Dấu ấn xây dựng nông thôn mới

09/05/2012 17:51

(Baonghean) - Chúng tôi có mặt ở Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) vào những ngày cuối tháng Tư, dưới cái nắng gay gắt lên đến gần 38oC, bà con hai bên trục đường liên thôn đang ra quân chặt bỏ cây cối, phá dỡ hàng rào để mở rộng diện tích mặt đường theo đúng tiêu chí nông thôn mới.

Ông Trương Công Khanh (76 tuổi, xóm Nam Lộc) cho biết: "Vườn nhà tôi bám đường liên xã, theo đúng chuẩn quy hoạch nông thôn mới sẽ mở rộng 12m. Diện tích đường mở rộng sẽ lấn vào vườn nhà khoảng 3-4m. Phải chặt bỏ cây lấy gỗ, cây ăn quả mà gia đình mất công chăm bón từ nhiều năm tôi cũng thấy tiếc lắm. Nhưng vì lợi ích chung, vì bộ mặt nông thôn mới, khi xã phát động, vợ chồng tôi tự phát quang, thu dọn, hiến đất làm đường".



Người dân xã Nghĩa Long giải phóng mặt bằng hiến đất làm đường.

Không chỉ gia đình ông Khanh mà hàng trăm hộ dân nằm sát trục đường liên xã, liên xóm đều tự nguyện chặt bỏ cây cối, dỡ bờ rào, công trình phụ hiến đất làm đường. Có nhiều gia đình, vườn nhà bốn phía tiếp giáp trục đường phải mở rộng, diện tích thu hồi đến 500m2 vẫn hồ hởi đi đầu. Điển hình như các hộ: Ông Vi Đình Du (xóm Nam Thái) phá dỡ bờ rào, hiến 500m2đất, anh Lương Chương Thành (xóm Nam Thái) phá bỏ vườn cây ăn quả; anh Trương Đình Trung dỡ bỏ bờ rào, công trình phụ và chặt bỏ nhiều cây lát hoa đang ở tuổi trưởng thành...


Trên con đường liên xã, mặc dù đã quá trưa nhưng những người dân vẫn hăm hở thi công, người chặt bỏ cây cối, người tháo dỡ bờ rào, nhiều gia đình vì diện tích giải tỏa lớn nên phải huy động anh em, họ hàng đến làm giúp để sớm bàn giao mặt bằng. Không chỉ tự nguyện giải tỏa mà người dân nơi đây còn phấn khởi đóng góp ngày công san ủi mặt bằng, vận chuyển vật liệu làm đường... Trong suy nghĩ của họ, việc hoàn thành con đường sớm ngày nào ắt đời sống của người dân Nghĩa Long sẽ được cải thiện ngày đó.


Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Đình Thống - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Long, Trưởng Ban Quản lý Đề án xây dựng nông thôn mới cho biết: Đối với xã còn nhiều khó khăn như Nghĩa Long, ngân sách eo hẹp nên không thể cân đối để đền bù giải phóng mặt bằng lấy đất mở đường. Do đó, việc vận động người dân hiến đất được phát động rộng rãi đến từng hộ dân, thông qua các tổ chức, đoàn thể. Đối với những gia đình bị ảnh hưởng nhiều trong GPMB thì tổ chức Hội vận động các hội viên khác đóng góp hỗ trợ. Bằng cách làm này, mọi hội viên, mọi người dân đều công bằng trong đóng góp xây dựng nông thôn mới...".


Để có được kết quả đó là sự nỗ lực lớn của Đảng ủy và nhân dân toàn xã. Trong đó Nghị quyết chuyên đề về "Xây dựng nông thôn mới xã Nghĩa Long giai đoạn 2011-2015" của Đảng ủy xã là đòn bẩy thúc đẩy phong trào phát triển rầm rộ. Ngoài việc quán triệt Nghị quyết đến tận các tổ chức đoàn thể, các hội viên trực thuộc, Đảng ủy xã đã lồng ghép phong trào xây dựng nông thôn mới với các phong trào đoàn thể, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", kêu gọi sự tiên phong, gương mẫu trong hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, kinh phí của mỗi đảng viên gắn với nội dung "làm theo" Bác; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành chương trình hành động thiết thực cho mỗi tổ chức.


Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai Đề án xây dựng mô hình nông thôn mới, xã Nghĩa Long cũng gặp một số khó khăn như là một xã miền núi có đến 73,4% dân tộc Thanh, Thổ, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Một số nội dung của Đề án khi triển khai liên quan tới việc huy động vốn trong dân còn rất hạn chế.


Thanh Phúc