Ngày hội ở ngã ba sông

12/02/2012 15:17

(Baonghean) Từ mấy năm nay, tôi chưa lúc nào lỗi hẹn với Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào. Mỗi khi qua Tết Nguyên tiêu, nhịp thời gian bắt đầu điểm vào hạ tuần tháng Giêng âm lịch, nghĩa là lúc mùa Xuân bắt đầu vào kỳ viên mãn, tôi lại sắm sửa hành trang và vượt hơn 200 km, tính từ Thành phố Vinh lên nơi ngã ba sông huyền thoại để được chia sẻ niềm vui ngày hội của những cư dân nơi thượng nguồn dòng Lam.

Vào thời điểm hạ tuần tháng Giêng này, trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra khá nhiều lễ hội, nhưng không hiểu sao tôi luôn dành một góc tâm linh để hướng về Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào. Phải chăng, về Cửa Rào trẩy hội là một chuyến du Xuân thú vị khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây rừng đang kỳ đâm chồi, nảy lộc và vẻ đẹp chân chất, hồn hậu cùng sự mến khách của con người miền sơn dã? Hay Cửa Rào là điểm khởi đầu của dòng sông Lam, một biểu tượng văn hóa và niềm tự hào của người dân xứ Nghệ nên có cái gì đó rất đỗi thiêng liêng? Có lẽ là cả hai, bởi sự linh thiêng, niềm vui và vẻ hồn nhiên của con người, cùng vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ của non nước, mây trời đã tạo nên nét riêng của Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào.



Lễ rước linh vị Đoàn Nhữ Hài và Tam tòa Thánh Mẫu

Đền Vạn tọa lạc ở một địa điểm khá đặc biệt. Đó là dải đất nơi ngã ba sông, chỗ hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ để thành dòng Lam xanh mượt và tháng ngày miệt mài bồi đắp phù sa cho những cánh đồng, đem lại sự no ấm cho người dân đất Nghệ. Vị trí này chính là di chỉ khảo cổ học Đồi Đền (thuộc xã Xá Lượng, Tương Dương), nơi các nhà khoa học từng phát hiện nhiều hiện vật (gồm công cụ sản xuất bằng đồ đá, vũ khí và trống đồng) có giá trị. Những hiện vật này được xác định thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay gần 4.000 năm lịch sử. Một số tài liệu chính sử khẳng định vùng đất Cửa Rào từng là điểm dừng chân của nhiều vị anh hùng dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước cũng như hành trình mở mang bờ cõi. Tiêu biểu như chiến công mở đường thượng đạo và bình định giặc Ai Lao của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (thời Lý); sự hy sinh anh dũng của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài (thời Trần) khi cùng Thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh lên vùng đất này dẹp giặc Ai Lao, giữ yên bờ cõi; Cửa Rào cũng là nơi dừng chân của Lê Lợi trong hành trình mở đường thượng đạo để tiến quân từ miền Tây Thanh Hóa vào Nghệ An để bình định giặc Minh xâm lược.

Còn nhớ, vào năm 2009, lần đầu tiên lên trẩy hội Đền Vạn - Cửa Rào, tôi được nghe ông Nguyễn Đình Ngũ (đã mất), người có công trông coi, chăm sóc đền trong vòng hơn 40 năm, cả những lúc mưa bom bão đạn kể về sự tích ngôi đền thiêng và Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào. Vào khoảng năm 1335, giặc Ai Lao tràn xuống quấy nhiễu vùng đất Nam Nhung (sau này gọi là phủ Tương, bao gồm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông ngày nay). Cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi vùng đất biên ải hàng ngày bị đe dọa. Trước tình thế đó, dù tuổi đã cao nhưng Thượng hoàng Trần Minh Tông vẫn quyết thân chinh cầm quân vào dải đất biên thùy miền Tây xứ Nghệ để dẹp giặc, giữ yên bờ cõi. Trần Minh Tông cử Đoàn Nhữ Hài lúc đó đang chỉ huy quân Thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức Kinh lược Địa sứ Nghệ An được làm Đốc tướng.

Trong một trận chiến diễn ra tại khu vực ngã ba sông, do sương mù dày đặc, thời tiết không thuận lợi nên vị Đốc tướng nhà Trần và nhiều quân sỹ triều đình bị hy sinh. Qua cơn binh lửa, cuộc sống trở lại thanh bình, người dân ấp Nam Nhung lập đền thờ tại dải đất nằm giữa ngã ba sông để tưởng nhớ công lao của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và binh sỹ nhà Trần đã hy sinh vì sự bình yên của cuộc sống vùng biên cương.

Sau này, nhân dân địa phương còn rước linh vị Tam Tòa Thánh Mẫu (một trong Tứ bất tử theo quan niệm dân gian) về phối thờ tại Đền Vạn - Cửa Rào. Thuyền bè xuôi ngược tất thảy chủ nhân và hành khách đều ghé vào dải đất giữa ngã ba sông và bước chân lên đền cầu xin các vị thần linh chở che để hành trình luôn được bình yên. Còn người dân nơi đây thay nhau quanh năm hương khói và tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân để ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân và giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ con cháu. Và rồi, ông Ngũ còn “khoe” với tôi rằng: “Trước Cách mạng tháng Tám, vua Bảo Đại từng đến vãn cảnh vùng ngã ba sông và lên Đền - Cửa Rào tế lễ. Nhiếp ảnh gia lừng danh Võ An Ninh cũng từng đến vùng đất này và chớp được những khoảnh khắc tuyệt đẹp”.



Ném còn, trò chơi truyền thống của đồng bào Thái

Chiếc cầu tre đơn sơ bắc qua dòng Nậm Mộ dẫn đoàn rước linh vị các thần từ bãi sông phía Quốc lộ 7A sang phía sân đền. Đoàn rước đi qua những cây cổ thụ nghìn năm tuổi soi bóng xuống dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ như những chứng nhân của lịch sử trước dòng chảy của thời gian.

Đoàn rước dừng lại trước sân đền. Khói hương nghi ngút và lan tỏa... Thay mặt toàn thể nhân dân địa phương, vị chủ tế xướng lên công đức của các vị thần linh và cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Rồi mỗi người thắp một nén hương thơm và nguyện cầu bình an, phúc lộc. Từ sân đền, trở lại chiếc cầu tre để về phía bãi sông Nậm Mộ, đây chính là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi. Nơi đây dập dìu sắc màu váy áo của các cô gái Thái, Mông và Khơ mú. Vẻ mặt ai cũng rạng ngời, hân hoan trong sắc Xuân tràn ngập. Tôi thích về với Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào một phần bởi sự hấp dẫn của câu lăm, câu xuối, điệu tơm và cự xia.

Tôi thật sự bị mê hoặc bởi tiếng khèn bè lúc trầm, lúc bổng, tiếng pí dạt dào như dòng suối mùa Xuân, và cả tiếng khèn réo rắt cùng những bước chân uyển chuyển trong điệu múa những chàng trai Mông. Bị quyến rũ bởi những vòng xòe nhịp nhàng cùng điệu lăm vông, lăm tơi. Rồi tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã hòa âm với tiếng rì rào của dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ và nhịp sống của núi rừng biên cương...

Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, tương ái của đồng bào các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Tương Dương. Cũng là dịp để bảo tồn bản sắc văn hóa. Bởi ngoài các làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc, lễ hội còn là “mảnh đất” của các trò chơi dân gian (ném còn, bắn nỏ, đua thuyền, đánh đu) và nơi để chữ Thái Lai Pao có dịp hồi sinh (qua phần thi viết chữ).

Năm trước, anh Hồ Mạnh Hà, cán bộ Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An nói với tôi: “Lễ hội Đền Cửa Rào về cơ bản đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, không có hiện tượng mê tín dị đoan và cờ bạc trá hình”.

Tiếng trống khai hội Đền Vạn - Cửa Rào đã sắp sửa vang lên. Lòng tôi đang xốn xang, rạo rực. Hành trang đã sẵn sàng, ngày mai tôi sẽ ngược phủ Tương, lên vùng đất ngã ba sông trẩy hội mùa Xuân...


Công Kiên