Bài 2: Linh mục và các chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đã đẩy nhiều tín đồ vào con đường vi phạm pháp luật

18/07/2012 08:51

xem Bài 1: Các linh mục và nhiều giáo dân Giáo xứ Quan Lãng tới gây rối, hành hung người dân xã Yên Khê

Lật lại lịch sử huyện Con Cuông cũng như xem xét lại quá trình một số linh mục và chức sắc xứ Quan Lãng truyền đạo trái pháp luật ở Yên Khê, mới thấy những quan ngại của người dân là có cơ sở.

Huyện miền núi Con Cuông có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, với trên 67 nghìn nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc Thái là đông nhất chiếm tới 67,6%, đồng bào Kinh chiếm 23,9%, còn lại là đồng bào các dân tộc Đan Lai, Nùng, Hoa, Ê Đê và Khơ Mú. Bao đời nay, các dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, làm ăn hoà thuận với những tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình…

Trong quá trình đạo Thiên chúa xâm nhập vào Việt Nam, tại Nghệ An mới chỉ phát triển đến địa bàn huyện Anh Sơn. Từ ranh giới của huyện Con Cuông trở lên, các huyện vùng cao không có tôn giáo nào xâm nhập. Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng và nhất là thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, một số người chủ yếu từ các tỉnh, huyện khác đến Con Cuông làm ăn sinh sống và lập nghiệp, trong đó có một ít là giáo dân.

Hiện số giáo dân trên địa bàn huyện chỉ có 81 hộ với 204 nhân khẩu (chiếm khoảng 0,03% dân số toàn huyện), sinh sống phân tán ở 11/14 xã, thị trấn của huyện Con Cuông. Tuyệt đại đa số giáo dân đều sống hoà thuận “tối lửa tắt đèn có nhau” với bà con các dân tộc anh em bản địa. Vốn là huyện không có đạo Thiên chúa, thực tế tại 14 xã, Thị trấn Con Cuông không có nhà thờ giáo, không có làng giáo dân nên khi lên đây, một bộ phận bà con giáo dân gần như phai nhạt đạo, chỉ khi nào về quê mới đi lễ nhà thờ…

Lịch sử đã chứng minh, huyện Con Cuông từ trước tới nay không có nhà thờ tôn giáo, không có chức sắc tôn giáo, không có đạo gốc, người dân Con Cuông hầu hết là các đồng bào dân tộc thiểu số sống theo phong tục tập quán gốc của mình. Luôn nhất quán trong chính sách “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng” của nhân dân, cấp ủy chính quyền huyện Con Cuông từ trước đến nay rất quan tâm đến công tác đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt lương hay giáo, tất cả đều chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển…

Gần đây một số ít giáo dân trên địa bàn huyện có đứng ra làm đơn xin cấp đất xây nhà thờ, nhưng chiếu theo Luật Đất đai không cho phép, cộng thêm thực tế trên địa bàn có số lượng giáo dân rất nhỏ, sống rải rác trên nhiều xã của huyện với địa bàn rộng, do vậy UBND huyện Con Cuông đã giải thích và được bà con chấp thuận. Số giáo dân này đã xuống xã Tường Sơn (Anh Sơn) để sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Giáo xứ Quan Lãng hoặc thờ phụng ngay tại nhà riêng. Các giáo dân cho rằng, như thế vừa phù hợp với tín ngưỡng vừa thuận lợi cho sự giao lưu với vùng xuôi nên họ rất an tâm sinh hoạt tôn giáo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung.



Nhiều giáo dân huyện Anh Sơn, Thanh Chương... đến nhà ông Phạm Thế Trận để hành lễ trái pháp luật (ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 10/6/2012).

Tuy nhiên, tình hình tôn giáo của địa phương bỗng nhiên bất ổn kể từ khi linh mục Phạm Ngọc Quang, nguyên quản xứ Quan Lãng lên truyền đạo 7 cuộc tại nhà bà Nguyễn Thị Minh ở khối 6, Thị trấn Con Cuông; truyền đạo tại nhà ông Phạm Thế Trận ở thôn Trung Hương, xã Yên Khê với sự tham gia của gần 300 người từ các huyện Anh Sơn, Tương Dương, Thanh Chương, Yên Thành và tỉnh Hà Tĩnh đến. Dù chính quyền huyện Con Cuông đã nhắc nhở việc tổ chức làm lễ nơi không phải nhà thờ và chưa được sự cho phép của chính quyền là vi phạm pháp luật, nhưng từ cuối năm 2011 đến nay, vào chiều chủ nhật hàng tuần, việc truyền đạo tại nhà riêng ông Phạm Thế Trận vẫn diễn ra.

Sự vi phạm này có tính hệ thống, mang tính khiêu khích có chủ đích ngày càng tăng về mật độ, mức độ: Ngày 13/11/2011, khoảng 300 giáo dân từ nơi khác đến tham gia sinh hoạt tôn giáo đã dùng bình xịt hơi cay, ném đất đá vào bà con địa phương khi những người dân đến phản đối việc truyền đạo trái phép tại đây, và đỉnh điểm là ngày 1/7 vừa qua, đã có 700 tín đồ từ nơi khác đến tổ chức hành lễ, gây rối loạn, bắt giữ, hành hung người dân xã Yên Khê…

Riêng các linh mục xứ Quan Lãng và các chức sắc thì ngày càng thể hiện rõ sự bất chấp pháp luật, bất hợp tác với chính quyền, coi thường dư luận, như: Ngày 15/1/2012, khi tổ công tác của xã Yên Khê đến kiểm tra và lập biên bản việc hành lễ trái pháp luật do linh mục Phạm Ngọc Quang - quản xứ Quan Lãng tổ chức tại nhà ông Phạm Thế Trận thì linh mục này đã có thái độ thách thức: “Tuần sau tôi sẽ đưa cả giáo dân Giáo xứ Quan Lãng lên đây làm lễ; đố ông chủ tịch xã, chủ tịch huyện ngăn cấm được. Các ông làm gì được tôi”!

Trước đó, ngày 23/9/2011, khi đoàn khám chữa bệnh từ thiện của Giáo xứ Quan Lãng do linh mục Phạm Ngọc Quang dẫn đầu đề nghị chính quyền cho tổ chức khám bệnh tại xã Yên Khê nhưng cơ quan chức năng từ chối do chưa đủ thủ tục theo Luật Khám, chữa bệnh quy định thì vị linh mục này vẫn tuyên bố: “Nếu chính quyền không cho chúng tôi vẫn làm”… Tương tự, linh mục Ngô Văn Hậu - Chánh xứ Quan Lãng cũng tỏ thái độ bất hợp tác: Ngày 31/5/2012, tại buổi làm việc với UBND huyện Con Cuông, linh mục Ngô Văn Hậu phát biểu: “Nếu chính quyền huyện không đồng ý thì vào Chủ nhật hàng tuần tôi vẫn cứ lên đây làm lễ”.

Ngày 3/6/2012, ông Trần Đức Phúc - Chủ tịch UBMTTQ huyện Con Cuông đã đến nhà ông Phạm Thế Trận mời linh mục Ngô Văn Hậu lên trụ sở xã Yên Khê để làm việc thì linh mục này từ chối và còn nói với giáo dân có mặt “Chủ nhật tuần sau vẫn làm lễ như thường”. Tại sao các linh mục Giáo xứ Quan Lãng lại lôi kéo nhiều tín đồ từ những địa phương có đông giáo dân và đã được chính quyền các cấp tạo điều kiện cho xây dựng cơ sở thờ tự khang trang, đàng hoàng đến Yên Khê (Con Cuông) - nơi chỉ có 4 hộ với 18 giáo dân sinh sống, chưa có cơ sở thờ tự để hành lễ? Nghịch lý này cho thấy các linh mục, chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đã cố ý vi phạm pháp luật một cách có hệ thống.

Trước các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, vi phạm trắng trợn các quy định của Nhà nước về các hoạt động tôn giáo của các vị linh mục và chức sắc ở Giáo xứ Quan Lãng và những tín đồ như ông Trận ở Yên Khê đã khiến nhiều giáo dân ở huyện Con Cuông không đồng tình. Bằng chứng là số giáo dân tham gia sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật tại nhà ông Trận thời gian qua chỉ có trên dưới 20 người, chiếm khoảng 10% số giáo dân ở Con Cuông…

Ông Trần Văn Khải, 48 tuổi, một giáo dân sống ở xã Bồng Khê (ngay sát xã Yên Khê) cho ý kiến: “Truyền đạo mà không được sự cho phép của chính quyền là sai rồi; mà đã sai rồi, trái pháp luật thì tôi không theo nên không tham gia làm lễ tại nhà ông Phạm Thế Trận. Mỗi ngày lễ trọng thì tôi về làm lễ tại nhà thờ ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn… Tự do tín ngưỡng thì không ai cấm cả, nhưng cũng phải tuân theo đúng quy định pháp luật, của địa phương”; Còn giáo dân Trần Văn Thọ, 82 tuổi, ở thôn Liên Tân, xã Bồng Khê cũng có ý kiến tương tự: “Do ngay từ đầu tôi không tham gia hành lễ tại nhà ông Trận nên tôi không biết vụ việc ngày 1/7. Song truyền đạo mà không theo đúng pháp luật, không theo đúng chính sách của Nhà nước như thế lâu nay là sai to rồi. Đã sai rồi mà còn gây gổ thế thì còn sai lầm hơn. Các con của tôi đều xuống đi lễ tại nhà thờ ở Dừa – thế mới chính thống hơn”… Những ý kiến của các giáo dân như ông Giáp, ông Thọ đã chứng minh những luận điệu ra rả lâu nay trên các trang web của các thế lực thù địch, chống đối là hoàn toàn bịa đặt để tìm cách nói xấu, bôi nhọ chính quyền trong các vấn đề tôn giáo.

Bà con giáo dân ở huyện Con Cuông đã thể hiện thái độ như vậy. Còn bà con đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào ở xã Yên Khê, Thị trấn Con Cuông và các vùng lân cận thì phản đối rất mạnh mẽ. Bà con cho rằng: Hoạt động truyền đạo nêu trên là trái với thuần phong, mỹ tục vốn có lâu nay của người Thái cũng như các dân tộc anh em ở huyện miền núi vùng cao này; trái với hương ước của bản, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Và trên hết là trái pháp luật về tôn giáo. Bà con các dân tộc thiểu số bản Trung Hương đã có đơn và chữ ký của hơn 170 người đề nghị chính quyền xử lý nghiêm việc vi phạm trên, lập lại trật tự để bà con yên tâm làm ăn, sinh sống…

Một ngày sau khi xảy ra vụ việc, một số linh mục và chức sắc xứ Quan Lãng cùng một bộ phận giáo dân quá khích gây ra vụ rối loạn, hành hung, bắt giữ người trái phép, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã được lập lại, không khí an bình đã trở lại. Tiếp xúc với bà con xã Yên Khê, ai cũng bày tỏ lạc quan, tin tưởng song cũng không ít người tỏ ra lo lắng bất an, rằng những cảnh hỗn loạn, kinh hoàng, cái ác lại tiếp tục ngang nhiên diễn ra. Họ đều không muốn cứ đến ngày Chủ nhật lại có hàng trăm người từ đâu đó kéo đến, gây rối ở địa phương mình.

Ông Đặng Văn Trường, trên 70 tuổi, trú ở bản Trung Thành, xã Yên Khê tâm sự: “Việc truyền đạo trái pháp luật thế này diễn ra đã khá lâu, họ làm nhà nguyện, tổ chức truyền đạo mà không thèm thông qua ai cả; Làm nhà nguyện xong thì đưa người từ đâu về làm lễ, chứ người dân ở đây thì không có ai đi. Chúng tôi ở đây rất bức xúc và phiền hà, cũng như mọi người tôi phản đối việc làm này. Con dâu tôi cũng theo đạo Thiên chúa nhưng tôi động viên nó xuống nhà thờ dưới Anh Sơn mà lễ. Chứ ở đây là người ta hành lễ trái pháp luật, đến mà làm chi. Nó nghe ra, không đi nữa. Ngày hôm qua, hàng trăm giáo dân từ đâu kéo đến vây kín đặc bản, lại còn hành hung, bắt giam, đánh trọng thương hàng chục người dân như thế đúng là không coi kỷ cương phép nước ra gì. Phản động chính là ở đó chứ ở đâu, cần chấm dứt, xử lý nghiêm khắc, đích đáng ngay”…

Còn chị Nay Thị Sày, người dân ở bản Trung Hương thì tỏ rõ băn khoăn: “Từ khi họ tập trung nhiều người ở đây thì ta không thích, vì tập quán của bà con dân bản khác hẳn họ. Ngoài ra, họ đến đây còn đem theo nhiều cái phức tạp lắm. Có khi họ làm lễ ban đêm, ồn ào, dân bản đi làm về còn muốn được nghỉ ngơi, yên tĩnh, bà con bực tức nên rủ nhau đi phản đối. Lần trước tôi đi thì bị ném đá vào người, hôm qua thì bị đánh một gậy, giờ còn thâm tím. Mình sống trong xã hội có kỷ cương, sống trên quê hương mình mà bị những người nơi khác đến đánh đập, coi không ra gì.

Ông Nguyễn Trọng Lý ở ngay cạnh nhà ông Phạm Thế Trận thì chia sẻ: “Chúng tôi thấy họ coi thường bà con và chính quyền ở đây quá. Họ cứ nghĩ hôm qua cho mấy cân gạo, mấy viên thuốc là bà con theo liền?. Hôm nay lại đánh gây thương tích cho đến chảy máu, què quặt”.

Còn những bà con khác như chị Lô Thị Hường, Lô Văn Khuê, Tăng Thị Tào đều ở bản Trung Hương, mà chúng tôi đã gặp đều có những ý kiến bày tỏ lo ngại: Lâu nay, thấy nhiều người lạ đến, dân bản cảm thấy sợ và lo vì lộn xộn, mất an ninh trật tự. Hôm qua đúng là kinh hoàng, nhà nào trong thôn cũng có người bị thương. Đứng nấp trong nhà rồi cũng bị đá ném vào. Dân bản đều bất bình lắm. Chúng tôi mong muốn giữ lấy nếp sống của bà con dân tộc Thái lâu ngày ở đây…

Ông Phảy Văn Bay, trưởng bản Trung Hương vốn đã rất mệt mỏi vì nhiều tháng qua tuần nào cũng phải thường trực tại khu vực nhà ông Phạm Thế Trận để kiềm chế sự phẫn nộ của bà con; hôm qua lại là đối tượng bị các giáo dân truy lùng, rượt đuổi, tập trung đập đánh và ném đá. Mình mẩy khắp nơi thâm tím, đi lại rất khó khăn, ông Bay bức xúc cho biết: “Các linh mục của Giáo xứ Quan Lãng đưa hàng trăm người từ nơi khác về hành hung, đánh đập tàn bạo bà con, gây mất ổn định cho bản, xã và huyện thì đây chính là hành vi cố tình phá hoại an ninh trật tự. Tôi sợ rằng với vụ việc ngày hôm qua, trong những lần tới, nếu linh mục xứ Quan Lãng và tín đồ tiếp tục đến nhà ông Trận hành lễ trái phép thì chắc chắn bà con xã Yên Khê sẽ phản ứng dữ dội hơn nhiều. Cơ quan chức năng cần xử lý nhanh, đảm bảo cuộc sống an bình cho bà con”.

Có thể thấy, việc truyền đạo, hành lễ trái pháp luật ở huyện Con Cuông như hiện nay không hề xuất phát từ nhu cầu thực tế của bà con giáo dân ở địa phương, mà là hoạt động đơn phương, áp đặt của các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng; cộng thêm thái độ bất hợp tác với chính quyền, coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng nhân dân địa phương của các vị linh mục ở Giáo xứ Quan Lãng và một số tín đồ như ông Phạm Thế Trận thì rõ ràng, việc truyền đạo trái pháp luật ở Con Cuông không ngoài mục đích gây rối loạn kỷ cương, phép nước, cũng như coi thường dư luận, gây hiệu ứng xấu trong xã hội…

Việc làm sai trái của các vị linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng không những làm tổn hại kinh tế cho chính các giáo dân từ Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương… khi theo lời linh mục bỏ chỗ gần đi hành lễ ở chỗ xa mà còn không đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho các tín đồ tôn giáo khi tụ tập tham gia giao thông với mật độ lớn tới hàng trăm người trên các tuyến đường miền núi hiểm trở.

--> Cần sớm làm rõ và xử lý kẻ hành hung dã man bà Vi Thị Hoa

Thực tế cho thấy, vụ việc ẩu đả, xô xát giữa người dân xã Yên Khê với những tín đồ đi theo các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Không những 58 người dân xã Yên Khê mà còn có giáo dân từ nơi khác đến cũng bị thương do chính các tín đồ giáo dân cùng đi gây ra và phải nhập viện. Chính các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng chứ không phải ai khác đã đẩy tín đồ của mình vào tội lỗi với hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như: tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, gây rối loạn an ninh trật tự, hành hung, bắt giữ người trái pháp luật.


Nhóm Phóng viên