Nghịch lý “ế” hàng bình ổn giá

04/06/2012 08:19

Chương trình bình ổn giá (BOG) của thành phố Hà Nội đã thực hiện được bốn năm, từ năm 2008 đến năm 2011 với số tiền riêng năm 2011 là 475 tỷ đồng. Chương trình này được kỳ vọng là “liều thuốc đặc trị” trong bối cảnh giá cả liên tục leo thang.



Khu hàng bình ổn giá không được nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Vậy nhưng, nghiêm túc nhìn lại chặng đường vừa qua và nhất là những gì thực hiện được trong năm 2011 (từ tháng 5/2011 đến hết tháng 4/2012), chương trình rất có ý nghĩa này vẫn còn những điểm gây băn khoăn.
Tiêu thụ hàng bình ổn...“không ổn”

Đến bất cứ điểm bán hàng BOG nào trong tổng số 653 điểm trên toàn thành phố, từ điểm bán tại các chợ, khu công nghiệp hay siêu thị, mới thấy hàng bình ổn không được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Cho dù các doanh nghiệp có treo biển nhận diện, có niêm yết giá công khai nhưng hàng BOG vẫn nằm khiêm tốn, chìm giữa vô vàn các hàng hóa khác.

Bà Lê Thị Vui, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, cho biết: “Tôi thường đi cả chợ và siêu thị nhưng cũng không quan tâm nhiều tới hàng BOG, bởi các mặt hàng này cũng không rẻ hơn ngoài thị trường là bao, thậm chí có thời điểm còn cao hơn”. Và cũng không khó hiểu khi thời gian qua, rất nhiều ý kiến nói về giá cả hàng bình ổn không theo sát giá thị trường và chưa phù hợp với chủ trương của thành phố bán thấp hơn 10% giá thị trường.

Việc hai công ty tham gia chương trình BOG năm 2011 của thành phố: Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội tồn kho các mặt hàng bình ổn đến thời điểm hiện tại 4 tỷ đồng; công ty TNHH 2 - 9 Hà Tây tồn kho (cả hàng bình ổn và các mặt hàng khác) lên tới 25 tỷ đồng đã chứng minh một phần về tính hiệu quả của chương trình bình ổn. Mặc dù, trong số 15 doanh nghiệp tham gia chương trình này, không phải đơn vị nào cũng tồn kho lớn như vậy nhưng chắc chắn có nhiều doanh nghiệp còn ứ đọng hàng. Chính vì lượng hàng tồn kho lớn, một số doanh nghiệp bán hàng BOG không thu hồi kịp vốn nên đã chậm trả ngân sách thành phố Hà Nội theo đúng quy định.

Giải thích về vấn đề này, Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp bị tồn đọng hàng lớn do tình hình kinh tế xã hội khó khăn, cầu hàng hóa thấp, sức mua giảm, nhân dân thắt chặt chi tiêu khiến cho tình hình mua vào, bán ra của doanh nghiệp giảm. Nhưng đó mới là yếu tố khách quan, còn nhìn nhận thực tế, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội và bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho rằng: Do các đơn vị chưa tính toán kỹ về khả năng tiêu dùng và cách tổ chức bán hàng nên mới xảy ra tình trạng một lượng hàng hóa lớn bị tồn đọng.

“Chìm nghỉm” giữa thị trường

Là người gắn bó với ngành thương mại Hà Nội hàng chục năm qua, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định: “Chương trình BOG của Hà Nội không thành công do cách thức tổ chức, quản lý chưa tốt”.

Theo ông Phú, yếu tố dẫn đến việc không thành công do thực hiện chương trình BOG là trở lại thời kỳ kinh tế phi thị trường, có nghĩa, chương trình đã tạo cơ chế bao cấp, cơ chế xin – cho giữa đơn vị được tham gia bình ổn và đơn vị không được tham gia. Hơn nữa, việc điều hành giá các mặt hàng bình ổn của thành phố rất cứng nhắc, không linh hoạt bởi khi giá cả lên xuống, doanh nghiệp phải có văn bản trình Sở Tài chính, Công Thương xin chấp thuận và khi các đơn vị này đồng ý thì giá lại thay đổi. Theo đó, việc lựa chọn 9 nhóm hàng để bình ổn (gạo trắng thường, thịt lợn, thịt gà vịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, đường, rau củ) chưa phù hợp với nhu cầu cuộc sống bởi đa phần các mặt hàng này thường được người dân mua ngoài chợ truyền thống đảm bảo tươi sống; chỉ duy nhất mặt hàng dầu ăn là có hiệu quả. Có những thời điểm, hàng BOG bị tư thương lợi dụng vào mua (nhất là dầu ăn) khiến hàng bình ổn không đến đúng tay đối tượng.

Và một điều rất quan trọng, với số tiền 475 tỷ đồng BOG năm 2011, các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng đáp ứng 10% so với tổng nhu cầu 9 nhóm hàng trong một tháng. Có nghĩa, lượng hàng tham gia bình ổn rất nhỏ so với nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và như vậy, giá cả vẫn do thị trường điều tiết.

Còn rất nhiều lý do khác được ông Vũ Vinh Phú chỉ ra như không loại trừ khả năng doanh nghiệp được vay vốn chương trình BOG nhưng sử dụng mục đích khác mà các cơ quan chức năng không kiểm soát được. Ngay cả lượng hàng dự trữ cho công tác BOG cũng không được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ... khiến công tác BOG không đi đúng mục đích.

Ông Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng đưa ra kinh nghiệm của một số nước thực hiện BOG như để doanh nghiệp tự chi tự thu trong công tác BOG nhằm tạo cạnh tranh trên thị trường. Hoặc Nhà nước điều tiết bằng cách dùng cả nguồn vốn BOG thực hiện bình ổn một mặt hàng ở một thời điểm nhất định, khi mặt hàng đó bị biến động giá, nhằm áp đảo thị trường. Còn nếu muốn hỗ trợ người tiêu dùng khi giá thị trường biến động thì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người nghèo...

Như vậy, chương trình BOG của thành phố Hà Nội cần được xem xét lại để đạt hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng.


Theo Tin tức - H