Người lao động nào tại cơ quan nhà nước được hưởng phụ cấp công vụ?

14/06/2012 17:16

* Sau khi Chính phủ ban hành quy định về chế độ phụ cấp công vụ cho cán bộ công chức và viên chức, thời gian qua, do chế độ phụ cấp này triển khai chậm và chi trả chưa kịp thời nên một số cán bộ, viên chức băn khoăn đã trực tiếp hoặc gọi điện về Tòa soạn hỏi về các quy định liên quan đến đối tượng được hưởng, trong số đó là một cán bộ đang công tác tại một cơ quan tại TP Vinh theo diện hợp đồng, hưởng lương khởi điểm của bậc đại học 2,34 thì có được hưởng phụ cấp công vụ?

Trả lời:

Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 quy định đối tượng phụ cấp công vụ là người làm việc theo Hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; người lao động làm việc theo HĐLĐ trong cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; không bao gồm người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo điều 1, Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) thì một số loại công việc sau trong cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện chế độ HĐLĐ như sửa chữa, bảo trì đối vớ hệ thống cấp điện, cấp thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, lái xe, bảo vệ; vệ sinh; trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ công chức và khách đến làm việc tại cơ quan và các công việc khác như nấu ăn tập thể, tạp vụ, mộc nề, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan, đơn vị, tổ chức…

Nếu người nào đang làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước tại TP Vinh và thực hiện các công việc nêu tại Điều 1, Nghị định 68/2000/NĐ-CP được xếp lương theo Nghị định 204/2012/NĐ-CP hưởng lương ngân sách thì thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp công vụ.

Trường hợp làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc của viên chức hoặc hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, hoặc hợp đồng khoán việc hàng năm tại đơn vị sự nghiệp công lập thì không thuộc đối tượng được áp dụng Nghị định 34/2012/NĐ-CP về phụ cấp công vụ.

* Liên quan đến chế độ lương và phụ cấp cho nhà giáo đang công tác tại các trường được điều động lên quản lý, làm việc tại các Phòng giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo, một số giáo viên ở huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu hỏi: Khi được điều động thì các phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ) như thế nào?

Trả lời:

Trước hết, cần khẳng định việc giáo viên được điều động làm quản lý là cơ hội phát triển và trưởng thành của mỗi cán bộ viên chức.

Tại Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành trên cơ sở tờ trình, đề xuất của Bộ Giáo dục & Đào tạo về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục. Theo đó, nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập có quyết định điều động, biệt phái, luân chuyển có hiệu lực trong thời gian từ ngày 01/9/2010 đến ngày 31/5/2015 về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo mà không giữ chức vụ lãnh đạo và không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì được bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đang được hưởng tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trước khi được điều động về công tác quản lý.

Thời gian bảo lưu là thời gian thực tế nhà giáo làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng tối đa là 36 tháng, nhằm hỗ trợ giáo viên khắc phục khó khăn trong thời gian đầu thực hiện quyết định điều động. Ngoài chính sách trên, từ ngày 15/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2012/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công vụ, theo đó giáo viên được điều động làm quản lý (trở thành công chức) làm việc tại các Phòng, Sở Giáo dục & Đào tạo sẽ được hưởng phụ cấp công vụ bằng 25% tổng mức lương hiện hưởng.


Nguyễn Hải