Hàng Việt chất lượng cao chưa"phủ sóng" chợ nông thôn

17/05/2012 09:47

(Baonghean) - Quan sát tại Chợ Vực (Hưng Xá, Hưng Nguyên) là một trong những chợ truyền thống có từ lâu đời, được họp liên tục một tháng 30 phiên với hàng trăm gian hàng hoá các loại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và các xã lân cận. Tuy nhiên, ngoài mặt hàng nông sản, thực phẩm sẵn có của địa phương thì lượng hàng hoá tiêu dùng thiết yếu trong nước chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại phổ biến vẫn là hàng ngoại giá rẻ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chúng tôi dạo qua đến hơn chục gian hàng quần áo để hỏi tìm mua áo ba lỗ nam của Hanoximex nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Ngược lại, hàng hóa "Made in China ", từ quần áo lót, tất, găng tay đến những mặt hàng đắt tiền hơn như bát đĩa, quạt điện, nồi cơm điện... thì rất đa dạng về chủng loại, bày bán phổ biến và được nhiều người tiêu dùng (NTD ) chọn lựa...


Với mức thu nhập không cao nên hàng hóa được NTD khu vực nông thôn quan tâmhàng đầu là giá cả, chỉ cần chênh lệch vài nghìn đồng/sản phẩm trở lên là họ sΩn sàng chuyển sang chọn hàng rẻ hơn mà không cần để ý đến chất lượng hay nhãn mác, thương hiệu... Tham quan tại các chợ Cần, chợ Mí (huyện Hưng Nguyên), chợ Đò, chợ Rồng (huyện Nam Đàn ) so với các năm trước hầu hết các sạp bán hàng đều được xây dựng tươm tất, hàng hóa đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để tìm ra được các thương hiệu sản phẩm uy tín, có tên tuổi lâu năm như sứ Hải Dương, Minh Long, Bát Tràng; đồ nhựa Việt Nhật, Đại Đồng Tiến hay giày dép Bitis, hàng may mặc các hãng Việt Tiến, Vinatex, Hanoximex...khá khó khăn.


Thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", Sở Công thương đã triển khai được một số điểm bán hànglưu động, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" tại các huyện, thị... Nhưng có thể nói những điểm bán hàng này mới chỉ mang tính chất "minh họa", được ví như "buôn chuyến" theo từng đợt mà chưa có được một kế hoạch bán hàng, liên kết và xây dựng hệ thống phân phối dài hạn. Vì vậy, khi kết thúc hội chợ, NTD lại quay về với thói quen cũ, ưa chuộng đồ rẻ tiền chứ ít quan tâm đến chất lượng hàng hóa.


Để người tiêu dùng có thói quen dùng hàng Việt Nam chất lượng cao, trước hết các cấp ngành, đoàn thể phải tuyên truyền cho người dân nông thôn, làm sao để họ hiểu và lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước, tẩy chay tiêu thụ hàng kém chất lượng hàng không rõ xuất xứ. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, nhất là đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần chú trọng quảng bá nhiều hơn các sản phẩm của mình đến mọi tầng lớp nhân dân bằng cách đa dạng hóa các kênh phân phối.


Ngọc Anh