Nơi nuôi dưỡng mạch nguồn dân ca

26/04/2012 18:39

(Baonghean) - Để bảo tồn, phát huy dân ca xứ Nghệ, năm 1996, Đài PTTH tỉnh phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức chương trình "Dạy hát dân ca trên sóng truyền thanh" và năm 2007, dự án "Sân khấu học đường" được đưa vào thử nghiệm. Đặc biệt, từ năm 2009, hưởng ứng phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", hoạt động đưa dân ca vào trường học được triển khai rộng rãi, trở thành hoạt động bổ ích và cuốn hút sự tham gia nhiệt tình của học sinh.



Tiết mục dân ca của học sinh Trường Tiểu học Văn Sơn (Đô Lương)

Từ nhiều năm nay, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã tổ chức thực hiện hoạt động đưa dân ca vào giảng dạy thông qua hình thức các CLB học hát dân ca, tổ chức hội diễn liên hoan tiếng hát dân ca. Từ việc tổ chức thi và sinh hoạt Câu lạc bộ dân ca, ban văn nghệ nhà trường đã phát hiện ra nhiều học sinh có năng khiếu đặc biệt. Trong các cuộc thi giọng hát học sinh, sinh viên toàn quốc, có nhiều em đạt giải cao và từng xuất hiện nhiều trên chương trình truyền hình trung ương và địa phương. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với Đài truyền hình trực tiếp thu, phát liên tục trên sóng Đài truyền hình, dựng đĩa làm đồ dùng dạy học đã tạo nên ấn tượng sâu sắc đối với học trò, bồi đắp tâm hồn, giúp các em học tốt hơn các môn xã hội, đặc biệt là chương trình văn học dân gian.

Đã thành nề nếp, vào giờ ra chơi giữa các tiết học, học sinh trường THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu) được nghe những làn điệu dân ca xứ Nghệ mượt mà từ những chiếc đĩa CD thu âm hoặc từ chính giọng hát trong trẻo của bạn bè, thầy cô trong trường thể hiện. Thông qua những tiết học nhạc, các em được tìm hiểu về dân ca qua bài giảng, qua các câu đố vui. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các hội thi, hội diễn tôn vinh vẻ đẹp của các làn điệu dân ca. Phát động giáo viên, học sinh thi sáng tác và cải biên các làn điệu dân ca. Những làn điệu do các em sáng tác được giáo viên bộ môn sửa lại lời, phổ nhạc, tập luyện cho các em. Nhờ đó, phong trào dạy và hát dân ca trong nhà trường được học sinh hưởng ứng tích cực.

Không chỉ trường THCS Hồ Xuân Hương mà bắt đầu từ năm học 2008-2009, ngành Giáo dục Quỳnh Lưu đẩy mạnh việc đưa dân ca vào trường học đến tất cả các trường. Đặc biệt, chương trình "Liên hoan khúc hát dân ca và vũ điệu Aerobic" được Huyện đoàn tổ chức hàng năm tạo cho các em sân chơi thể hiện năng khiếu dân ca của mình, qua đó nuôi dưỡng, phát triển và khơi dậy niềm đam mê, ý thức phát huy gìn giữ.

Thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", những năm qua, Ngành Giáo dục tăng cường công tác dạy và hát dân ca trong các nhà trường, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm. Chương trình dạy học dân ca được lồng ghép trong các tiết học nhạc, qua hình thức sinh hoạt CLB Văn học dân gian, CLB dân ca, nhóm hát dân ca; đồng thời quy định trong các chương trình văn nghệ của trường, của ngành tổ chức mỗi đội có ít nhất một tiết mục dân ca. Đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc đưa dân ca vào trường học, một số địa phương làm tốt như: Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương...

Tuy nhiên, hiện nay, số giáo viên âm nhạc có niềm đam mê, tâm huyết với dân ca để "truyền lửa" cho học sinh không nhiều. Bên cạnh đó, môi trường để các em thể hiện niềm đam mê, khả năng biểu diễn, khả năng cảm thụ về dân ca còn hạn chế, bó hẹp. Các trường chưa có sự quan tâm, đầu tư về việc đưa dân ca vào trường học, chỉ tiến hành một cách chiếu lệ mà không quan tâm đến hiệu quả.

Việc đưa dân ca vào trường học sẽ góp phần định hướng thẩm mỹ, bồi đắp tâm hồn cho học sinh, qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Khi thực hiện dự án "Âm nhạc học đường" của UNESCO tài trợ, Giáo sư Trần Văn Khê đã phải thốt lên: "... Tôi rất xúc động và hiểu một điều rằng, âm nhạc truyền thống của dân tộc không bao giờ bị lớp trẻ quay lưng, nếu chúng ta biết cách truyền cho họ ngọn lửa của tình yêu và sự hiểu biết...". Làm thế nào để học sinh không quay lưng với dân ca, đó là trách nhiệm của các ngành hữu quan, mà trực tiếp chính là mỗi thầy, cô giáo, mỗi nhà trường.


Duy Nam