Hàng trăm ha đất trồng lúa đang bị bỏ phí

23/07/2012 19:50

(Baonghean) Đến nay, lịch gieo cấy vụ hè thu trên địa bàn tỉnh ta đã kết thúc, chỉ còn lại một số diện tích được người dân đưa vào lịch vụ mùa và quá trình sản xuất cũng đang dần khép lại. Tuy nhiên, đi dọc nhiều cánh đồng tại các huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, TP Vinh… rất dễ nhận thấy nhiều ruộng lúa đang còn trơ gốc rạ, không được người dân gieo cấy.

Bà Nguyễn Thị Lụa, xóm 13, xã Nghi Liên (TP Vinh) đứng tần ngần dưới ruộng nói: “Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi có hơn 2 sào không thể canh tác được. Nhiều năm, gia đình đánh liều bắc mạ để cấy nhưng khi đến lúc thu hoạch thì chỉ còn nước. Không riêng gì gia đình Lụa mà còn hàng ngàn hộ nông dân khác vì lý do khách quan hay chủ quan mà đang phải “bỏ rơi” đồng ruộng của mình. Nguyên nhân chính là những diện tích này nằm ở các vùng trũng thường xuyên bị ngập sâu về mùa mưa, hoặc vùng cao cưỡng khó lấy nước để gieo cấy.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, ông Phan Văn Trường, cho biết: Từ thực tế vụ hè thu năm 2011, huyện Hưng Nguyên bị thiệt hại nặng gần 800 ha lúa do bị ngập nặng ở giai đoạn trổ bông nên vụ hè thu năm nay (2012) huyện chủ trương tổ chức sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn cao nhất. Cụ thể là sẽ vận động nhân dân không tổ chức gieo cấy lúa trên những diện tích không chủ động được nguồn nước và chuyển đổi sang trồng đậu, vừng hoặc cây trồng khác. Hiện có gần 150 ha đất sản xuất bị bỏ hoang, trong đó, xã Hưng Lợi có diện tích nhiều nhất, gần 50 ha.



Chị Nguyễn Thị Lụa, xóm 13, xã Nghi Liên, TP. Vinh nhìn ruộng lúa bị bỏ hoang.

Bên cạnh đó, một thực tế mới xảy ra thời gian gần đây là người nông dân đang có xu hướng bỏ bê đồng ruộng. Một số mảnh ruộng nằm ở vị trí tốt, điều kiện tưới tiêu đảm bảo, xung quanh những gia đình khác vẫn gieo cấy bình thường nhưng vẫn bị bỏ hoang. Bởi người nông dân cảm thấy rằng, làm ruộng bây giờ không có lãi. Từ giá thuê máy cày, tuốt, cấy, gặt cho đến chi phí giống và các loại vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu… người nông dân phải bỏ ra từ 1,4 – 1,5 triệu đồng/ sào. Trong khi đó, giá lúa thấp chỉ 5,0 – 5,4 ngàn đồng/ kg, tùy loại và tùy địa phương. Tính trung bình, 1 sào lúa có năng suất đạt 2,5 tạ. Tức là, trên 1 sào lúa, người nông dân chỉ thu về từ 1,2 – 1,3 triệu đồng. Tính chi phí đầu tư cho một sào ruộng so với giá trị sản xuất thì người nông dân thua lỗ. Vì thế, họ có thể để ruộng hoang và đi ra thành phố làm dịch vụ nhằm tìm kiếm mức thu nhập cao hơn.

Không chỉ Hưng Nguyên, tại các huyện Thanh Chương và Nghi Lộc cũng có tình trạng trên. Nhiều xã vùng cao của huyện Thanh Chương như Ngọc Sơn, Hạnh Lâm, Thanh Thủy… hàng trăm ha diện tích trồng lúa không có nước để gieo cấy. Rồi tại một số xã như Xuân Tường, Ngọc Sơn… là những xã thường xuyên bị ngập lụt nên huyện cũng không có chủ trương đưa vào kế hoạch gieo cấy vụ hè thu. Tổng diện tích đất không sản xuất lúa này tại huyện Thanh Chương là hơn 2.000 ha. Còn tại huyện Nghi Lộc, gần 50 ha tại các xã như Nghi Phương, Nghi Thuận, Nghi Yên chỉ có thể cơ cấu một vụ đông xuân. Ông Nguyễn Ngọc Tạo, Chủ tịch UBND xã Nghi Phương cho biết: Hơn 30 ha của xã đã nhiều năm nay chỉ cơ cấu sản xuất một vụ đông xuân. Đây là vùng nằm sát cống Nghi Quang nên khoảng đầu tháng 8, công ty thủy lợi sẽ tích nước để đảm bảo nước tưới cho vụ đồng Xuân vì thế mực nước sẽ nâng lên và việc sản xuất lúa là điều không thể.

Trước thực tế này, công tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng đối với những diện tích đất như trên là rất quan trọng. Đối với những diện tích ngập lụt, người dân có thể chuyển sang nuôi cá. Còn đối với những diện tích cao cưỡng, người dân có thể chuyển sang trồng các loại cây màu như ngô, lạc, đậu… Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này tại các địa phương còn còn gặp khó khăn. “Để chuyển đổi diện tích hay ngập lụt sang nuôi cá là rất khó vì chi phí đầu tư là quá lớn (hơn 2 tỷ/ ha) mà người nông dân mình còn nghèo. Bên cạnh đó, ruộng đồng còn manh mún, nhỏ lẻ nên khó để quy hoạch từng vùng rộng lớn để tiến hành đắp bờ, nuôi cá”, ông Trường cho biết.

Ông Trường cũng kiến nghị rằng, Nhà nước cần hỗ trợ để nâng cao tổng sản lượng cũng như tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đối với những vùng ngập úng, cần hỗ trợ người dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy để thu hoạch sớm trước mùa mưa bão. Bên cạnh đó, việc nâng cấp hệ thống kênh mương tưới tiêu cần được quan tâm hơn… Đây là những giải pháp cấp bách để hạn chế việc bỏ phí hàng trăm ha đất trồng lúa như hiện nay.


Phạm Bằng