Khèn bè, “điệu hồn” người Thái
(Baonghean) - Kho tàng nhạc cụ dân tộc Thái khá phong phú với hệ thống các loại pí, khèn, xi-x lò, đàn tập tinh, cồng chiêng... Nhưng có lẽ độc đáo và hấp dẫn nhất chính là chiếc khèn bè!
Nguyên liệu chế tác khèn bè rất đơn giản và gần gũi. Đó là 14 khúc nứa loại nhỏ, kích thước dài ngắn khác nhau và ghép thành 7 đôi nằm song song tạo thành một khối. Khối nứa này liên kết với nhau bằng một chiếc bầu bằng gỗ. Trên các khúc nứa, nghệ nhân tạo các lỗ thoát hơi và gắn các lam đồng. Nói thì đơn giản, việc chế tác và sử dụng khèn bè không phải là chuyện dễ dàng. Vì khèn bè là loại nhạc cụ khá đa năng, khi cất lên những giai điệu thiết tha, sâu lắng như tiếng suối hiền hòa; có khi lại cất lên dòng âm thanh rộn ràng, náo nức như mùa hội; có khi lại rạo rực, thổn thức như trái tim những chàng trai, cô gái khi lần đầu hẹn hò với người yêu...
Do đó, đòi hỏi người sử dụng phải thật sự khéo léo, tinh tế và giàu cảm xúc, nói cách khác là phải có một tâm hồn nghệ sỹ. Những người giỏi chế tác và sử dụng nhạc cụ khèn bè được dân bản phong là nghệ nhân. Ở Nghệ An, từng có một người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian chế tác và sử dụng khèn bè.
Truyền dạy cách sử dụng khèn bè ở Môn Sơn (Con Cuông)
Đó là ông Vi Đình Công (đã mất) ở bản Chắn, xã Thạch Giám (Tương Dương). Chúng tôi còn biết thêm một người cũng khá tinh luyện là ông Lô Thế Lục ở bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn (Con Cuông). Những nghệ nhân khèn bè giờ đây không còn nhiều, việc chế tác và sử dụng loại nhạc cụ này không phải là việc dễ dàng nên lớp trẻ thường thiếu sự kiên trì và bị chi phối nhiều bởi các phương tiện hiện đại. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của chiếc khèn bè trong đời sống âm nhạc hiện đại đang gặp khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của ngành Văn hóa và chính quyền các địa phương.
Sự ra đời của loại nhạc cụ này gắn liền với một câu chuyện tình yêu đầy xúc động của một đôi trai gái Thái. Chuyện kể ngày xưa có cặp vợ chồng trai tài, gái sắc lấy nhau khá lâu mà trong nhà vẫn chưa có tiếng khóc của con trẻ. Trong lúc niềm hạnh phúc chưa trọn vẹn thì tai họa ập đến khi người chồng không may bị mắc bệnh hủi, thứ bệnh mà người Thái lúc bấy giờ rất đỗi ghê sợ. Chúa mường không cho anh ở lại bản, buộc phải vào rừng sâu dựng lán sống cách ly với bản mường. Người vợ ở nhà không tránh khỏi được sự lân la, nhòm ngó và ve vãn của của tên Tạo bản. Để giữ gìn lòng thủy chung, tiết hạnh với người chồng bệnh tật đang sống cô đơn chốn rừng sâu, người vợ quyết định từ bỏ bản mường và đi đâu không ai rõ. Ở chốn rừng sâu, sống cuộc đời đày ải, ,đau khổ và cô đơn, người chồng chỉ biết làm bạn với các loài muông thú. Không có việc gì làm, anh đốn những khúc nứa nhỏ dài ngắn khác nhau gộp lại thành khối, giống như hình chiếc bè nứa, rồi khoét thành những lỗ nhỏ, chuốt cật tre để gắn vào. Đưa lên thổi, từ chiếc khèn vọng ra dòng âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc réo rắt, lúc ngân nga, lúc náo nức, lúc du dương. Tiếng khèn của anh gọi ngày càng đông chim chóc, muông thú về làm bạn. Một hôm, có người cùng bản đi săn, nghe dòng âm thanh quyến rũ, anh lần theo và tìm đến lán của người con trai bệnh hủi. Về bản, anh kể hết sự tình và dân bản lần lượt vào rừng để rõ thực hư. Biết được tin, Tạo bản cũng tìm vào rừng sâu để lắng nghe. Tiếng khèn bè của người con trai bệnh hủi đã thanh lọc tâm hồn, làm cho Tạo bản không còn những ý nghĩ gian ác. Hắn liền cho dân làng dựng một ngôi nhà nhỏ ở cuối bản để người bệnh hủi về ở và hàng ngày gửi gắm tâm tư vào chiếc khèn bè. Tiếng lành bay xa, tiếng khèn của người con trai bệnh hủi đến tai người vợ trẻ. Từ nơi xa, nàng liền tìm về bản đoàn tụ với chồng. Một đêm, người vợ thấy một ông Tiên hiện về, chỉ cho cây thuốc quý để chữa trị cho chồng. Sáng dậy, nàng vào rừng tìm thuốc. Một thời gian sau, người chồng khỏi bệnh. Chẳng bao lâu sau, người vợ mang thai, sinh hạ những đứa con khỏe mạnh và xinh đẹp. Gia đình họ hạnh phúc đến trọn đời và luôn ngập tràn trong tiếng khèn bè du dương, trầm bổng. Cũng từ đó, các chàng thanh niên người Thái tìm đến học cách chế tác và sử dụng khèn bè để mong tìm được vợ đẹp...
Nhiều lúc, nhớ đến sự tích cây khèn bè, chúng tôi chợt nghĩ, nghệ nhân Vi Đình Công đã qua đời đầu năm nay, cụ Lô Thế Lục cũng đã tuổi cao sức yếu, vậy ai sẽ là người xứng đáng kế tục con đường của những người đi trước? Và mai đây, bà con người Thái có truyền giữ được “điệu hồn” của dân tộc mình nữa hay không?
Công Kiên