Lễ hội đền Cuông: Tìm về cội nguồn
(Baonghean) - Hàng năm, vào mùa Xuân (từ ngày 12- 15/2 âm lịch), đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn huyện Diễn Châu lại nô nức về đền Cuông trẩy hội, tưởng nhớ công lao to lớn của Thục An Dương Vương, người đã có công cùng nhân dân đánh Tần đuổi Triệu, giành độc lập tự do cho dân tộc. Mở đầu cho trang sử vàng truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
An Dương Vương có tên là Thục Phán, là con cháu của 18 đời vua Hùng, là người có sức khoẻ phi thường, thông minh, mưu lược. Thục Phán đã có công lớn trong việc đoàn kết các bộ lạc phía Bắc nước ta, đoàn kết được các tướng giỏi và toàn thể nhân dân đánh tan quân xâm lược nhà Tần.
Trong lễ khải hoàn ca, Thục Phán được tôn vinh lên ngôi vua, hiệu là An Dương Vương và đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì được 50 năm (từ năm 257 đến 208 TCN). Dưới thời An Dương Vương, đất nước ta phát triển về nhiều mặt, đặc biệt có bước tiến mới trong sản xuất lúa nước và quốc phòng. An Dương Vương đã cho xây thành Cổ Loa xoáy hình trôn ốc, ngoài thành là con sông Đào nối các nhánh sông Hồng ngày đêm thuyền chiến tuần tra nghiêm ngặt. Đặc biệt, đã chế tạo ra loại nỏ rất linh nghiệm, bắn một phát diệt nhiều tên địch (gọi là nỏ thần).
Lễ rước kiệu từ đền Xuân Ái về đền Cuông. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Lúc bấy giờ, ở phương Bắc, cha con Triệu Đà không khuất phục nhà nước phong kiến Trung Quốc và nổi dậy cát cứ xưng vương ở phía Đông Nam. Với âm mưu bành trướng mở mang bờ cõi, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân xâm lược Âu Lạc. Nhưng An Dương Vương có thành cao, hào sâu, có binh hùng, tướng mạnh, có vũ khí lợi hại nên đã nhiều lần đánh tan quân xâm lược Triệu Đà. Không thể chiến thắng Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự, Triệu Đà đã gian xảo dùng kế mưu hoà, kết tình thông gia và cho con trai là Trọng Thuỷ lấy công chúa Mỵ Châu chờ thời cơ thôn tính Âu Lạc. An Dương Vương có ngờ đâu chính tình yêu đôi lứa và hạnh phúc của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ và thủ đoạn đê hèn của Triệu Đà dẫn đến quốc hoạ khôn lường cho Âu Lạc.
Năm 208 TCN, Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân bất ngờ tấn công, phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc núi Mộ Dạ, nay thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Để tưởng nhớ công ơn của Thục An Dương Vương, nhân dân Diễn Châu đã lập đền thờ ở đỉnh núi Mộ Dạ và hàng năm tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về tham dự.
Lễ hội đền Cuông đã trở thành nếp sống sinh hoạt không thể thiếu của người dân Diễn Châu, người dân Nghệ An và du khách thập phương. Đến hẹn lại lên, hàng năm từ ngày 12- 15/2 âm lịch, các hoạt động lễ hội diễn ra. Lễ hội đền Cuông năm nay được huyện Diễn Châu chuẩn bị ngay từ đầu tháng 1 âm lịch. Các xã đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp và treo băng rôn, khẩu hiệu "Chào mừng Lễ hội đền Cuông 2012" ngay từ trung tuần tháng 2. Hiện, truyền thanh 39 xã, thị trấn liên tục tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về cội nguồn Lễ hội đền Cuông. Vận động viên các xã cùng với học sinh trung học phổ thông của các trường học cụm phía Nam đến nay đã cơ bản phần tập luyện chương trình võ thuật tham gia biểu diễn carate, võ cổ truyền... phục vụ trong những ngày lễ hội.
Về với Lễ hội đền Cuông, du khách không những được thưởng thức các phần lễ trang nghiêm, thành kính trước anh linh của Thục An Dương Vương và các vị thần linh mang đậm đà bản sắc dân tộc của đất biển Diễn Châu, mà còn được hòa vào không khí tưng bừng lễ hội với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hoá, thể dục thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: chọi gà, đu quay, kéo co, trò chơi u...
Đặc biệt, được thả hồn theo các điệu hát của câu lạc bộ Ca trù, Câu lạc bộ Thơ, đàn hát dân ca; chiêm ngưỡng người đẹp đền Cuông với vẻ đẹp mặn mà của đất biển Diễn Châu... Lễ hội đền Cuông còn là dịp để du khách thăm Cửa Hiền- Hồ Xuân Dương, Khu khu dịch biển Diễn Thành, chùa Cổ Am - hồ Linh Sơn - lèn Hai Vai soi bóng dưới sông Bùng thơ mộng. Đến với các di tích danh thắng trên địa bàn Diễn Châu, nơi có lịch sử hơn 1.380 năm văn hiến, để rồi cùng nhau suy ngẫm và nhắc nhau hãy giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá.
Về với đền Cuông là dịp để đồng bào các miền xuôi - ngược, nông thôn, miền biển gặp gỡ, giao lưu cùng nhau, khoe tài các nét văn hoá truyền thống của mỗi địa phương, đặc biệt cùng ôn lại lịch sử truyền thống của cha ông, cùng cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, trời yên biển lặng, cá tôm đầy khoang, xóm làng yên vui, nhà nhà hạnh phúc, ấm no.
Thu Hương