Hồi ức Trường Sa

18/07/2012 18:10

(Baonghean) Đã mấy năm, kể từ lần đầu tiên tôi đặt chân lên quần đảo Trường Sa, mới đây tôi lại được đến với Trường Sa trên chuyến tàu đưa các học viên năm thứ 3 chuyên ngành hàng hải của Học viện Hải quân đi thực tập kết hợp đưa một số hàng ra đảo.

Điểm đến đầu tiên của cuộc hành trình, là đảo Song Tử Tây, hòn đảo nằm án ngữ phía Bắc quần đảo. Sau đợt áp thấp nhiệt đới, biển vẫn còn động mạnh. Liên tục những con sóng lừng chồm vỗ mạn tàu, tung hoa trắng. Gần hai ngày đêm, vượt qua hơn 300 hải lý với bao khó khăn, vất vả, chúng tôi đã đến được Song Tử Tây. Nhìn từ xa, đảo giống như một chiếc đĩa ngọc hình bầu dục khổng lồ giữa mênh mông sóng nước. Ngọn hải đăng cao vợi, lừng lững hiên ngang. Song Tử Tây đang hiển hiện ngay trước mặt mà chợt thấy háo hức lạ lùng …

Những người lính đón chúng tôi lên đảo. Đặt chân lên đảo, mọi người thay nhau chụp ảnh lưu niệm nơi cổng chào, cột mốc chủ quyền của Tổ Quốc. Cảm xúc thật thiêng liêng khi được đứng cạnh cột mốc chủ quyền mà trước đây chỉ thấy trên sách, báo. Sau cuộc gặp gỡ giữa cán bộ chỉ huy tàu, giảng viên và học viên thực tập trên tàu với ban chỉ huy đảo tại hội trường là buổi giao lưu văn nghệ và thể thao giữa tàu và đảo. Kế đến là buổi liên hoan gặp mặt giữa đất liền và đảo thể hiện tình cảm rất nồng ấm như thường lệ mỗi khi có tàu từ đất liền ra…

Cũng như nhiều đảo nổi khác trên quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây có nhiều phong ba. Lớp lớp phong ba trỗi dậy vượt ra khỏi những triền cây bão táp, tán bàng vuông vươn mình sừng sững như thách thức với gió trời và biển cả. Phong ba quả xứng danh là loài cây chúa tể, là biểu tượng của lính đảo Trường Sa. Đến Song Tử Tây. Được chuyện trò và tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính, tôi thầm nghĩ, mỗi người lính đảo Trường Sa chính là những cây phong ba bất khuất không sợ gian khó, hiểm nguy, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió.



Đảo Đá Nam

Chia tay đảo Song Tử Tây, theo kế hoạch của tàu, chúng tôi tiếp tục nhổ neo đến điểm đảo Đá Nam. Đá Nam là 1 trong 22 hòn đảo chìm tại quần đảo Trường Sa. Cũng như các đảo chìm khác, đảo Đá Nam dành hơn nửa diện tích cho việc chứa các bồn nước bằng Inox để đựng nước mưa. Phần đất ưu tiên còn để trồng rau xanh, chăn nuôi heo. Trên đảo, tòa nhà chính được xây dựng kiên cố cao ba tầng.

Tầng thứ nhất dùng làm kho để chứa đồ, lương thực, thực phẩm và các máy phát điện. Tầng 2 và 3 dùng để sinh hoạt chung và nơi ăn nghỉ của các chiến sĩ. Nỗi khổ nhất ở đảo chìm có lẽ chính là sự hạn hẹp này. Cuộc sống của lính ở đảo chìm này vất vả hơn nhiều so với những đảo nổi. Lính Trường Sa, da đen nhẻm vì nắng gió, nhưng riêng lính đảo chìm nước da ai cũng bóng nhẫy lên thì chẳng thể trộn lẫn vào đâu được. Sống trong những căn nhà bê tông xây theo kiểu lô cốt, với vẻn vẹn mấy chục mét vuông, không một bóng cây xanh che chắn, những người lính ở đây quanh năm, suốt tháng phải trần mình hứng trọn nắng, gió và thời tiết khắc nghiệt của đảo.

Công việc hàng ngày của người lính ở Trường Sa rất bận rộn: ngày đêm canh giữ bảo vệ biển, đảo và vùng trời biên cương Tổ quốc, xây dựng các hòn đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Lính ở Trường Sa còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là giúp đỡ, cứu nạn ngư dân trong bão tố và khi gặp nạn trên biển. Nơi đảo xa, cuộc sống thường ngày của người lính thiếu thốn mọi thứ. Nhưng những người lính trẻ vẫn chiến đấu và trưởng thành, cuộc sống Trường Sa vẫn đơm hoa, kết trái xanh tươi bên những cây phong ba, bão táp không khuất phục trước bão tố. Quả vậy, những con người chúng tôi gặp ở đây đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai, họ bình dị, hiền hậu và vui tính.

Chia tay Trường Sa, tạm biệt những người lính, trong lòng tôi dâng tràn cảm xúc không nói nên lời. Người lính cũng im lặng và gửi ánh mắt trìu mến nhìn về phía con tàu. Tạm biệt Trường Sa thân yêu, mong có ngày gặp lại!


Nguyễn Thanh Điệp