Giám định tư pháp: Cần sự phối hợp đồng bộ
(Baonghean) - Nhằm phục vụ công tác điều tra và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh được các ban, ngành quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hoạt động giám định tư pháp hiện nay so với nhu cầu thực tế vẫn còn nhiều hạn chế…
Hiện nay, Nghệ An có 3 trung tâm thực hiện hoạt động giám định tư pháp là, Trung tâm Giám định pháp y, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần (Sở Y tế) và Phòng Kĩ thuật hình sự (Công an tỉnh). Với 96 giám định viên, trong năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, các trung tâm thực hiện giám định trên 3.000 vụ việc, trong đó riêng giám định kĩ thuật hình sự là 2.779 vụ, giám định tử thi 240 vụ.
Một ca giám định thương tích tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh.
Ngoài ra, còn giám định thương tích, hiếp dâm, giám định sức khỏe cho người Việt Nam lấy chồng nước ngoài. Nhìn chung, hoạt động giám định tư pháp của các tổ chức giám định tư pháp đã đáp ứng được yêu cầu trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng, phục vụ điều tra truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án ở các cấp. Kết quả giám định đảm bảo tính khách quan, chính xác và không để xảy ra khiếu nại, tố cáo hoặc bị hủy kết quả giám định của giám định viên, số vụ việc phải giám định lại chỉ là cá biệt.
Trong số các vụ việc phải giám định tư pháp, nhiều nhất là giám định kĩ thuật hình sự, tập trung đa số vào việc giám định ma túy, con dấu giả, số máy đóng chìm, thực hiện tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh. “Tuy nhiên, vẫn có những giám định do trang thiết bị kỹ thuật và con người không cho phép nên chúng ta vẫn đang phải thuê các trung tâm giám định ở Hà Nội thực hiện với kinh phí không rẻ” - Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết. Chẳng hạn, một lô gỗ lậu để xác định tuổi gỗ, chất lượng… thì cơ quan liên quan là Chi cục Kiểm lâm tỉnh không thực hiện được. Để giám định, Phòng phải gửi ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mức phí trung bình 1m3/1,8 triệu đồng. Hay như xác định rượu giả, các giám định viên phải trực tiếp đến các nhà máy để nhờ giám định nhưng nhiều trường hợp các nhà máy không hợp tác. Ngoài lý do hạn chế về trang thiết bị kĩ thuật thì nguyên nhân chính là lâu nay, tỉnh chưa chú trọng đến đào tạo các giám định viên tại các ban, ngành. Vì thế, nhiều lĩnh vực chuyên môn đặc thù như tài chính, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch, xây dựng, công thương, giao thông vận tải… tuy được bổ nhiệm giám định viên nhưng chưa phát huy được khả năng. Hiện tại, từ khi được bổ nhiệm đến nay (2006), mới chỉ 1 vụ có sự hỗ trợ của giám định viên tư pháp tại Sở Tài chính, còn các sở, ngành khác chưa có trưng cầu giám định vụ việc nào.
Bên cạnh thiếu nhân lực, cơ sở vật chất thì chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng cũng là một hạn chế khiến việc thu hút nhân lực trong ngành này gặp nhiều khó khăn. Một giám định viên của Sở Y tế cho biết: Nghề giám định viên thường xuyên tiếp xúc với tử thi và với môi trường độc hại, nhưng hiện nay chưa có cơ chế chính sách và chế độ đãi ngộ thích hợp. Vì thế, muốn thu hút các bác sỹ đáp ứng đủ yêu cầu chuyên môn về làm giám định viên là rất khó. Nếu lấy y sỹ về để học lên bác sỹthì chỉ đủ số lượng chứ chất lượng không bảo đảm.
Trước những hạn chế trên, để thực hiện tốt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp Nghệ An”, thời gian tới, tỉnh còn rất nhiều việc cần phải làm. Đó là, củng cố, cơ sở vật chất, rà soát, thống kê đánh giá lại năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu giám định của đội ngũ giám định viên tư pháp do ngành mình quản lý để bổ sung vào lực lượng giám định viên, trẻ hóa dần lực lượng giám định viên tư pháp, cótrình độ chuyên môn cao. Cùng với đó là sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa các trung tâm và các sở, ban, ngành để tháo gỡ khó khăn về lực lượng giám định, cơ sở vật chất, chế độ chính sách trong công tác giám định tư pháp hiện nay.
Song Hoàng