Cần trả lại đúng tên đường
(Baonghean)- Chúng tôi ngạc nhiên khi bắt gặp biển tên đường phố lạ: Lệ Ninh. Tuyến đường này thuộc địa phận phường Lê Lợi, phường Đông Vĩnh và xã Hưng Đông, điểm đầu là cổng ga Vinh, cuối là ngã tư Quán Bánh, giao nhau với đường Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu, dài 3.000m, mặt đường rộng 16m. Cả một dãy phố, tên các nhà hàng, doanh nghiệp đều ghi tên đường Lệ Ninh.
Thậm chí có cả một nhà hàng ngay trước mặt tiền ga Vinh cũng lấy tên là Lệ Ninh. Ngay cả trên bản đồ trực tuyến TP. Vinh cũng ghi tên đường Lệ Ninh. Chúng tôi có hỏi một số người dân và người lái xe taxi về nhân vật được đặt tên đường, nhưng ai cũng lắc đầu "không biết, không để ý". Trong lịch sử dân tộc và nhân loại không có tên danh nhân Lệ Ninh. Lệ Ninh là tên một huyện thuộc tỉnh Bình Trị Thiên cũ, nay cũng không còn, nên không có lý do gì để lấy tên ấy đặt cho một đường phố ở Vinh. Theo sách "Tên đường TP Vinh" do UBND Tp Vinh phối hợp với Sở VHTT biên soạn, NXB Nghệ An 2004, trang 77, thì tên chính thức của con đường này là Lê Ninh. Vậy Lê Ninh là ai?
Tên đường là Lê Ninh song biển chỉ dẫn tên lại viết thành Lệ Ninh
Lê Ninh - còn gọi là cậu ấm Ninh hay Bang Ninh, sinh năm 1857 ở làng Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh, là người đầu tiên ở Nghệ Tĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ứng chiếu Cần Vương của hoàng đế Hàm Nghi; cha là Lê Duy Khanh từng làm Bố chánh Bình Định. 17 tuổi, Lê Ninh đã tham gia phong trào đấu tranh của Trần Tấn và Đặng Như Mai chống lại hòa ước Giáp Tuất (1874). Cuộc đấu tranh thất bại, Lê Ninh bị giặc bắt giam gần một năm. Ngày 13/7/1885, tại sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị), vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương lần thứ nhất, Lê Ninh đã ứng chiếu, dựng cờ khởi nghĩa tại làng Trung Lễ. Người dân quanh vùng tham gia rất đông.
Lê Ninh còn về quê vợ ở làng Phù Long, Hưng Nguyên, Nghệ An tuyển hai vệ quân. Lê Ninh đã cho xây dựng làng Trung Lễ thành một căn cứ kháng chiến (còn gọi là Đại Đồn, sau trở thành Lễ Thứ, một trong 15 quân thứ của nghĩa quân Phan Đình Phùng). Ngày 2 tháng 10 năm Ất Dậu (5/11/1885), Lê Ninh chỉ huy nghĩa quân cấp tốc hành quân vào hạ thành Hà Tĩnh, bắt sống Bố chánh Lê Đại và án sát Trịnh Bưu. Vua Hàm Nghi khen ngợi chiến công của nghĩa quân, phong Lê Ninh làm Bang biện Quân vụ, phụ tá cho Phan Đình Phùng.
Đầu năm 1886, Lê Ninh đánh đồn Dương Liễu (
Tương tự tên đường Lê Nin, hiện nay trên địa bàn TP. Vinh còn nhiều tên đường phố đặt biển sai nhưng vẫn để rất lâu không sửa như: Hồ Hán Thương viết thành Hồ Hán Thượng, Nguyễn Thức Tự thành Nguyễn Thức Tư, Trần Thủ Độ thành Trần Thủ Đô... Hoặc tại đường Phong Định Cảng, có không ít biển hiệu của các cửa hàng vẫn ghi sai thành Phong Đình Cảng.
Chúng ta dùng tên danh nhân đặt tên đường phố là để tôn vinh danh nhân, tôn vinh lịch sử, nhưng viết tên sai lạc, cả dãy phố đều sai, rồi người dân trên chính đường phố ấy không hiểu gì về danh nhân thì "thương nhau như thế bằng mười phụ nhau". Viết, hiểu đúng tên các danh nhân được đặt tên cho đường phố là thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử.