Bài 2: Khi đảng viên đi trước

23/03/2012 16:54

Xem Bài 1: Đổi thay ở Giáo họ Đồng Trấm


Trước những đồi trọc hoang tàn đầy cỏ dại, những con đường chật hẹp sình lầy, cùng với tâm lý "an phận" của người dân, Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định "không thể trông chờ, ỷ lại" mà phải tự lực vươn lên tìm hướng thoát nghèo. Sau những băn khoăn, trăn trở, phát huy trí tuệ tập thể, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây chè công nghiệp lên đất Hùng sơn đã được xác định. Ý Đảng đã có và đã trở thành nghị quyết, nhưng làm thế nào để lòng dân thông tỏ lại là một bài toán khó.

Với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", chính quyền địa phương đã vận động cán bộ, đảng viên từ xã đến xóm đi tiên phong nhận đất trồng chè. Ban đầu nhỏ lẻ vài ha, sau đó nâng lên vài chục, vài trăm ha. Khi thấy những rãnh chè, đồi chè tươi tốt thì người dân đã hiểu đất quê mình không cằn cỗi rất hợp với cây chè.

Vậy là họ đua nhau nhận đất nhận rừng để trồng chè công nghiệp. Chúng tôi được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trần Đức Châu gợi ý dẫn đi một vòng xem những đồi chè và keo nguyên liệu rộng gần 1.000 ha chạy dọc theo vành đai dài 20 km bao quanh xã mà ông gọi là "vành đai ấm no". Nhìn những đồi chè xanh mút mắt, mấy ai biết được những bước chân nhọc nhằn của người đầu tiên khai hoang.

Bí thư Châu lúc đó là Chủ tịch xã đã phải cùng anh em cán bộ xã tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc khai hoang trồng chè. Đội ngũ cán bộ xã còn nhắc lại câu nói nửa đùa, nửa thật của ông Châu lúc đó: "Cán bộ hưởng lương Nhà nước, nếu không làm chè thì đề nghị các đồng chí tự viết đơn xin nghỉ việc". Tại "vành đai ấm no", chúng tôi còn được "mục kích sở thị" cơ ngơi rộng lớn của vị bí thư nông dân gồm 1,8 ha chè, 7 ha keo, 3 ha song mây, ngoài ra còn có ao cá, trâu bò và cây lương thực.

Sau bao năm trằn mình với rừng hoang đồi trọc, khai hoang canh tác, đắp đập giữ nước... giờ đây, thu nhập từ chè công nghiệp cho gia đình ông một cuộc sống khá sung túc, ấm no, 3 người con đều học lên tới đại học. Lau vội mồ hồi trên mặt vã ra giữa cái nắng trưa, ông cho biết: "Lúc đầu mới triển khai trồng chè, bà con còn nghi ngại về sự thành công. Mình là cán bộ phải làm trước, thấy hiệu quả bà con mới làm theo. Vui nhất là giờ đây, bà con ai cũng gắn với chè. Cuộc sống được cải thiện nhiều".


Một vị "tướng tiên phong" khác ở Hùng Sơn cũng nổi tiếng không kém là Chủ tịch xã Võ Văn Hiền. Gia đình ông Hiền cũng đang sở hữu 0,3 ha cây song mây, 1,5 ha chè và 3 ha keo. Ông tâm sự: "Tui nói với anh em, nếu thất bại thì cán bộ thất bại chứ đừng để nhân dân thất bại. Nói chung là cán bộ phải tiên phong làm trước. Ngay cả việc mở rộng diện tích trồng chè hay đưa cây song mây vào trồng thì cán bộ cũng phải lăn vào nhận trước, chè của cán bộ và gia đình cán bộ phải tốt hơn, năng suất cao hơn, có vậy dân mới tin, mới làm theo...". Nhiều năm gắn bó với cây chè, giờ đây Hùng Sơn đã có 427,6 ha chè công nghiệp, sản lượng chè búp năm vừa rồi đạt 2.800 tấn, đưa về thu nhập 8,4 tỷ đồng cho bà con nông dân.

Ngoài ra, toàn xã có 513 ha rừng keo nguyên liệu giấy, đã khai thác thu hoạch trị giá gần 6 tỷ đồng. Cái hay, cái sáng tạo của chính quyền xã ở đây chính là việc đã tìm ra phương pháp chăm sóc để cây chè phát triển bền vững, cho năng suất chất lượng nhưng lại giảm chi phí đầu vào cho người trồng chè địa phương. Để làm được điều này, cấp ủy, chính quyền đã chủ động phối hợp với Xí nghiệp chè Hùng Sơn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trích kinh phí hỗ trợ cho người dân sản xuất phân hữu cơ sinh học theo từng hộ gia đình; phân công đảng viên trực tiếp "cầm tay, chỉ việc" hướng dẫn các hộ dân tận dụng phế phẩm nông nghiệp tự sản xuất phân vi sinh và chè giống để ươm, không phải mua bên ngoài.

Từ vài ba hộ, đến nay toàn xã đã có 140 hộ làm phân vi sinh, sản xuất được trên 350 tấn, trị giá 700 triệu đồng. Phân vi sinh không chỉ dùng bón cho cây chè mà còn đủ bón cho các loại cây lương thực. Những ốc chọ, ao hồ cũng được tận dụng "triệt để" mùa nước rút thì trồng lúa, mùa nước dâng thì nuôi cá, đồng thời giữ nước để giữ ẩm cho cây chè.


Cùng với phát triển chè công nghiệp, Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ huyện Anh Sơn "Về việc vận động nông dân tiếp tục chuyển đổi ruộng đất" thực sự tạo động lực cho "cuộc cách mạng dồn điền, đổi thửa" tại Hùng Sơn. Diện tích đất bãi phía triền sông Lam vốn nhỏ hẹp, lại bị chia nhỏ thành nhiều mảnh khiến hiệu quả canh tác không cao. Vì vậy, muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì trước hết phải làm tốt công tác "dồn điền đổi thửa". Cái được ở đây là trong công tác quy hoạch, xã xác định rõ và sớm vùng nào phù hợp với trồng cây gì và lợi ích đem lại sau chuyển đổi. Những thắc mắc của bà con được giải thích cặn kẽ, thông suốt trên tinh thần dân chủ, đảm bảo công khai, Xã cũng chủ trương nhường phần đất tốt cho bà con, còn phần đất xấu xã nhận quản lý... Nhờ vậy, công tác dồn điền đổi thửa ở Hùng Sơn đã về đích trước kế hoạch 6 tháng. Số thửa đất nông nghiệp bình quân giảm từ 5,6 thửa/hộ xuống còn 1,8 thửa/hộ, giảm 2.324 thửa. Toàn bộ tuyến đường giao thông nội đồng dài 14 km đã được quy hoạch, tu sửa và làm mới, khẩu độ đường mở rộng từ 6 - 10m, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong sản xuất.


Ông Thái Doãn Hữu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Anh Sơn cho biết: Sự đổi thay mạnh mẽ ở Hùng Sơn là do cấp ủy đảng, chính quyền quyết tâm rất cao, người dân lương- giáo đồng thuận trong việc chuyển đổi, phát triển kinh tế tại địa phương. Điều quan trọng không chỉ dừng lại ở việc cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu "nói thật, làm thật", mà cái chính họ cũng là người trực tiếp tham gia sản xuất nên sâu sát, gần dân, hiểu dân, mộc mạc trong từng lời nói và hành động.

Toàn bộ BCH Đảng bộ có 11 người thì cả 11 người đều tham gia trồng chè. Ngoài giờ làm việc, họ là những người nông dân trên đồi chè, dưới nương bãi nên cán bộ với dân gần như không có khoảng cách. Ngoài sự năng động, sáng tạo, cấp ủy, chính quyền Hùng Sơn cũng vận dụng tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để làm lợi cho dân. Ví dụ như về chủ trương của Nhà nước hỗ trợ cải tạo ao hồ đập nhỏ, toàn huyện có 21 xã, thị trấn nhưng chỉ duy nhất có mỗi Hùng Sơn thực hiện được chính sách này. Nhờ vậy, toàn xã đã cải tạo 51 ao hồ với mức hỗ trợ từ 18 - 20 triệu đồng vừa phát triển kinh tế vừa có nguồn nước tưới cho vùng chè nguyên liệu... Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo trên địa bàn cũng được quan tâm thực hiện nên tạo được sự đồng tâm, hiệp lực giữa chính quyền và nhân dân, nhất là đồng bào vùng giáo.

Điều này đã được minh chứng, bởi khi chúng tôi rời khỏi Hùng Sơn bà con giáo dân Giáo họ Đồng Trấm phấn khởi mời quay lại để dự lễ khánh thành nhà thờ giáo họ đã được chính quyền quan tâm cấp phép xây dựng. Có nhà thờ ngay trên địa bàn, bà con giáo dân Đồng Trấm không phải vất vả qua sông, qua đò đi lễ nhà thờ ở Đức Sơn và Tường Sơn như trước đây nữa. Rồi đây, cây cầu Đò Ràng bắc qua dòng Lam nối Hùng Sơn với bờ bên kia cũng sẽ được hoàn thành, vĩnh viễn chấm dứt thế "ốc đảo" của vùng đất này. Với sự nỗ lực, đồng sức đồng lòng của bà con lương - giáo và chính quyền ở nơi đây, tin rằng Hùng Sơn sẽ tiếp tục có sự bứt phá lớn mạnh hơn nữa.


Thành Duy - Khánh Ly