Hồ Thị Bích Khương-ảo vọng của kẻ tâm thần chính trị

04/06/2012 18:38

(Baonghean) - Trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua, tại Thành phố Vinh, TAND tối cao đã mở các phiên tòa xét xử Hồ Thị Bích Khương và Nguyễn Trung Tôn phạm tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".

Các đối tượng trên đã nhận được những bản án tương xứng với hành vi vi phạm pháp luật do họ gây ra. Ngay sau đó và mấy ngày gần đây, một số hãng tin nước ngoài và nhiều trang mạng đã làm rùm beng và gán cho Hồ Thị Bích Khương đủ thứ mỹ từ: "Chiến sĩ đấu tranh cho tự do", " Nhà vận động dân quyền"... Và, họ đòi Việt Nam phải trả "tự do"cho những phần tử trên!


Thật hài hước nếu như ta biết rõ các "nhà dân chủ", "chiến sĩ đấu tranh cho tự do" đó là ai. Và, vì sao họ lại được một số kẻ "bốc thơm" đến thế?


Hành động ngông cuồng


Đối với những người có việc từng đi khiếu nại, khiếu kiện dăm bảy năm lại đây hoặc đối với dân xã Nam Anh (Nam Đàn), họ không lạ gì về người đàn bà có tên Hồ Thị Bích Khương.


Do bị thua trong một vụ kiện dân sự qua xét xử hai cấp nên vào năm 2003, 2004, Hồ Thị Bích Khương làm đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan chức năng. Không được giải quyết theo ý mình nên Khương ôm đơn đi khiếu kiện đủ các cấp: huyện, tỉnh và Trung ương. Và luôn cho mình là "dân oan" nên Khương đã và gây mất trật tự ở các trụ sở tiếp dân ở Nghệ An cũng như Hà Nội.

Có lần chị ta định thoát y ở một công sở để "phản đối" nhưng bị cán bộ chức năng ngăn chặn. Không chỉ có thế, Khương còn gặp gỡ những người khiếu kiện để kích động, lôi kéo họ tổ chức khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp một cách chây lì. Năm 2005, Hồ Thị Bích Khương bị công an bắt và bị TAND quận Ba Đình (Hà Nội) kết án 6 tháng tù giam về hành vi gây rối trật tự công cộng. Ra tù, về địa phương, Khương lại ngựa quen đường cũ và trở nên "nổi trội" trong số người khiếu kiện và ngày càng lì lợm.


Hành vi của Hồ Thị Bích Khương tại Hà Nội được một số phần tử xấu, một số tổ chức phản động lưu vong nước ngoài chú ý. Họ cho người đến gặp Khương ở Hà Nội để tuyên truyền, kích động. Lợi dụng bản tính háo danh cộng với tính khí bất thường vốn có Khương nhanh chóng nghe theo lời rủ rê. Chị ta nhận lời "mời" tham gia vào một tổ chức phản động gọi là Khối 8406 do một số phần tử cơ hội chính trị lập ra, có liên hệ với các tổ chức lưu vong ở nước ngoài. Cùng đồng thanh tâng bốc, phỉnh phờ người đàn bà háo danh hão này, chúng còn cấp tiền cho chị ta dưới nhiều hình thức để biến chị ta thành cái loa chống chế độ, bôi nhọ Nhà nước.


Tháng 4/2008, Hồ Thị Bích Khương lại bị công an bắt quả tang trong khi truyền tài liệu xuyên tạc chế độ ra nước ngoài tại một quán internet và sau đó bị Tòa án Nhân dân huyện Nam Đàn xử phạt 2 năm tù giam về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân". Sau khi mãn hạn tù, Hồ Thị Bích Khương về quê và lại càng ngông cuồng hơn trước..




Nguyễn Trung Tôn và Hồ Thị Bích Khương (phải) tại tòa.

Trong thời gian 2 lần ở tù và ra tù sau đó, Hồ Thị Bích Khương được những kẻ cơ hội chính trị và phản động hải ngoại tung hô không tiếc một mỹ từ nào. Khi thì "chiến sĩ kiên cường đấu tranh vì công lý"; lúc là "Nhà đòi nhân quyền"; có khi lại "Nhà dân chủ"... Cùng với trả lời phỏng vấn qua điện thoại với một số đài nước ngoài, Khương còn viết "hồi ký" đăng trên một số trang mạng với nội dung xuyên tạc chế độ, chống Nhà nước Việt Nam với những lời lẽ thô bỉ, thậm chí hết sức tục tĩu. Lập tức, mấy trang mạng tiếng Việt phản động ở hải ngoại còn gọi chị ta là "văn sĩ". Lần nào chị ta bị bắt, bị xử phạt tù, một số tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa là "bảo vệ nhân quyền" đã "yêu cầu chính quyền thả nhà đòi dân chủ, chiến sĩ đấu tranh cho công lý Hồ Thị Bích Khương". Thậm chí, năm 2011, một tổ chức HRW (có trụ sở đóng ở Mỹ) mang danh nghĩa "theo dõi nhân quyền" ở nước ngoài còn tặng giải thưởng thường niên cho "cây bút" Hồ Thị Bích Khương. Lúc đó khi chị ta còn ở trong trại giam.


Cứ tưởng mình là "chiến sĩ" thật, "nhà" này "nhà" nọ thật, lại còn là "văn sĩ " đang được "cả thế giới chú ý" nên Hồ Thị Bích Khương càng tỏ ra ngông cuồng. Ở trong trại thì xấc xược, ra tù thì Khương xăng xái đi nhiều nơi tìm đến những người khiếu kiện lì hay đang bất mãn để kích động, lôi kéo. Thấy chị ta tâm lý bệnh hoạn, nhiều người không nghe. Cuối cùng Khương cũng tìm được Nguyễn Trung Tôn (sinh năm 1971) một phần tử đội lốt mục sư của đạo Tin Lành ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cùng viết bài, phát tán tài liệu xấu trên mạng internet.


Ngày 15/1/2011, qua công tác kiểm tra hành chính tại nhà riêng của Hồ Thị Bích Khương, các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Nam Đàn phát hiện Nguyễn Trung Tôn đang trú ngụ ở đây có dấu hiệu nghi vấn. Mở rộng phạm vi điều tra, khám xét nhà riêng của Hồ Thị Bích Khương (Nam Anh, Nam Đàn) và chỗ ở của Nguyễn Trung Tôn (xã Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hóa), cơ quan chức năng phát hiện thu giữ tổng cộng 80 loại tài liệu, hơn 250 đĩa CD, DVC, 4 bộ máy tính, 1 USB, 1 máy ảnh kỹ thuật số có chứa nhiều tài liệu xuyên tạc chế độ, kích động chống Nhà nước Việt Nam. Trước bằng chứng phạm pháp không thể chối cãi, Hồ Thị Bích Khương và Nguyễn Trung Tôn bị cơ quan điều tra bắt giữ.


Mới đây, ngày 30/5/2012, Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm công khai xét xử Hồ Thị Bích Khương và Nguyên Trung Tôn về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" (Điều 88 Bộ luật Hình sự). Kết quả, Tòa tuyên giữ nguyên mức án đối với 2 bị cáo mà Tòa sơ thẩm đã tuyên. Theo đó, Hồ Thị Bích Khương bị 5 năm tù giam, 3 năm quản chế sau khi ra tù.


Ảo vọng của kẻ tâm thần chính trị


Ngay sau khi Hồ Thị Bích Khương và đệ tử của thị bị phiên tòa phúc thẩm y án, mới đây, chúng tôi tìm về xã Nam Anh, quê quán và cũng là nơi ở của Hồ Thị Bích Khương trước khi bị bắt.


Ông Phạm Thế Đào - Trưởng Công an xã cho biết, Hồ thị Bích Khương sinh năm 1967 trong một gia đình gia giáo lại có ông nội là đảng viên thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh. Vào giữa những năm 1990, sau khi lao động xuất khẩu ở Nga về một thời gian, Khương được một doanh nghiệp xuất khẩu lao động có tên là "Lốt" đóng ở Hà Nội đưa sang Hàn Quốc lao động. Làm được một thời gian, chị ta tự ý bỏ ra ngoài làm ăn và bị chính quyền nước sở tại trục xuất về nước.


Chồng chết, con còn nhỏ, lại không có việc làm, Hồ Thị Bích Khương lại cho rằng mình bị mất tiền oan nên nộp đơn ra tòa khởi kiện Công ty "Lốt" vì "vi phạm hợp đồng". Qua hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Khương đều bị thua kiện. Cho rằng mình bị đối xử "bất công" nên chị ta tiếp tục ôm đơn đi kiện. Kiện tòa, kiện chính quyền, kiện cán bộ chức năng... Lúc đầu làm đơn gửi, sau Khương trực tiếp lên huyện, lên tỉnh và ra Hà Nội.


Sau mỗi lần Khương về quê, chính quyền xã và bà con làng xóm thấy tính tình vốn bất thường của Khương lại càng không bình thường, nhất là sau lần ở tù ra hồi năm 2005. Sau này, mọi người mới biết Hồ Thị Bích Khương được bọn phản động ở nước ngoài và phần tử xấu trong nước cho lên mạng, lên đài liên tục.


Khi hay tin Hồ Thị Bích Khương bị kết án tù những 5 năm, những người hàng xóm của Khương bảo: "Nhà nước bắt nó đi tù lại càng tốn cơm. Ở đây, bầy tui nghe nó chửi mình như hát hay. Nghe lắm thành quen. Nó là người "chập mạch", là dở hơi từ thuở nhỏ kia"!


Một số nhà chuyên môn cho rằng, Hồ Thị Bích Khương mắc bệnh lý tâm thần chính trị. Cứ xem cung cách cãi chày cãi cối tại các phiên tòa cũng như những bài viết của chị ta thì biết.


Một luật sư khuyến cáo: các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo của công dân để hoạt động chống phá chế độ, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình. Do đó, người dân hãy cảnh giác để tránh bị kích động, lôi kéo như Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Trung Tôn và một số người khác.


Việt Long