Phòng trừ bệnh đốm trắng ở tôm

11/04/2012 18:20

(Baonghean) Những năm gần đây, bệnh đốm trắng thường xuyên xuất hiện tại các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh của tỉnh ta, tỷ lệ chết có thể lên tới 100% trong vòng 3-5 ngày. Bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa (giữa mùa mưa hoặc cuối mùa mưa -đầu mùa khô), khi tôm nuôi được khoảng 45-60 ngày tuổi. Tuy nhiên, việc phòng bệnh phải tiến hành ngay từ khâu chọn giống và cải tạo ao đầm trước khi thả tôm.


Nguyên nhân gây bệnh:


Vùng đất có kết cấu và tính chất không phù hợp cho hệ thống ao nuôi; không đủ nước thay khi ao bị bẩn hay xử lý hóa chất cần thay nước, hệ thống kênh thoát không tốt, gây nhiễm bẩn cho khu nuôi.... Ngoài ra, các yếu tố kỹ thuật cũng có thể làm tôm bị bệnh, như: Không gây màu nước đạt yêu cầu dẫn đến tôm thiếu thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu vụ nuôi; Quản lý chất lượng nuớc ao không tốt, quản lý thức ăn không hợp lý gây ô nhiễm ao nuôi. Đặc biệt, chất lượng con giống cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng làm phát sinh dịch bệnh, bà con nhất thiết không chọn con giống kém chất lượng hoặc mang mầm bệnh, đặc biệt là các mầm bệnh virus nguy hiểm như đốm trắng, vừa làm cho vụ nuôi bị thất bại, vừa ảnh hưởng lớn trong việc lây lan các mầm bệnh nguy hiểm cho ao nuôi và vùng nuôi ở các vụ sau.


Một số biện pháp phòng, trừ bệnh:


Ngoài các biện pháp kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, thả giống theo khuyến cáo, các cơ sở nuôi cần thực hiện "ba không" và "ba có" trong khâu cải tạo ao đầm cũng như trong toàn bộ quá trình nuôi:


"Ba không": Không dùng thuốc diệt giáp xác, cá tạp, ốc, rong, tảo trong ao nuôi bằng thuốc trừ sâu, hóa chất có nguồn gốc từ thuốc BVTV; không thả nuôi tôm giống không có nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra chất lượng và xét nghiệm các bệnh bắt buộc; không được xả nước, bùn trong ao nuôi trực tiếp ra bên ngoài khi chưa được xử lý.


"Ba có": Phải có ao lắng và nơi xử lý nước thải, bùn trước khi đưa ra môi trường bên ngoài; phải áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt, như: Viet GAP, Global GAP;phải tham gia vào thành viên của hợp tác xã, hiệp hội, cộng đồng nuôi... để tương trợ nhau trong sản xuất.


P.H (tổng hợp)