học tập ở Nhạc viện Hà Nội, Quang Thuận bắt đầu sáng tác ca khúc và nhạc khí. Ca khúc đầu tay của anh là một trải lòng về mùa thu Hà Nội. Mùa thu Hà Nội qua cảm nhận của chàng sinh viên Nghệ An vừa quyến rũ lại vừa hững hờ, ở đó có tình yêu đầu với bao thổn thức, nhớ thương, giận hờn, trách móc. Năm 1982, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng xuất sắc, anh được giữ lại trường làm giảng viên khoa giao hưởng và là thành viên chính thức của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Phía trước Quang Thuận là một tương lai rộng mở, đầy hứa hẹn.

Thế nhưng, năm 1983, anh quyết định về Nghệ An - một quyết định vô cùng khó khăn, bất ngờ cho biết bao đồng nghiệp, bạn bè, nhất là trong giới nghệ sỹ lúc bấy giờ. Thời điểm đó, một nghệ sỹ nhạc giao hưởng sống ở Thủ đô Hà Nội đã khó chứ chưa nói đến về một tỉnh lẻ miền Trung. Vậy mà, Quang Thuận vẫn quyết tâm chia tay Nhạc viện Hà Nội, chia tay với bao ước mơ, dự định còn dang dở, về Nghệ An làm lại từ đầu.


Quang Thuận từng chia sẻ: "Có khổ đau, có nước mắt, đắng cay mới có cảm xúc để viết nên những tác phẩm lắng đọng, đi vào lòng người. Về đầu quân cho dàn nhạc của Đoàn ca múa kịch Nghệ An, những ngày đầu, anh đã rất hụt hẫng. Vì quen biểu diễn trong một dàn nhạc lớn với những loại nhạc cụ hiện đại, còn ở đây, thiếu thốn trăm bề. Nhiều anh chị em đã phải bỏ nghề...".

Nhưng nghĩ đến quãng thời gian học tập vất vả tại Nhạc viện Hà Nội, nghĩ đến lời dặn dò của thầy cô, đồng nghiệp lúc anh quyết định xa Hà Nội, những tác phẩm nhạc khí của anh đã lần lượt ra đời, được lãnh đạo Đoàn chọn vào chương trình biểu diễn như "Về miền ví dặm" (Acapela tốp nữ), "Sắc Xuân bản làng" (kèn gỗ), "Khúc mùa thu" (tứ tấu kèn), "Gửi mùa thu xa" (tứ tấu đàn dây), "Hương Làng Sen" (hợp xướng)...

Những sáng tác của Quang Thuận đã góp phần giúp Đoàn giành nhiều giải thưởng lớn tại các hội diễn toàn quốc, khu vực. Năm 2010, nhạc sỹ Quang Thuận đạt giải Ba trong cuộc vận động sáng tác các ca khúc về Nghệ An. Năm 2011, giải Xuất sắc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam tại Liên hoan âm nhạc Bắc miền Trung với tác phẩm "Mắt biếc sông Lam", giải C Giải thưởng Hồ Xuân Hương, giải Ba cuộc vận động sáng tác ca khúc thanh niên Nghệ An... Những năm gần đây, với cương vị, trách nhiệm mới: Trưởng Đoàn ca múa kịch Nghệ An (nay là Đoàn ca múa dân tộc Nghệ An), vừa làm quản lý, vừa tham gia chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn, hòa âm phối khí, dàn dựng các chương trình lớn của Đoàn, anh vẫn không quên dành thời gian sáng tác ca khúc. Với anh, đó là dịp để "trải lòng mình" với công chúng yêu nhạc và với chính niềm đam mê mà bao năm anh vẫn đeo đuổi.


Thanh Thủy