Dồn điền đổi thửa: Cách làm ở xóm 12- Quỳnh Hoa - Quỳnh Lưu
(Baonghean.vn) - Chúng tôi về xóm 12 (xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu) khi lúa vụ xuân vừa cấy xong đang thời kỳ bén rễ, cái úa vàng của mạ đang chuyển dần sang màu non tơ của lúa thời kỳ mới bén. Nhìn những chân ruộng liền bờ liền khoảnh trải rộng ngút tầm nhìn lòng không khỏi trầm trồ, đối chứng với những chân ruộng manh mún của những xóm khác ”bờ nhiều hơn ruộng”.
Cũng cần nói thêm rằng, Quỳnh Hoa là xã đã không hoàn thành chỉ tiêu chuyển đổi ruộng đất lần thứ 2 của Quỳnh Lưu. Qua tìm hiểu, một cán bộ xã đưa ra lý do mà xã không hoàn thành chỉ tiêu chuyển đổi đợt hai là vì điều kiện tự nhiên. Xã ở cuối nguồn nước nên điều kiện tưới tiêu không chủ động, điạ hình phức tạp, vừa có vùng trũng lại vừa có vùng cao, tâm lý bà con ngại quy về một mối, khi mất mùa xem như trắng tay… Từ những lý do đó mà chúng tôi tìm về xóm 12- địa phương duy nhất của xã Quỳnh Hoa vượt qua khó khăn để hoàn thành việc dồn điền đổi thửa lần hai.
Dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện đưa cơ giới vào nông nghiệp
Theo ông Hồ Văn Lợi, Bí thư chi bộ xóm thì việc dồn điền đổi thửa tại xóm 12 bắt đầu từ năm 2003, sau khi tiếp thu chủ trương dồn điền của tỉnh, hai ông Trung, Lâm đề xuất với xóm cho được đổi những mảnh ruộng tốt nhưng manh mún ở rải rác khắp nơi để lấy chân ruộng cao cưỡng nhưng được tập trung một chỗ. Có được một thửa ruộng lớn trong tay, hai ông bắt đầu quy hoạch thuê máy móc về san gạt cải tạo đồng ruộng. Chỗ thấp trũng quy hoạch làm ao nuôi cá, chỗ bằng phẳng cấy lúa, đắp bờ giữ được nước nên chủ động trong mùa vụ. Sau một vài vụ làm ăn có hiệu quả, cách làm của hai hộ được 14 hộ khác học tập. Sau khi xin phép xóm, họ tự đổi cho nhau, những thửa ruộng “bờ xôi” được trao đổi cho nhau, 14 hộ tập trung về cánh đồng cao, họ cùng nhau thuê máy móc về đắp bờ, san ủi đồng ruộng… biến vùng đất cao cưỡng, chưa nắng đã hạn thành vùng đất mỗi năm hai vụ lúa một vụ cá chắc ăn. Từ nơi khó khăn thành nơi thuận lợi, mọi người đều thấy rõ hiệu quả của việc chuyển đổi ruộng đất.
Từ hiệu quả của những đợt chuyển đổi trước, năm 2008 khi xã có chủ trương chuyển đổi, xóm 12 lại hăng hái vào cuộc. Chi bộ xóm họp ra nghị quyết, đưa ra họp dân công khai bàn bạc. Với chủ trương thuận canh thuận cư, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; Ưu tiên cho hộ có nhiều khẩu lên vùng cao, vùng sâu trũng… Những hộ không đủ khẩu tự ghép với nhau để được nhận thửa lớn, đủ điều kiện đưa máy móc vào canh tác.
Để khuyến khích bà con nhận những chân ruộng khó khăn, xóm có chủ trương tăng diện tích ở những vùng khó khăn. Bình quân mỗi khẩu trong xóm được nhận 650 m2, hộ nhận đất ở vùng khó sẽ được tăng lên từ 700-800m2/khẩu. Hộ đủ điều kiện, xóm cho nhận hẳn một vùng để canh tác. Số hộ còn lại phân ra làm 2 loại, hộ có 1-2 khẩu nhận một thửa, 3-5 khẩu nhận hai thửa. Sau khi thống nhất, xóm đứng ra chia. Từ năm 2008 đến nay, xóm 12 đã đi vào sản xuất ổn định. Toàn xóm có gần 50 hộ ruộng một thửa, 11 hộ 3 thửa. Số hộ nhận ruộng một thửa đã hình thành trang trại kết hợp chăn nuôi và trồng lúa, hộ ít nhất 4000 m2, hộ nhiều lên đến 22.000 m2. Ngoài sản lượng lúa ổn định, hàng năm mỗi hộ còn có thu nhập từ 15- 20 triệu tiền cá, chưa kể số thu nhập từ gà, vịt, lợn…cá biệt có những hộ có diện tích lớn có thu nhập từ cá lên đến 45-50 triệu đồng.
Kết quả của việc chuyển đổi đã thấy rõ. Năm 2011, thu nhập bình quận của xóm là 13,6 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân của xã là 3,6 triệu đồng. Từ cách làm của xóm 12 có thể rút ra bài học: việc dồn điền phải xuất phát từ quyền lợi của người dân. Kết quả từ thực tiễn là cách vận động thiết thực nhất, chủ trương của chi bộ phải xuất phát từ tình hình thực tiễn của từng địa phương. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm được quyền lợi của bà con một cách tối đa. Kết quả của xóm 12 là bài học kinh nghiệm để Quỳnh Hoa hoàn thành công việc quy hoạch lại ruộng đất trong thời gian tới.
Anh Tuấn