Khi nghĩa tình không thắng hận thù
Họ từng là anh em, mẹ con, vợ chồng nhưng đứng trước toà họ sΩn sàng gọi nhau bằng những cái tên cay độc.
"Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra"
Toà tuyên án xử phạt bị cáo 6 tháng tù, ngay lập tức bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo, bị hại cũng kháng cáo nhưng để tăng hình phạt cho bị cáo. Những người theo dõi phiên toà ít ai ngờ được họ là mẹ vợ và con rể.
Mọi mâu thuẫn bắt đầu khi con gái kể với bà Lan những xích mích nhỏ với chồng. Bà Lan tức giận chửi mắng con rể vì dám động đến "lá ngọc cành vàng" của bà. Cô con gái nghe lời mẹ, bỏ chồng sang ở với bà. Hai nhà cách "dậu mồng tơi", ngày ngày nhìn thấy con gái ngày một héo hon vì nhớ chồng, thay vì khuyên nhủ đôi bạn trẻ, người mẹ lại ghé sang chửi thề con rể. Hai bên lời qua tiếng lại và chàng rể trong lúc thiếu kiềm chế đã dùng đá ném mẹ chồng gây thương tích với tỷ lệ 4%. Sau khi kháng cáo, toà phúc thẩm y án cũng là lúc mẹ vợ ngày ngày chờ đợi công an về bắt con rể. Khi bị công an áp giải, anh con rể không quên ném ánh nhìn đầy hận thù sang vườn nhà mẹ vợ khi thấy nụ cười hả hê của bà.
Nghĩa tình cạn kiệt, cuộc hôn nhân của đôi trẻ càng không có lối thoát!
Tranh minh họa: Hữu Tuấn
"Một xu cũng chia, một chinh cũng tính"
Quá trình giải quyết vụ án, các thành viên hội đồng định giá tài sản của tòa án từ chỗ dở khóc dở cười đến chỗ bức xúc khi ông chồng bắt định giá cả những bì cám con cò đã mốc hỏng, một dây điện thoại bàn 10m trị giá 2.000 đồng.
...Vợ chồng Hải - Hạnh đều là cán bộ Nhà nước kiêm kinh doanh thức ăn gia súc. Sau quãng thời gian dài chịu đựng nhau, cô vợ xin ly hôn. Trước toà chị Hạnh xin nhường hết tài sản cho chồng, chị chỉ muốn dành quyền nuôi 2 đứa con nhưng anh Hải một mực không chịu, anh bảo "đã ly hôn thì một xu cũng chia, một chinh cũng tính". Anh không ngần ngại thuê xe đi hàng trăm km, mất hàng triệu tiền cho phí chỉ xin về một giấy nợ với giá trị khoảng vài trăm nghìn đồng. Và rồi khi toà án đang đau đầu vì những tài liệu dày hàng bao tải, anh chồng "nổi hứng" đi lấy trộm tài sản chung mà vợ đang quản lý để rồi sau mấy tháng điều tra, Hải phải chịu mang cái án không đáng có. Hai đứa con nhìn bố đầy thương cảm! Chúng chưa đủ lớn để hiểu chuyện của bố mẹ...
"Anh em như thể...! "
5 năm trôi qua, những tưởng vụ án tranh chấp đất đai giữa chị em ruột là bà Yến và ông Năm đã êm xuôi thì nay những cán bộ toà án lại gặp lại họ. Bà Yến - vẫn dáng người nhỏ thó, trên vai vẫn mang túi xách nặng hàng kg tài liệu như 5 năm trước, có khác chăng bây giờ bà đã già, không thể tự đi lại nên mỗi lần hầu toà lại phải có một ông xe ôm đi cùng. Quê bà ở Yên Thành, lấy chồng rồi theo chồng lên mãi tận huyện miền núi của tỉnh nên bà phải dậy từ sáng sớm để kịp giờ làm việc. Ông Năm - vẫn giữ vẻ ngạo mạn của kẻ chắc thắng. Hơn 5 năm trước, trước khi mất, bố mẹ để lại mảnh đất cho bà Yến nhưng vì bà đi xa nên cho ông Năm ở nhờ. Khi giá nhà đất tăng vọt, ông Năm nuôi ý định chiếm luôn mảnh đất và họ đưa nhau ra toà. Qua 2 cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm), ông Năm không chịu thua cuộc nên lại phải nhờ đến phán quyết của toà án tối cao. Vì một sai sót trong thủ tục tố tụng, vụ án bị huỷ và giao lại cho toà sơ thẩm, họ lại đối đầu với nhau bất chấp tất cả, không còn chị em như những ngày cùng chung bữa cơm... Điều lạ lùng là 2 gia đình đều khá giả, họ "ăn thua" không phải vì tiền mà để cho... bõ tức.
Thay lời kết
Xã hội phát triển, tranh chấp nảy sinh là điều tất yếu, nhưng giá như những người bất chấp tất cả để giành phần thắng hiểu được rằng... họ được, mẩt gì sau khi dắt díu nhau ra toà không phải vì tiền hay vì một thứ lợi ích nào khác, mà đơn giản chỉ bởi... lòng hận thù không đáng có.
Ngọc Diệp