Thực thi Công ước trong khai thác và biện pháp quản lý bền vững tài nguyên thủy sản
+ Điều tra xác định nguồn lợi thủy sản và khả năng có thể đánh bắt:
- Đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi cá biển là nhiệm vụ quan trọng mà Công ước 1982 đặt ra cho các quốc gia ven biển. Ngay từ những năm 1960, nước ta đã hợp tác với Liên Xô, Trung Quốc điều tra nguồn lợi thủy sản trong khu vực Vịnh Bắc bộ. Sau 40 năm, chúng ta có 24 chương trình, đề tài nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản và 12 đề tài do các địa phương thực hiện. Trên cơ sở đó, chúng ta có bức tranh tổng thể về tài nguyên sinh vật biển Việt Nam khi xác định được thành phần loài, nhận dạng được các loài hải sản chính có giá trị thương mại với trên 2 ngàn loài cá, trong đó có khoảng 100 loài có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, nước ta đã xác định về cơ bản tình hình phân bố, mùa vụ tập trung của khoảng 150 loài hải sản là đối tượng khai thác thương mại chính của nghề cá biển nước ta; 12 bãi cá chính và 3 gò nổi, 4 ngư trường; xác định được 20 khu vực biển cần bảo vệ, 15 khu bảo tồn biển; bước đầu xác định được trữ lượng hải sản biển nước ta khoảng trên 4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác khoảng 1,7 triệu tấn; xác định các đối tượng quý hiếm, có giá trị, có nguy cơ cạn kiệt để hạn chế; các yếu tố môi trường tác động lên nguồn hải sản và các nguyên nhân làm giảm; xác định một số nghề khai thác chọn lựa nhằm khai thác bền vững nguồn lợi hải sản...
+ Các biện pháp quản lý bền vững tài nguyên thủy sản:
- Để đáp ứng yêu cầu Công ước cũng như vì sự phát triển của nền kinh tế, ngành Thủy sản trước đây, và nay là ngành Nông nghiệp đã xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Thủy sản theo hướng giảm dần sản lượng khai thác gần bờ; phân bổ hợp lý sản lượng khai thác trên từng vùng biển, độ sâu; thực hiện chiến lược phát triển bền vững bằng cách tăng cường du nhập các loại nghề tiến bộ, khai thác các đối tượng thủy sản có lựa chọn; áp dụng công nghệ sản xuất nhiều loại giống nhân tạo; tăng cường kiểm soát việc sử dụng các loại thức ăn, thuốc phòng ngừa dịch bệnh; xây dựng các khu bảo tồn biển...
- Bên cạnh Tổ chức Hiệp hội quản lý nghề cá, năm 2004, nước ta đã ban hành Luật Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thay cho Pháp lệnh năm 1989 để bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bảo tồn và tái tạo các nguồn lợi thủy sản, tổ chức cấp giấy phép khai thác thủy sản và điều kiện cấp giấy phép khai thác; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khoanh vùng đánh bắt và phân vùng đa dạng sinh học; nâng cao năng lực khai thác và phát triển bền vững; tăng cường kiểm tra, thanh tra đảm bảo thực thi pháp luật nghề cá, xử lý nghiêm tình trạng dùng thuốc nổ công khai trong khai thác hải sản; đấu tranh chống nạn đánh bắt cá phi pháp của tàu cá nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản.
(còn nữa)
Phòng Bạn đọc