Tiếng chuông chùa trên đảo Song Tử Tây

17/04/2012 18:17

Đúng 6 giờ sáng, ngày 15/4/2012, trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, một trong những nơi xa nhất của Tổ quốc, đã vang lên tiếng chuông chùa. Buổi hành lễ đầu tiên của chư tăng chùa Song Tử Tây đã diễn ra trong không khí thiêng liêng và trang trọng. Tiếng chuông ngân vang như cầu nguyện an lành cho vùng biển “đầu sóng ngọn gió” và như thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Đã từ bao đời nay, ở đâu có người Việt thì ở đó có chùa của người Việt.

Cuộc sống của quân, dân trên đảo Song Tử Tây giờ đây đã thêm phần trọn vẹn khi được đón những vị sư đầu tiên từ đất liền ra hành đạo; đó là Thượng tọa Thích Tâm Hiện, Đại đức Thích Thanh Thành... Đây cũng là lần đầu tiên các vị chư tăng đến với quần đảo Trường Sa. Tuy đến từ hai ngôi chùa khác nhau trên đất liền, nhưng khi đến với Song Tử Tây, cả hai vị đều có chung một cảm xúc thiêng liêng và vinh dự khi đặt chân lên mảnh đất Việt Nam giữa muôn trùng biển cả. Cảm xúc ấy như được nhân đôi khi mà buổi hành lễ đầu tiên có mặt đầy đủ đại diện của UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện Hải quân nhân dân Việt Nam cùng đông đảo phật tử đến từ mọi miền của Tổ quốc cũng như chư tăng của các chùa khác trên quần đảo Trường Sa.



Buổi hành lễ đầu tiên tại chùa Song Tử Tây.

Tiếng tụng kinh vang lên giữa hương trầm như rút ngắn khoảng cách giữa đảo và đất liền. Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Tâm Hiện đã không giấu nổi xúc động trước sự quan tâm của đồng bào trong cả nước đã góp công, góp sức để xây dựng ngôi chùa mang đậm bản sắc Việt, vừa gần gũi như bất cứ ngôi chùa Việt Nam nào, vừa uy nghiêm tráng lệ giữa muôn trùng sóng nước. Trong buổi hành lễ đầu tiên, các vị chư tăng cùng cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cầu sự bình an của người dân trên đảo, cùng chung vai sát cánh với cả nước để giữ vững chủ quyền đất nước. Đó cũng là cách nhập thế đầy ý nghĩa của người hành đạo. Với 42 năm tu hành, có lẽ đây là chuyến đi nhiều ý nghĩa nhất, bởi như lời Thượng tọa: “Quốc thái thì dân mới an”. Đó là câu nói từ thời cha ông ta để lại, là sợi dây kết nối giữa đạo với đời của Phật giáo cũng như dân tộc Việt Nam. Ngay khi biết mình có vinh dự được trụ trì ngôi chùa tại Song Tử Tây, Thượng tọa tâm nguyện đến với vùng đất này, cùng với việc tu hành, Thượng tọa và Đại đức Thích Thanh Thành sẽ giúp các phật tử cùng hướng về đạo, cầu nguyện cho những anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh để gìn giữ biển đảo mà cha ông đã truyền lại. Đó không chỉ là trách nhiệm của từng người dân, mà còn là trách nhiệm của các vị chư tăng.

Cùng chung một xúc cảm với Thượng tọa, Đại đức Thích Thanh Thành với nét mặt rạng ngời, tâm sự, Đại đức đã rất xúc động bởi hình ảnh ngôi chùa đã vượt qua trí tưởng tượng của mình. Nhìn ngôi chùa khang trang được xây dựng bởi sự đoàn kết đóng góp của nhân dân cả nước, Đại đức như không còn thấy khoảng cách giữa đất liền và đảo xa. Đại đức hứa nguyện sẽ cùng Thượng tọa vững đạo tu giữa bốn bề sóng gió, cùng chung sức với cả nước giữ vững chủ quyền biển đảo thân yêu. Với người tu hành, càng ở nơi khó khăn gian khổ, thì càng tốt cho việc tu tập. Hơn nữa, việc làm từ thiện của nhà chùa không chỉ là từ thiện bằng vật chất, mà còn góp phần mang lại bình an, tâm sáng cho mỗi người dân trên đảo.

Dự sau buổi hành lễ đầu tiên tại chùa Song Tử Tây, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Chuẩn Đô đốc Trần Đình Xuyên đều bày tỏ cảm kích đối với quyết tâm của các chư tăng khi phát nguyện đến với quần đảo Trường Sa. Và tin tưởng, nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng, nhân dân cả nước nói chung sẽ tiếp tục góp phần để hoàn thiện các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa ngày một khang trang hơn. Đồng thời tin tưởng ngày càng có nhiều người dân Việt Nam có điều kiện đến thăm vùng đất xa xôi này của Tổ quốc.

Chiều cùng ngày, Thượng tọa Thích Tâm Hiện, Đại đức Thích Thanh Thành đã ra tận cầu cảng để tiễn Đoàn cán bộ, nhân dân trở về tàu, và tiễn các chư tăng còn lại tiếp tục cuộc hành trình về nơi tu tập ở những hòn đảo khác. Con tàu ngày càng lùi xa dần với Song Tử Tây, nhưng giữa biển xanh vẫn thấp thoáng mái chùa cong cong của người Việt. Mái chùa như che chở cho đời sống tâm linh của người Việt Nam, khẳng định tinh thần đoàn kết mạnh mẽ mà không một sức mạnh nào có thể phá vỡ.

Từ đây, dẫu Biển Đông có nhiều sóng gió, nhưng tiếng chuông chùa vẫn mãi ngân nga giữa biển, trời của người dân nước Việt.


Theo TTXVN