Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương

18/06/2012 15:46

(Baonghean) Mặc dù tỉnh ta đã có nhiều biện pháp tích cực để tăng cường công tác quản lý việc khai thác khoáng sản, nhưng thời gian qua, lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp, cho thấy sự yếu kém trong quản lý tài nguyên của chính quyền địa phương.

Trước thực trạng khai thác mỏ không an toàn có nguy cơ sập hầm lò mà Báo Nghệ An đã phản ánh, trao đổi với phóng viên, ông Cao Thanh Long – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Tại địa bàn Quỳ Hợp vẫn còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp khai thác mỏ chưa tuân thủ đúng theo quy trình, quy phạm. Tại các xã Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp, thường xảy ra tình trạng khai thác trái phép quặng thiếc mà vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân vẫn khai thác thiếc kiểu “hầm ếch” sâu dưới lòng đất hàng trăm mét và thiếu các phương tiện bảo đảm an toàn lao động, có nguy cơ xảy ra sập hầm rất cao. Mặc dù huyện đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành đẩy đuổi, tịch thu phương tiện, máy móc… nhưng chỉ ổn định được một thời gian ngắn, sau đó lại tái diễn việc khai thác thiếc trái phép”.

Trên địa bàn tỉnh có 43 doanh nghiệp được cấp giấy phép thác, chế biến quặng thiếc, nhưng trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân vẫn tiến hành khai thác trái phép thiếc và số lượng ngày càng tăng. Tình trạng này, không những làm cho việc khai thác thiếc ở địa bàn tỉnh ta diễn ra khá phức tạp, gây mất trật tự trị an – an toàn lao động, ô nhiễm môi trường, thất thu thuế… mà còn tạo ra thị trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường thu hút đầu tư.

Quỳ Hợp và Tân Kỳ là 2 địa phương tập trung nhiều khoáng sản, nhất là thiếc. Địa bàn khai thác thiếc nằm ở vùng sâu, xa, giao thông đi lại khó khăn và chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc một cách tích cực, nên công tác quản lý khai thác thiếc gặp nhiều khó khăn. Tình trạng báo động hiện nay là một số doanh nghiệp (đã được cấp giấy phép) trên địa bàn Quỳ Hợp, Tân Kỳđang “phớt lờ” việc bảo vệ môi trường, chưa chấp hành tốt việc xử lý môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước, rừng… Muốn xử lý triệt để được vấn đề này, cần có chính sách tạo việc làm cho bà con, chính quyền địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn, tài nguyên khoáng sản. Vừa qua, tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến đá các loại đối với 119 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết quả đã đình chỉ khai thác khoáng sản 13 doanh nghiệp, xử phạt hành chính 100 triệu đồng.

Tại các xã Cắm Muộn và Quang Phong (Quế Phong), Châu Hoàn (Quỳ Châu), Nam Sơn và Bắc Sơn (Quỳ Hợp), Yên Na, Yên Hòa và Yên Tĩnh (Tương Dương), nạn khai thác vàng sa khoáng dọc sông Cả (đoạn chảy qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông) vẫn còn nhức nhối. Đã có 20 đơn vị được cấp phép khai thác, chế biến quặng vàng. Do phần lớn hoạt động khai thác chủ yếu là quặng vàng sa khoáng, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhất là các sông, suối đầu nguồn, thảm thực vật bị hủy hoại, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh mỏ. Việc hoàn thổ đất đai, phục hồi môi trường sau khi khai thác không được thực hiện, làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, suối, gây sạt lở đất. Tại bản Xốp Kha (xã Yên Hòa, Tương Dương), Công ty Việt – Lào được cấp phép khai thác vàng gốc lộ thiên, nhưng doanh nghiệp này đã tự ý chuyển nhượng mỏ cho đơn vị khác khai thác (nhưng trên danh nghĩa vẫn đứng tên Công ty Việt – Lào).



Khai thác vàng làm sạt lở đất, thay đổi dòng chảy sông Cả.

Ông Lô Thái Sinh – Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho hay: “Xã đã nhiều lần lên kiểm tra tại mỏ, thấy việc khai thác làm sai quy trình, như đào bới đất đá ngổn ngang thành hầm hố không hoàn trả lại mặt bằng, nghiền đất đá tuyển vàng không có bể lắng lọc mà xả thẳng xuống khe, suối, gây ô nhiễm cho dòng khe Líp và bà con dân bản ở Xốp Kha. Cũng tại đỉnh Phu Phen (xã Yên Tĩnh, Tương Dương), Công ty Bảo Lâm được cấp phép khai thác 3 năm, khai thác không có bể chứa lắng lọc, đào khoét núi không đúng với hồ sơ thiết kế…

Mới đây, tại cuộc họp bàn về giải pháp quản lý hoạt động khoáng sản, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Để lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 2636/QĐ – UBND.NC để tăng cường công tác đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, giao cho chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác trái phép tiếp tục diễn ra, nhưng không có biện pháp xử lý dứt điểm thì cán bộ đứng đầu địa phươngđó phải chịu trách nhiệm. Thực tế thấy rằng, nếu như ở tại các xã, chính quyền địa phương quản lý tốt địa bàn, thì các doanh nghiệp và người dân không thể đưa phương tiện, máy móc vào khai thác vàng trái phép. Vì vậy, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước tại cấp xã”.

Những biện pháp mang tính lâu dài, bền vững trong việc quản lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về khoáng sản. Thực hiện việc lập quy hoạch khoáng sản kịp thời, phù hợp với từng địa phương. Trong thời gian tới, hoàn thành việc khoanh định, phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, đồng thời ban hành kịp thời các văn bản pháp luật về khoáng sản.


Hoàng Vĩnh