Dồn điền, đổi thửa nhìn từ huyện Thanh Chương

12/05/2012 11:04

(Baonghean) Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có cuộc làm việc bàn việc ra Chỉ thị về đẩy mạnh vận động nông dân dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp. Chúng tôi xin nêu cách làm của huyện Thanh Chương để các địa phương rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chỉ thị mới đạt kết quả cao nhất.


Điểm sáng Thanh Lĩnh


Việc DĐĐT không còn là chuyện mới nữa ở xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương), bởi công việc này đã được triển khai từ năm 2001 theo Chỉ thị 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Và kết quả mang lại ở thời điểm đó đã góp phần giảm đáng kể số thửa ruộng đất bình quân ở mỗi hộ dân, 3 - 5 thửa/hộ.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển nông nghiệp quy mô lớn và sản xuất hàng hóa thì hiện trạng ruộng đất của người nông dân vẫn còn manh mún. Năm 2010, khi huyện Thanh Chương có chủ trương chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất (lần 2), Thanh Lĩnh coi đây là cơ hội tốt, điều kiện quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.



Dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện để nông dân ứng dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp.Ảnh: Xuân Nhường

Ban đầu, việc thực hiện DĐĐT ở Thanh Lĩnh cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp. Ở Thanh Lĩnh, đất đai bậc thang, ruộng đất lại được chia nhiều thứ hạng khác nhau; có hộ sở hữu ruộng tốt, hộ sở hữu ruộng xấu, điều này dẫn đến trong quá trình triển khai có hộ đồng tình, có hộ không đồng tình. Từ thực tiễn đó đặt ra cho lãnh đạo xã là phải thực hiện DĐĐT như thế nào vừa đạt mục tiêu mỗi hộ có 1 - 2 vùng sản xuất, vừa đảm bảo công bằng?


Sau nhiều lần họp bàn trong cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và đưa xuống tận người dân, xã đã thống nhất chủ trương là quy hoạch ruộng đất canh tác để bà con nhận những vùng đất gần, đất tốt, thuận lợi; còn những diện tích đất xấu, vùng xa, thấp trũng đưa vào làm quỹ đất công.

Đồng thời tổ chức cho nhân dân tự bình các loại ruộng tốt, ruộng xấu và tiến hành phân chia ra làm 7 hạng ruộng đất, từ đó tính hệ số đất quy đổi giao cho các hộ; nếu hộ nào nhận ở vùng ruộng đất tốt, gần thì diện tích ít, nếu nhận ở vùng ruộng đất xấu, xa thì diện tích lớn hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Trường Tam - Bí thư Đảng ủy xã: "Công tác DĐĐT quả là một công việc khó nhưng nếu được thực hiện dân chủ, công bằng trên cơ sở lợi ích của từng hộ và của tập thể đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và quyết tâm cao từ phía cấp ủy, chính quyền thì chắc chắn thành công. Thực tiễn ở Thanh Lĩnh, công tác chuẩn bị, tuyên truyền, vận động, thuyết phục mất nhiều thời gian nhất. Đến thời điểm này, xã đã thực hiện xong việc DĐĐT ở 164 ha diện tích ruộng lúa, trong đó có 70% số hộ sở hữu 1 thửa ruộng tại 1 vùng, số còn lại do địa hình ruộng bậc thang nên vẫn còn 2, 3 thửa".

Ở Thanh Lĩnh, điều mà chúng tôi cũng ghi nhận được, không dừng lại việc thực hiện DĐĐT theo chủ trương của xã mà một số hộ nông dân có ruộng đất liền vùng tiếp tục dồn lại để trở thành ô thửa lớn hơn. Anh Nguyễn Ngọc Thư ở thôn Thủy chia sẻ: "Do điều kiện nhân lực ít nên tôi xin nhận ruộng đất ít một chút nhưng gần nhà để thuận tiện sản xuất. Sau khi nhận ruộng theo chủ trương của xã, gia đình tôi cùng với 6 hộ nữa có chung vùng ruộng tiếp tục dồn lại tạo thành ô thửa lớn hơn, thuê máy xúc đắp bờ để vừa trồng lúa, vừa nuôi cá. Vụ lúa xuân này là vụ đầu tiên sau khi thực hiện DĐĐT dù chưa thu hoạch nhưng chắc chắn mùa này được lớn, lại thêm một khoản thu nữa từ cá trong ruộng lúa, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao giá trị lên rất nhiều trên cùng đơn vị diện tích".


Việc thực hiện thành công DĐĐT đất ruộng lúa ở xã Thanh Lĩnh, khẳng định: Cái được lớn nhất là ruộng sản xuất của các hộ dân được quy về một mối, tạo điều kiện để người nông dân đầu tư sản xuất; hộ có điều kiện thì nhận diện tích nhiều để làm trang trại tổng hợp, hộ không có điều kiện thì nhận ít. Bên cạnh đó còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí vận chuyển, thời gian đi lại trong quá trình sản xuất, chăm bón và thu hoạch, không như trước đây phải đi lại nhiều cánh đồng.

Sau DĐĐT, xã cũng đã giao cho các xóm huy động ngày công và tiền đóng góp của người dân để đào đắp trên 110.000 m3 đất làm đường giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới, khắc phục hệ thống bờ vùng, bờ thửa nhỏ hẹp trước đây. Xã cũng đã dành được một quỹ đất công tập trung với tổng diện tích trên 19 ha. Diện tích đất này cho đấu thầu và đã hình thành được một số gia trại và trang trại. Theo kế hoạch, Thanh Lĩnh đang tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành DĐĐT ở 80 ha diện tích đất màu (do thời điểm thực hiện DĐĐT đất ruộng vào cuối năm 2011 trên đất màu đang còn cây vụ đông), phấn đấu hoàn thành việc DĐĐT trong năm 2012, tạo tiền đề để xây dựng nông thôn mới.


Thành công nhờ sự quyết tâm


Bắt đầu từ tháng 6/2010, huyện Thanh Chương triển khai thực hiện đề án chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất lần 2. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm và được cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Thanh Chương chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn.

Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Chương đã thực hiện chặt chẽ quy trình 4 bước, từ công tác chuẩn bị lập, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đến đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo phương án quy hoạch đã thống nhất; tổ chức kiểm kê quỹ đất, rà soát số hộ, số khẩu, ghép nhóm bốc thăm nhận ruộng tại vị trí ruộng mới và lập sổ quy chủ tạm thời. Nhiều địa phương như Thanh Giang, Thanh Ngọc, Thanh Mai, Đồng Văn, Hạnh Lâm, Thanh Lĩnh... chuyển đổi ruộng đất rất nhanh gọn. Cán bộ từ xã đến xóm rất trăn trở, trực tiếp lội ruộng nhiều lần để khảo sát thực địa, xác định các tuyến đường giao thông, thủy lợi hợp lý để quy hoạch có chất lượng; trực tiếp tham gia hội nghị đoàn thể, các xóm để tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân; ưu tiên người dân lựa chọn, bốc thăm nhận ruộng trước, cán bộ, đảng viên nhận sau.

Bên cạnh tuyên truyền chủ trương và những lợi ích chung và riêng, các địa phương cũng tập trung định hướng cho người dân chọn lựa những vùng đất tùy vào điều kiện cụ thể về nhân lực cũng như điều kiện kinh tế của từng gia đình để có thể đầu tư sản xuất đạt hiệu quả cao ở từng vùng ruộng, từng mô hình kinh tế phù hợp. Các xã cũng đã dành được một số quỹ đất công 5% tập trung để đấu giá hoặc đấu thầu hay cho thuê nhằm tạo nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới (trước đây quỹ đất công phân tán nhỏ lẻ hoặc xen lẫn trong quỹ đất giao ổn định lâu dài cho các hộ dân). Có xã đã dồn một số diện tích đất về một vị trí phục vụ xây dựng các công trình dân sinh, như Thanh Khê dồn được 26 ha....


Nhờ sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đến nay toàn huyện Thanh Chương có 9 xã cơ bản hoàn thành xong việc chuyển đổi ruộng đất ổn định cho người dân sản xuất vụ xuân năm 2012 (bình quân mỗi hộ được nhận 3 vùng, bao gồm cả vùng màu và vùng ruộng lúa, trong đó hộ ít nhất là 1 vùng và hộ nhiều nhất là 5 vùng). 6 xã đang thực hiện bước 4, đó là thực hiện kiểm kê lại quỹ đất, rà soát số hộ, số khẩu, ghép nhóm, ghép vùng, bốc thăm nhận ruộng và giao ruộng tại thực địa. 15 xã thực hiện bước 3 đào đắp làm giao thông, thủy lợi nội đồng. Các xã còn lại đang tiến hành bước 2, đó là lập, điều chỉnh bổ sung quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng.


Rõ ràng, việc thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất lần 2 là sự chủ động, đi trước một bước của huyện Thanh Chương, phù hợp với yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ sau đó. Ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: "Việc thực hiện DĐĐT ở Thanh Chương đang khắc phục dần tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện hình thành một số vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tạo bước chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa".

Bên cạnh đó, ông Hà cũng thừa nhận, kết quả ở 9 xã đã hoàn thành xong việc chuyển đổi ruộng đất vẫn chưa đạt được mục tiêu của đề án là mỗi hộ có từ 1 đến 2 vùng sản xuất, mà hiện vẫn còn 3 - 5 vùng/hộ. Do kinh phí có hạn nên một số địa phương vẫn đang dùng phương pháp thủ công để thực hiện việc đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng, ảnh hưởng đến chất lượng và gây khó khăn cho cứng hóa giao thông nội đồng sau này.

Một số địa phương đất 5% công ích vẫn đang bố trí manh mún, chưa tập trung ở vùng trung tâm của xã hoặc xóm. Lý giải nguyên nhân, ông Hà cho rằng, việc chuyển đổi ruộng đất tại Thanh Chương thời gian qua, người nông dân vẫn băn khoăn là có nên đợi hết Nghị định 64 chia đất thời hạn 20 năm rồi mới chia không. Thanh Chương lại là huyện bán sơn địa với địa hình chia cắt bởi sông, suối và diện tích ruộng đất bậc thang nên đây cũng là lý do làm khó khăn trong việc DĐĐT và đảm bảo mục tiêu mà huyện đề ra là 1 - 2 vùng/hộ.


Dồn điền, đổi thửa vẫn đang được huyện Thanh Chương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và lâu dài trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, huyện đang và sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo DĐĐT hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương, tạo thuận lợi để các hộ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp. Và việc DĐĐT là việc làm quan trọng, là cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề trong nông thôn, tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Từ kinh nghiệm của Thanh Chương, các địa phương trên địa bàn tỉnh có thể nghiên cứu, học tập.


Mai Hoa