Yếu kém trong quản lý­ hoạt động du lịch

13/07/2012 11:20

(Baonghean) - Có thể đánh giá rằng, hoạt động du lịch đã có đóng góp khả quan vào chỉ số kinh tế ước đạt được trong 6 tháng đầu năm 2012 của toàn tỉnh, với doanh thu 971 tỷ đồng, bằng 130% cùng kỳ năm 2011. Như vậy, cho thấy “ưu thế” phát triển trong thời điểm suy thoái, lạm phát… Nhưng, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề cần sớm có sự khắc phục, điều chỉnh để tạo sự tăng trưởng bền vững cho kinh tế du lịch.

Nghị quyết 05-NQ/TU về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu chung: “Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch một cách bền vững, đưa du lịch Nghệ An thực sự là một ngành kinh tế quan trọng với tỷ trọng GDP du lịch trong cơ cấu kinh tế ngày càng cao, phấn đấu đến năm 2015, Nghệ An trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch vùng Bắc Trung bộ và là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước”. Kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm nay (3,085 triệu lượt khách du lịch đến Nghệ An), cho thấy năng lực của du lịch tỉnh ta có thể phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra (cụ thể như đến năm 2015 đón được 3,5 – 4 triệu lượt khách, doanh thu du lịch tăng bình quân 20 -22%). Tuy nhiên, như trên đã nói, mấu chốt là ở mục tiêu “phát triển bền vững”; mà muốn vậy, trước hết phải thể hiện vai trò của quản lý nhà nước trong phát triển du lịch.



Khách về thăm khu di tích Kim Liên đông nhưng chưa có khách lưu lại.

Ngay sau khi quán triệt Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, hoạt động du lịch đã được sự chỉ đạo của tỉnh để ngành chủ quản tham mưu xây dựng chương trình hành động thực hiện và đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 4/2012, đó là động lực lớn để hoạt động du lịch sớm xây dựng lộ trình phát triển với những điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thích hợp, tạo kết quả ngay từ mùa du lịch năm 2012 này. Hiện nay, TP. Vinh, Thị xã Cửa Lò, Nam Đàn là các trọng điểm du lịch của Nghệ An; trong đó Thị xã Cửa Lò với điểm đến du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu du lịch của toàn tỉnh (với chỉ số hơn 40%). Như vậy, TP. Vinh và Nam Đàn trong thực tế gần như chưa phát huy được mục tiêu phát triển du lịch. Hạn chế trước hết ở đây vẫn là công tác quản lý nhà nước về du lịch ở TP. Vinh, Nam Đàn và các địa phương trong quy hoạch phát triển du lịch hiện nay rất yếu kém. Bộ máy chuyên quản, chuyên trách về du lịch chưa có, đội ngũ cán bộ chất lượng kém và kiêm nhiệm hoặc trái chuyên môn… đang là lực cản lớn và là bất cập lớn nhất trước mắt của việc thực hiện phát triển du lịch theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Có thể đưa ra ví dụ của Cửa Lò trong mùa du lịch tắm biển này. Mặc dù được tập trung rất nhiều sự quan tâm chỉ đạo, có mức thu hút đầu tư đáng kể và kinh nghiệm từ thực hiện “5 không” từ năm 2006 lại nay, nhưng chính vì do công tác quản lý nhà nước của địa phương yếu kém, nên mùa tắm biển này đã nảy sinh tình trạng mất kiểm soát hoạt động của đội ngũ ô tô điện với tình trạng chèo kéo khách ăn hoa hồng, mô tô nước chạy ngang dọc bãi tắm mời khách gây mất an toàn, và một số ki ốt dịch vụ không niêm yết giá cả, tình trạng rác thải ô nhiễm môi trường… Đó chính là những “nguy cơ” trước mắt đe dọa đến hình ảnh, thương hiệu của Cửa Lò.

Trong quản lý nhà nước về du lịch phải luôn luôn chú ý tính cạnh tranh. Hiện tại, xét về tổng thể, du lịch tỉnh ta cũng đang bộc lộ dần những hạn chế, bất cập trong sức cạnh tranh so với các tỉnh bạn là Hà Tĩnh, Thanh Hóa và một số địa phương khác nằm trong định hướng liên kết phát triển của du lịch Nghệ An. Trong đầu tư xúc tiến, quảng bá du lịch, đối chiếu với việc tổ chức, tham gia các sự kiện du lịch – văn hóa tầm quy mô tương đương, thường Hà Tĩnh và Thanh Hóa kinh phí được cấp nhiều hơn ta từ 4 -5 lần, có địa phương như Ninh Bình cấp nhiều hơn ta đến 10 lần… Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai đầu tư xây dựng bãi tắm Thiên Cầm với hơn 10.000 tỷ đồng, nếu tỉnh bạn đi trước ta một bước về chất lượng quản lý nhà nước về du lịch và quan tâm cao cho xúc tiến quảng bá, thì chắc chắn nay mai Cửa Lò sẽ bị cạnh tranh rất lớn. Nhìn sang tỉnh bạn Thanh Hóa, công tác tổ chức mùa du lịch biển Sầm Sơn năm 2012 của tỉnh này được đánh giá rất cao và họ thực sự đổi mới, siết chặt công tác quản lý tạo một môi trường du lịch biển tốt với chuyển biến rõ nét so với những mùa du lịch trước. Theo chúng tôi được biết, để Sầm Sơn có được một mùa biển ấn tượng như năm 2012 này, là trước hết có sự quan tâm thực sự của tỉnh Thanh Hóa và sự vào cuộc quyết liệt của Thị xã Sầm Sơn. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng đang là địa phương có ưu thế vượt trội với di tích lịch sử quy mô như Cố đô Lam Kinh và di sản thế giới Thành nhà Hồ; trong khi Nghệ An mới có Khu di tích Kim Liên được công nhận là di tích đặc biệt quốc gia, nhưng để phát huy hiệu quả về du lịch thì chưa như mong muốn…Vào tháng 4/ 2012, tại Thừa Thiên – Huế, diễn ra Hội thảo “Tiềm năng và hướng phát triển du lịch Bắc Trung bộ”, trong một tham luận về hướng liên kết phát triển du lịch vùng, trả lời cho câu hỏi “khách du lịch tìm đến gì ở Bắc Trung bộ”, thì Nghệ An được đề cập các loại hình du lịch gắn với 3 địa danh: Pù Mát, Kim Liên, Cửa Lò. Nhưng, như trên đã nói: Cửa Lò đang nguy cơ mất sức cạnh tranh, Kim Liên chưa có giải pháp phát huy hiệu quả, riêng Pù Mát thì đang thực sự là “số không” trong thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đó chính là vấn đề mà tỉnh, ngành Du lịch lưu ý trong thực hiện phát triển du lịch theo Nghị quyết 05…

Kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2012 đang là khả quan cho việc phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch đặt ra cho cả năm; nhưng những bất cập về quản lý nhà nước của các địa phương, đầu tư chưa cao cho công tác tuyên truyền quảng bá phải là những việc cần được sớm xem xét có động thái chuyển biến ngay trong thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm.


Đình Sâm